Xuất khẩu đồ gỗ gặp khó, doanh nghiệp xoay chuyển thị trường
Trong khi kim ngạch các mặt hàng chính giảm nhẹ thì xuất khẩu một số sản phẩm gỗ như dăm, ván và ván sàn... lại tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, do đồ gỗ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này nên sự thay đổi như trên chưa đạt như kỳ vọng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp gỗ đang tìm cách xoay chuyển thị trường.
Thị trường truyền thống đứt gãy
Năm 2021, ngành gỗ trong nước thiết lập kỷ lục xuất khẩu 14,5 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2020. Những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục tăng trưởng rất tích cực.
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tính chung 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,77 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên xuất khẩu đồ gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 1,35 tỷ USD trong tháng 8 vừa qua, dù tăng 65% so với cùng kỳ năm trước nhưng chỉ tương đương với kim ngạch xuất khẩu của tháng 7 và thấp hơn so với con số 1,5 tỷ USD của tháng 6.
Trên thực tế, tình hình xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm tốc ở một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu... Bởi vậy, dự báo việc xuất khẩu gỗ sẽ gặp không ít thách thức trong thời gian tới.
Theo báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp”, do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) và tổ chức Forest Trends, tính toán dựa trên dữ liệu khảo sát các doanh nghiệp trong ngành gỗ cho thấy trong thời gian vừa qua, cung - cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ và EU, đang có rất nhiều biến động.
Với độ hội nhập sâu và rộng với thị trường thế giới, ngành gỗ Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp của các biến động này, đặc biệt trên phương diện suy giảm xuất khẩu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Châu Âu và Anh.
Tại khu vực miền Trung, Bình Định là 1 trong 4 trung tâm xuất khẩu đồ gỗ của cả nước, kim ngạch hàng năm chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Các doanh nghiệp trong ngành đã tạo việc làm cho khoảng 23 nghìn lao động, chiếm đến một nửa số lao động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trong toàn tỉnh.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp gỗ ở Bình Định, từ đầu quý II/2022 đến nay, ngành gỗ cả nước nói chung và Bình Định nói riêng phải đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi, ảnh hưởng nặng nề đến mùa hàng 2022 - 2023.
Các yếu tố bất lợi được nhận diện là thiếu hụt trầm trọng gỗ nguyên liệu sản xuất, phụ kiện; lạm phát tăng cao do hậu quả dịch Covid-19, đặc biệt là việc xuất khẩu vào các thị trường truyền thống đang gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân chính do xung đột Nga - Ukraine đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng quốc tế. Bên cạnh đó, làn sóng dịch Covid-19 mới, lạm phát tăng cao kỷ lục tại nhiều nước trên thế giới; giá cước tàu biển, container quá cao; tỷ giá hối đoái của đồng euro, bảng Anh, yên Nhật bị mất giá rất lớn... đã khiến lượng đơn hàng của khách hàng nước ngoài thường triển khai vào tháng 3 hàng năm nhưng đến nay vẫn chưa có đơn hàng.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông Phan Văn Phước - Giám đốc Công ty TNHH Tân Phước (Khu công nghiệp Phú Tài, Bình Định) cho biết, đối với các nhà máy đã có đơn hàng sản xuất đến cuối năm 2022 cũng rất lo lắng về tình trạng khách hàng chậm xác nhận booking, kéo dài thời gian giao hàng, chậm thanh toán do tồn kho tại các thị trường còn rất lớn, bởi tốc độ tiêu thụ rất chậm so với năm trước.
Lối thoát từ thị trường nội địa
Điều đáng nói, trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính giảm nhẹ thì xuất khẩu các mặt hàng liên quan đến ngành chế biến gỗ như dăm, gỗ, ván và ván sàn lại tăng trưởng khả quan. Tuy nhiên, do đồ gỗ chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nên sự tăng trưởng của những mặt hàng nói trên chưa đạt được như kỳ vọng.
Tại Bình Định, để hoàn thành mục tiêu năm 2022 đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 960 - 980 triệu USD, tăng khoảng 8 - 10% so với năm 2021, hiện các doanh nghiệp ngành gỗ đang phải nỗ lực, linh hoạt và thích ứng nhanh với thay đổi, tìm kiếm thị trường ngách phù hợp để sản xuất.
Tại hội thảo “Dự báo năm 2022: Xu thế và cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ” tổ chức mới đây, đại diện nhiều doanh nghiệp trong ngành chia sẻ, hiện các đơn vị đang tìm cách xoay xở quay về thị trường nội địa, hoặc chuyển hướng sang một số thị trường mới để duy trì sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu thiệt hại.
Thực tế, thị trường nội địa là đầu ra duy nhất của doanh nghiệp này khi các nhà nhập khẩu từ Mỹ hay Châu Âu thông báo tạm thời ngưng nhập những đơn hàng đã đạt từ mùa trước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu nội thất sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, nơi bị ảnh hưởng của lạm phát ít hơn các nước khác.
Bên cạnh thị trường nội địa, Trung Quốc cũng đang là một trong 5 thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, trong những năm gần đây luôn đứng ở vị trí thứ 2 hoặc thứ 3 xét về kim ngạch. Xuất khẩu gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 10-12%, bởi vậy các doanh nghiệp trong nước cũng đang cố giữ được đà tăng trưởng ở thị trường rộng lớn này.
Để giữ vững thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường lớn khác, doanh nghiệp phải hướng tới sản xuất, kinh doanh bền vững, hiệu quả, theo đúng quy định pháp luật của nhà nước, đúng thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, về vấn đề nguyên liệu, theo ông Nguyễn Sỹ Hòe - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Phú Tài, với dự báo về thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào sẽ còn kéo dài, nhằm ổn định sản xuất, các doanh nghiệp ngành gỗ nên chủ động liên kết để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu.
Các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần thống nhất định hướng ngăn chặn tình trạng khai thác sớm, khai thác non rừng trồng để giữ sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa các nhóm ngành hàng gỗ, bảo vệ hình ảnh và uy tín ngành gỗ trong tương lai.
Để làm được điều này, cùng với nỗ lực từ cộng đồng doanh nghiệp cũng cần phải có những chính sách hỗ trợ hiệu quả từ phía Nhà nước, đặc biệt là chính sách khuyến khích phát triển rừng gỗ lớn phù hợp để các chủ rừng có thêm điều kiện tham gia vào chuỗi liên kết.
Gỗ Việt (Nguồn Thoibaonganhang.vn)
- Nửa đầu năm 2022, đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Hàn Quốc giảm 17,5%
- Nửa đầu năm 2022, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Indonesia tăng 10,8%
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm
- Vì sao ngành gỗ liên tiếp đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại?
- Hoa Kỳ mua đồ nội thất bằng gỗ nhiều nhất từ thị trường Việt Nam
- Ngành gỗ đối diện thách thức lớn
- Nội thất Việt phổ biến tại chuỗi siêu thị, xuất khẩu gỗ sang Canada mang về gần 134 triệu USD trong nửa đầu năm
- Doanh nghiệp Nga lạc quan về xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Á và châu Mỹ Latinh
- Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Canada giảm
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm tốc
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR