Việt Nam và Cộng hòa liên Bang Đức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp

13/01/2024 05:01
Việt Nam và Cộng hòa liên Bang Đức tăng cường hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đã có buổi tiếp và làm việc với Ông Jens Schmid-Kreye, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam. Hai bên đã bàn thảo về các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Ông Jens Schmid-Kreye cho biết: Trong cuộc họp đàm phán cấp chính phủ giữa Việt Nam và Cộng hòa liên bang (CHLB) Đức được tổ chức từ ngày 7-8/11/2023 tại Bonn, CHLB Đức, Chính phủ Đức, thông qua Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển (BMZ) đã cam kết hỗ trợ thực hiện Dự án “Bảo vệ và Quản lý các khu bảo tồn có hệ sinh thái phức hợp tại Việt Nam”. Dự án sẽ do GIZ và Cục Lâm nghiệp phối hợp thực hiện. Chính phủ Đức cũng cam kết cấp bổ sung một khoản ngân sách cho Dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Việt Nam”, do GIZ và Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp phối hợp thực hiện.

Theo tinh thần của cam kết này, GIZ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác liên quan và Vụ Hợp tác Quốc tế tiến hành các hoạt động cần thiết để tiếp tục thực hiện các dự án cũng như lập kế hoạch cho dự án mới.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá rất cao sự hợp tác của Chính phủ Đức nói chung và GIZ nói riêng trong thời gian qua đã hỗ trợ Bộ thực hiện nhiều dự án về lâm nghiệp, đa dạng sinh học hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị phía Đức và GIZ làm rõ nội dung đề xuất dự án mới (mục tiêu, kế hoạch phối hợp và triển khai, lộ trình chuẩn bị văn kiện dự án…) để từ đó giao Cơ quan đầu mối và chủ dự án phối hợp thực hiện. Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề nghị GIZ phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác quốc tế và chủ dự án dự kiến từ khâu chuẩn bị Văn kiện dự án (khu vực sẽ triển khai, nội dung triển khai).

Hai bên nhất trí bổ sung ngân sách cho dự án “Nhân rộng Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng tại Việt Nam” để có đủ các nguồn lực cần thiết kéo dài giai đoạn hiện tại nhằm tăng cường đầy đủ năng lực của các chủ thể lâm nghiệp liên quan trong quá trình chuyển đổi từ trồng rừng chu kỳ ngắn, thuần loài sang rừng sản xuất gỗ lớn, hỗn loài.

Ông Jens Schmid-Kreye nhấn mạnh rằng việc tiếp tục có được cam kết nhân rộng các mô hình quản lý rừng bền vững dựa trên các mô hình trình diễn của các tỉnh và các chủ rừng trong là một trong những yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của dự án.

Dự án “Bảo vệ và Quản lý các khu bảo tồn có hệ sinh thái phức hợp tại Việt Nam” sẽ do GIZ hợp tác với Bộ NN&PTNT thực hiện, nhằm tăng cường khung thể chế và năng lực của các bên liên quan trong việc thực hiện phương pháp tiếp cận cảnh quan tổng hợp trong quản lý khu bảo tồn. Do rừng với vai trò là một bể chứa carbon là yếu tố quan trọng để có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, trọng tâm của dự án này sẽ là bảo vệ hệ sinh thái rừng.

Việc bảo tồn và tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái của rừng sẽ góp phần vào thực hiện kế hoạch Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) từ ngành sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). Cải thiện công tác quản lý khu bảo tồn cũng sẽ góp phần thực hiện “Chiến lược Đa dạng sinh học quốc gia và Kế hoạch hành động” và Khung đa dạng sinh học toàn cầu theo Công ước Đa dạng Sinh học (CBD). Các phương pháp quản trị rừng đã được chứng minh sẽ tăng cường quản lý khu bảo tồn trên nguyên tắc hợp tác với các chủ thể khác nhau.

Cả hai bên nhất trí rằng các thực tiễn tốt và đổi mới mà dự án đã hỗ trợ phát triển cần được nhân rộng trên toàn quốc.

Gỗ Việt (Nguồn: mard.gov.vn)