TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 95

29/11/2017 03:12
TIN TỔNG HỢP GỖ VIỆT SỐ 95

NĂM 2017: DĂM GỖ XUẤT KHẨU CÓ XU HƯỚNG GIẢM
MỸ: NHẬP KHẨU NỘI THẤT GỖ GIẢM
TRUNG QUỐC: NGHÀNH CÔNG NGHIỆP GỖ CÓ XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI 
HÀ LAN:  GIẤY CHỨNG NHẬN GỖ KẾT NỐI VỚI FSC VÀ PEFC 
INDONESIA: GỖ ĐÓNG VAI TRÒ TRONG CHÍNH SÁCH NHÀ CỬA

NĂM 2017: DĂM GỖ XUẤT KHẨU CÓ XU HƯỚNG GIẢM
Phát biểu tại Hội thảo về xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào đầu tháng 10, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores) cho biết: Ngành chế biến và xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam liên tục được mở rộng trong những năm vừa qua. Số lượng nhà máy chế biến dăm tăng rất nhanh, từ 47 nhà máy năm 2009 lên 130 nhà máy năm 2016. Lượng dăm gỗ xuất khẩu bình quân lên tới 7-8 triệu tấn dăm khô, tương đương 14-16 triệu m3 gỗ quy tròn, hầu hết là gỗ keo từ rừng trồng. Kim ngạch xuất khẩu dăm hàng năm lên tới khoảng 1 tỉ USD, chiếm 15% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của cả nước.
Giá xuất khẩu dăm có xu hướng đi xuống và đây là một trong những thách thức lớn nhất cho sự phát triển bền vững của ngành dăm. Giá dăm (FOB) lên đỉnh điểm năm 2015, ở mức khoảng 145 USD/tấn. Đến 2016, giá giảm xuống chỉ xuống còn 137 USD/tấn. Mức giá bình quân trong 6 tháng đầu 2017 chỉ đạt khoảng 132 USD/ tấn. Thông tin từ một số doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu cho thấy giá xuất khẩu tiếp tục giảm sâu trong quý ba năm 2017 và có khả năng còn tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.
Chất lượng dăm gỗ của Việt Nam hiện vẫn chưa được kiểm soát; một số doanh nghiệp sản xuất dăm có chất lượng kém, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của cả ngành dăm, tạo cơ hội cho người mua dăm đưa ra các yêu cầu giảm giá. Nguồn cung dăm trên thế giới với chất lượng cao có xu hướng tăng, đặc biệt là tại Australia. Giá dăm gỗ giảm không chỉ tác động trực tiếp đến hình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp dăm Việt Nam mà còn làm ảnh hưởng tới hàng nghìn hộ trồng rừng, là những người cung nguyên liệu cho ngành dăm.
Dăm gỗ của Việt Nam được xuất khẩu qua nhiều cảng biển khác nhau, chủ yếu tập trung ở dải ven biển miền Trung và một số cảng ở vùng Đông Bắc. Đây cũng chính là địa bàn tập trung nhiều diện tích rừng trồng, là nguồn nguyên liệu cho ngành dăm. Các cảng có lượng dăm xuất khẩu lớn nhất bao gồm cảng Cái Lân, Nghi Sơn, Qui Nhơn và Dung Quất. Trong 6 tháng đầu 2017, lượng và giá trị dăm gỗ xuất khẩu qua 4 cảng này như sau: Cảng Cái Lân: 0,78 triệu tấn, 105,3 triệu USD; Cảng Nghi Sơn: 0,48 triệu tấn, 63,6 triệu USD; Cảng Quy Nhơn: 0,55 triệu tấn, 72,7 triệu USD; Cảng Dung Quốc: 0,5 triệu tấn, 63,8 triệu USD.
Keo/tràm là loài gỗ được sử dụng nhiều nhất trong nguyên liệu dăm. Năm 2016, lượng keo tràm được sử dụng làm nguyên liệu dăm lên tới 6,57 triệu tấn, chiếm 90% trong tổng khối lượng keo xuất khẩu. Trong cùng năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu dăm được làm từ loài này lên tới trên 900 triệu USD. Trong 6 tháng đầu 2017, lượng gỗ keo/tràm sử dụng làm nguyên liệu dăm lên tới gần 4 triệu tấn, đem lại trên 520 triệu USD về kim ngạch. 
