TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM NĂM 2021

30/01/2022 19:45
TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM NĂM 2021

Năm 2021, xuất khẩu Gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Kim ngạch nhập khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm 2021 tăng mạnh, đạt 2,928 tỷ USD, tăng tới 14,5% so với năm 2020. Việt Nam đã xuất siêu tới 11,88 tỷ USD trong hoạt động xuất – nhập khẩu G&SPG trong năm 2021; con số này của năm 2012 là 9,813 tỷ USD.

XUẤT KHẨU

Tháng 12/2021, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng trước đó và tăng 6,84% so với tháng 12/2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ (SPG) đạt 1,074 tỷ USD, tăng 17,3% so với tháng trước đó và tăng 2,67% so với tháng 12/2020.

Biểu đồ 1:Tham khảo kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam theo tháng từ năm 2018 - 2021 (ĐVT: triệu USD)

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Năm 2021, G&SPG tiếp tục đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa/nhóm hàng hóa của Việt Nam, đạt 14,809 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu SPG đạt 11,073 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020; Chiếm 74% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG, giảm so với mức 77,22% của năm 2020.

Dự báo năm 2022, kinh tế toàn dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, sức tiêu thụ hàng hóa tăng lên; Đầu tư FDI vào Việt Nam ngày càng tăng; Sự chủ động về công nghệ sản xuất và nguyên liệu gỗ đầu vào sẽ là động lực cho hoạt động xuất khẩu G&SPG của Việt Nam đạt tăng trưởng trên 20% trong năm 2022.

Biểu đồ 2: Tham khảo kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong từ năm 2009 - 2021 (ĐVT: tỷ USD)

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Kim ngạch xuất khẩu G&SPG của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt mức tăng trưởng cao hơn so với toàn ngành.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI đạt 7,464 tỷ USD, tăng 22,24% so với năm 2020 tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của toàn ngành (tăng nhẹ so với tỷ trọng năm 2020 đạt 49,35%).

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 6,82 tỷ USD, tăng 20,48% so với năm 2020; chiếm 92,72% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của khối FDI và chiếm 55,14% tổng kim ngạch xuất khẩu SPG của toàn ngành.

Thị trường xuất khẩu

Kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 59,24%. Năm 2021, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất và ghi nhận mức trăng trưởng cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu G&SPG chủ lực của Việt Nam đạt trên 8,77 tỷ USD, tăng tới 22,42% so với năm 2020; chiếm tới 59,24% tổng kim ngạch xuất khẩu G&SPG của cả nước, cao hơn mức tăng trưởng của toàn ngành.

Vị trí tiếp sau thuộc về 3 thị trường châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt mức tăng trưởng cao nhất, lên đến 24,71% so với năm 2020, đạt 1,49 tỷ USD; Nhật Bản đạt 1,43 tỷ USD tăng 11 % và Hàn Quốc đạt 888,2 triệu USD tăng 8,5% so với năm trước.

Đặc biệt, mặc dù kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Maylaysia mới chỉ đạt  128 triệu USD nhưng mức tăng lên đến 69,13% so với năm ngoái. Một số thị trường như Hà Lan đạt 93,3 triệu USD, Thái Lan đạt 66,2 triệu USD, Bỉ đạt 63,2 triệu USD và Đan Mạch đạt 46,14 triệu USD cũng đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng lần lượt là 27,9%; 30,1%; 411% và 42,2% . Đạt mức tăng trưởng thấp tại thị trường Canada, Pháp và Đài Loan. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Australia giảm nhẹ 1,62% chỉ đạt 169,2 triệu USD;

Biểu đồ 3: Tham khảo thị phần về kim ngạch xuất khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm 2021

Nguồn: Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Bảng 1: Tham khảo kim ngạch xuất khẩu G&SPG sang một số thị trường trong năm 2021

 

 

Nguồn: Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

 NHẬP KHẨU

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của Việt Nam trong năm 2021 tăng mạnh, đạt 2,928 tỷ USD, tăng tới 14,5% so với năm 2020. Việt Nam đã xuất siêu tới 11,88 tỷ USD trong hoạt động xuất – nhập khẩu G&SPG trong năm 2021; con số này của năm 2012 là 9,813 tỷ USD. Cùng với tốc độ tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu G&SPG, kim ngạch nhập khẩu được dự báo tăng trưởng trên 15% trong năm 2022.

Biểu đồ 4: Kim ngạch nhập khẩu G&SPG về Việt Nam theo tháng trong từ năm 2018 - 2021 (ĐVT: Triệu USD)

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Biểu đồ 5: Kim ngạch nhập khẩu G&SPG về Việt Nam từ năm 2009 - 2021 (ĐVT: tỷ USD)

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Doanh nghiệp FDI

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu G&SPG của các doanh nghiệp FDI 1,195 tỷ USD, tăng 14,37% so với năm 2020; chiếm 40,82% tổng kim ngạch nhập khẩu G&SPG của cả nước, xấp xỉ tỷ trong của năm 2020. Như vậy, năm 2021, các doanh nghiệp FDI đã xuất siêu 6,268 tỷ USD trong hoạt động xuất nhập khẩu G&SPG, tăng so với mức xuất siêu của năm 2020 là 5,06 tỷ USD.

Thị trường nhập khẩu

Kkim ngạch nhập khẩu G&SPG từ thị trường Trung Quốc, Brazil, Lào và Chile tăng rất mạnh. Năm 2021, Trung Quốc tiếp tục là thị trường cung ứng G&SPG lớn nhất cho Việt Nam, đạt 1,036 tỷ USD, tăng 20,20% so với năm 2020; chiếm 35,39% tổng kim ngạch nhập khẩu. Tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ và Thái Lan, với mức tăng 6,6% và 7,13% so với năm 2020. Đặc biệt, trong năm 2021 kim ngạch nhập khẩu G&SPG sang thị trường Brazil, Lào và Chile tăng rất mạnh, lần lượt tăng tới 87,40%; 85,29% và tăng 32,61% so với năm 2020. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu G&SPG từ thị trường Newzealand, Nga và Congo chỉ tăng rất nhẹ.

Biểu đồ 6: Tham khảo tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu G&SPG về Việt Nam trong năm 2021

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Bảng 02: Tham khảo kim ngạch nhập khẩu G&SPG từ một số thị trường về Việt Nam trong năm 2021

Nguồn:Gỗ Việt phân tích từ số liệu Tổng Cục Hải quan

Gỗ Việt