Thế khó của FSC trong công nghiệp gỗ Việt Nam
Áp lực gia tăng lên ngành công nghiệp gỗ khi các nhà mua hàng đặt quan tâm vào sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC.
Phát triển rừng trồng, đảm bảo nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ, yêu cầu tiên quyết đảm bảo mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 17,5 tỷ USD năm 2024.
Ông Trần Lê Huy - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, tại Hội thảo "Hệ thống chứng chỉ FSC: Thực trạng sử dụng các sản phẩm và xu hướng phát triển", tại Hà Nội ngày 29/12, cho biết, hiện nguồn cung gỗ FSC của rừng trồng trong nước còn hạn chế. Các sản phẩm FSC chủ yếu tập trung đồ nội thất, viên nén và bột giấy.
Theo ông Huy, nguồn gỗ trong nước không đủ cho nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cũng chưa có chứng chỉ FSC-FM; trong khi theo yêu cầu của châu Âu và Mỹ, phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc.
FSC là viết tắt tên của Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế và cũng là một loại chứng chỉ rừng do chính hội đồng này quản lý. Trong đó, hai chứng nhận quan trọng là FSC- FM (nguyên liệu gỗ có xuất xứ từ những vùng rừng được phát triển bền vững) và FSC-CoC (chuỗi khai thác, chế biến đến thành phẩm, xác định nguyên liệu từ rừng đã được quản lý tốt, kết nối trong quy trình sản xuất).
Hiện nay, tại một số quốc gia phát triển trên thế giới, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ ra thị trường tiêu thụ. Chính vì thế, để các sản phẩm gỗ Việt Nam có vị thế trên thị trường, đặc biệt là hướng đến thị trường lớn như Mỹ thì chúng ta cần phải thay đổi ngay từ lúc này.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Các quyết định của nhà mua hàng liên quan về nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, yêu cầu gỗ có chứng chỉ FSC đang tác động lên toàn bộ chuỗi cung.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu gỗ FSC để đón đầu cơ hội thị trường. Hòa Phát, một trong những công ty phát triển mạnh diện tích gỗ FSC, thông qua liên kết với hộ trồng rừng phát triển sản lượng 15 nghìn tấn/năm.
Diện tích rừng ở Việt Nam có chứng chỉ FSC đang tăng lên trong những năm gần đây. Hội đồng Quản lý rừng FSC tính đến hết tháng 12 năm 2023 diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282,960 ha chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có chứng chỉ FSC 11 tháng đầu năm 2023 đạt 226.85 triệu USD, theo Tổng cục Hải quan.
Ngành gỗ đang hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu Net Zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị COP 26. Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam.
Theo bà Vũ Thị Quế Anh, đại diện FSC ở Việt Nam “Các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và cập nhật các tiêu chuẩn, hướng dẫn mới của FSC và xu hướng thị trường, để đảm bảo nguồn nguyên liệu với giá thành phù hợp và chuỗi cung ứng toàn vẹn đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Theo bà Quế Anh, hình thành liên kết chuỗi đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng các yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn, EU, Bắc Mỹ, Nhật với các yêu cầu ngày càng cao về truy xuất nguồn gốc gỗ như EUDR và chứng chỉ FSC.
Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về sản phẩm gỗ có chứng chỉ, bà Quế Anh cho rằng rất cần sự vào cuộc nhiều hơn của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc cân bằng giữa năng lực chế biến và vùng nguyên liệu rừng trồng.
Chứng chỉ FSC được tổ chức này cung cấp nhằm xác minh nguồn gốc gỗ, quy trình khai thác, sản xuất theo đúng pháp luật, đáp ứng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng cần tuân thủ để đảm bảo phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
10 nguyên tắc chứng nhận FSC
Nguyên tắc 1: Tuân thủ pháp luật và nguyên tắc của tổ chức FSC. Hoạt động quản lý rừng phải tôn trọng pháp luật hiện hành áp dụng tại từng nước sở tại và các hiệp ước, thỏa thuận quốc tế mà nước sở tại ký kết tham gia, tuân thủ mọi nguyên tắc và tiêu chí của tổ chức FSC.
Nguyên tắc 2: Tuân thủ quyền và nghĩa vụ với việc quản lý và sử dụng tài nguyên rừng. Quyền sử dụng, hưởng dụng đất, tài nguyên rừng dài hạn phải được xác định rõ và được pháp luật công nhận.
Nguyên tắc 3: Quyền của người bản địa. Các quyền hợp pháp và truyền thống của người bản địa về sở hữu, sử dụng và quản lý đất, tài nguyên được công nhận và tôn trọng.
Nguyên tắc 4: Các quan hệ cộng đồng và quyền của công dân lâm nghiệp. Các hoạt động quản lý rừng sẽ duy trì hoặc cải thiện vị thế kinh tế và xã hội của công nhân lâm nghiệp và cộng đồng trong dài hạn.
Nguyên tắc 5: Đảm bảo được các lợi ích từ tài nguyên rừng. Thực hành quản lý rừng sẽ khuyến khích sử dụng hiệu quả các loại lâm sản, các dịch vụ rừng nhằm đảm bảo lợi ích về kinh tế và các lợi ích to lớn về môi trường và xã hội.
Nguyên tắc 6: Đảm bảo kiểm soát được tác động đến môi trường sống. Hoạt động quản lý rừng phải bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị của nó về nguồn nước, tài nguyên đất, và hệ sinh thái độc đáo và giúp duy trì các chức năng sinh thái và tính toàn vẹn của rừng.
Nguyên tắc 7: Kế hoạch quản lý và sử dụng đất đai. Kế hoạch quản lý rừng phải tương thích với quy mô và cường độ quản lý phải xây dựng, thực thi và thường xuyên cập nhật.
Nguyên tắc 8: Giám sát và đánh giá. Cần tiến hành hoạt động giám sát sao cho phù hợp với quy mô và mật độ quản lý rừng để nắm rõ được điều kiện của rừng, sản phẩm rừng, chuỗi hành trình sản phẩm, các hoạt động quản lý và các tác động về mặt môi trường- xã hội của các hoạt động này.
Nguyên tắc 9: Duy trì rừng có giá trị bảo tồn cao. Các hoạt động quản lý tại các khu rừng có giá trị bảo tồn cao cần được duy trì hoặc phát huy các thuộc tính tạo nên loại rừng này. Các quyết định liên quan tới các khu rừng có giá trị bảo tồn cao luôn cần được xem xét trong bối cảnh chú trọng giải pháp phòng ngừa.
Nguyên tắc 10: Bảo vệ các cánh rừng đang được nuôi trồng và tái sinh.
Gỗ Việt (Thanh Huyền)
- TavicoHome kích hoạt thị trường mua sắm Tết Giáp Thìn
- Nhập khẩu gỗ tần bì từ EU tăng 7,6% về lượng
- Sắp diễn ra Lễ hội mua sắm Tết Giáp Thìn trong ngành gỗ
- Năm 2024: Xuất khẩu vào Mỹ sẽ khả quan hơn
- Kế hoạch giá của IKEA sau khi đạt doanh số kỷ lục vào năm 2023 là gì?
- Ngành viên nén gỗ: Thiếu chiến lược dài hơi
- Sắp diễn ra Hội nghị “Thúc đẩy quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng”
- Tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia
- Ấn Độ dự kiến tăng kiểm soát chất lượng đối với các sản phẩm gỗ
- Doanh nghiệp Nhật muốn thuê 15.000 ha rừng nguyên liệu Bình Định
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025