Ông Nguyễn Tôn Quyền phân tích: Các con số về lượng và kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm 2017 cho thấy thông điệp rất rõ ràng rằng ngành ngành dăm vẫn tiếp tục mở rộng, mặc dù chính phủ đã có những biện pháp can thiệp về thuế, nhằm hạn chế sự phát triển của ngành. Tuy nhiên, đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy nếu không thay đổi, ngành sẽ khó có khả năng tồn tại một cách bền vững. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay của ngành là xu hướng giảm giá xuất khẩu. Điểm quan trọng ở đây là giá dăm gỗ của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc luôn thấp hơn giá dăm xuất từ các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp của Việt Nam là các doanh nghiệp từ Australia, Chile và Thái Lan. 
MỸ: NHẬP KHẨU NỘI THẤT GỖ GIẢM
Nhập khẩu đồ gỗ nội thất ở khu vực Mỹ đang có xu hướng giảm đến 3% trong vài tháng qua, bất chấp việc nhu cầu đồ gỗ nội thất văn phòng đang tăng trong thời gian này. Tuy nhiên, so với cùng năm ngoái, nhập khẩu đồ gỗ nội thất lại tăng tới 10%. Các báo cáo của Mỹ cho thấy, hầu hết các nước xuất khẩu chính vào thị trường này đều giảm qua từng tháng, nhưng giảm mạnh nhất là hai nhà xuất khẩu Canada và Indonesia, trị giá nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ Indonesia chỉ đạt 37,1 triệu USD, thấp hơn so với cùng thời điểm năm 2016. Chỉ có duy nhất Mexico vẫn là nhà xuất khẩu đồ gỗ chủ lực vào thị trường Mỹ, và tăng tới 11% về giá trị so với năm trước.
TRUNG QUỐC: NGHÀNH CÔNG NGHIỆP GỖ CÓ XU HƯỚNG CHUYỂN ĐỔI 
Ngành công nghiệp gỗ và lâm nghiệp Trung Quốc đang có những dấu hiệu thay đổi trong vòng 5 năm qua. Trữ lượng rừng được mở rộng và giúp cho các ngành công nghiệp khác phát triển ổn định hơn. Theo Kế hoạch 5 năm của chính phủ nước này về phát triển ngành công nghiệp lâm nghiệp, tổng giá trị ngành công nghiệp gỗ Trung Quốc đạt tới 8,7 nghìn tỉ  nhân dân tệ trong vài năm qua. Và xa hơn, một kế hoạch chuyển đổi ngành gỗ công nghiệp Trung Quốc hướng tới sự đổi mới toàn diện và quản lý thông qua công nghệ tiên tiến. Kệ hoạch này cũng sẽ giải quyết những thách thức về việc đưa ngành công nghiệp gỗ Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong vài năm tới. 
HÀ LAN:  GIẤY CHỨNG NHẬN GỖ KẾT NỐI VỚI FSC VÀ PEFC 
Viện nghiên cứu gỗ độc lập Hà Lan Stichting Hout vừa tiết lộ một kế hoạch mới về việc cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm cho các khách hàng của họ có thể yên tâm 100% vào nguồn gốc hợp pháp, cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của rừng. Tổ chức STIP (Sản phẩm gỗ bền vững) được cho là sẽ tham gia vào kế hoạch này, để cùng vớiStichting Hout đề xuất lên Chính phủ Hà Lan thực thi giấy phép tuân thủ các qui định về lâm luật của quốc tế. Ông Oscar Van Doorn, Giám đốc điều hành của Stichting Hout cho biết, ông sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ các tổ chức khác của Hà Lan như Ủy ban kiểm định và đánh giá gỗ Hà Lan, tổ chức Hành động xanh và tổ chức Hiệp ước gỗ Hà Lan tạo ra một hành lang pháp lý cho giấy phép này. 
INDONESIA: GỖ ĐÓNG VAI TRÒ TRONG CHÍNH SÁCH NHÀ CỬA
Trường đại học Triskti, một trường tư ở thủ đô Jakarta Indonesia vừa đưa ra một báo cáo khoa học cho thấy, việc đầu tư công nghệ vào ngành công nghiệp gỗ, hay các nghiên cứu khoa học về gỗ đóng góp rất lớn cho những chính sách phát triển xã hội của chính phủ nước này, cụ thể là chính sách nhà ở xã hội. Cốt lõi trong báo cáo khoa học này chính là luận điểm gỗ có nhiều lợi thế hơn so với các vật liệu xây dựng khác, đồng thời, chi phí xây nhà xã hội sẽ rẻ hơn, với gỗ composit hay các loại sản phẩm khác từ gỗ. Ông Nirwono Joga, giáo sư của Triskti kêu gọi các nhà làm chính sách và các nhà khoa học trong ngành gỗ ngồi lại với nhau để tìm ra các hướng phát triển mới cho chính phủ Indonesia.