Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến thị trường Nhật Bản: Tận dụng cơ hội từ các FTAs
Trong 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản tăng mạnh, trong đó, dăm gỗ là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) giúp ngành gỗ mở rộng thị phần tại thị trường này.
Xuất khẩu dăm gỗ tới Nhật Bản tăng mạnh
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản trong tháng 01/202 đạt 153 triệu USD, tăng 6,3% so với tháng 12/2021, tăng 16,3% so với tháng 01/2021.
Trong tháng 01/2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản tăng trưởng nhanh là do mặt hàng dăm gỗ tăng trưởng mạnh. Đây cũng là mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam tới thị trường Nhật Bản, với trị giá chiếm 35,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
Mặt hàng thứ 2 là đồ nội thất bằng gỗ, đây là mặt hàng cần được đẩy mạnh sang Nhật Bản, bởi mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ tới thị trường Nhật Bản giảm trong tháng 01/2022.
Trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản, dăm gỗ là mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 01/2022, đạt 54 triệu USD, tăng 30,7% so với tháng 12/2021, tăng 23,6% so với tháng 01/2021. Tiếp là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản đạt 53 triệu USD, giảm 2,4% so với tháng 12/2021, giảm 1,4% so với tháng 01/2021. Ngoài ra, trong tháng 01/2022 còn một số mặt hàng khác xuất khẩu tới thị trường Nhật Bản như gỗ, ván và ván sàn đạt 18,3 triệu USD, giảm 10,6% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 26,3% so với tháng 01/2021; đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu đạt 258 nghìn USD, tăng 188,6% so với tháng 12/2021, tăng 21,6% so với tháng 01/2021...
Tổng cục Hải quan ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Nhật Bản trong tháng 02/2022 đạt 109 triệu USD, tăng 31,2% so với tháng 01/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Nhật Bản đạt 262 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhật Bản đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới, với tiềm năng tăng trưởng khả quan. Sự tập trung vào năng lượng tái tạo tăng cường sau trận động đất và sóng thần tháng 3/2011 làm hư hại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Các động thái đầu tư và quyết định đóng cửa hầu hết các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã khiến việc phát triển năng lượng tái tạo tăng trưởng ổn định. Chính vì vậy, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu lớn đối với mặt hàng dăm gỗ.
Ảnh minh hoạ - Woodsland
Tận dụng cơ hội từ các FTAs
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ trong tháng 01/2022 đạt 71,6 nghìn tấn, trị giá 26,6 tỷ Yên (tương đương 229,7 triệu USD), giảm 1,9% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với tháng 01/2021. Trị giá tăng mạnh là do giá tăng mạnh, bởi các chi phí đầu vào và phí vận chuyển ngày càng tăng tại các thị trường cung cấp.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất cho Nhật Bản, đạt 36,5 nghìn tấn, trị giá 14,2 tỷ Yên (tương đương 122,5 triệu USD), tăng 6,4% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với tháng 01/2021; tiếp theo là thị trường Việt Nam đạt 16,9 nghìn tấn, trị giá 5,9 tỷ Yên (tương đương 51,3 triệu USD), giảm 10,8% về lượng, nhưng tăng 13,5% về trị giá so với tháng 01/2021.
Trong quý I/2022, theo các chuyên gia kinh tế thì kinh tế Nhật Bản có thể sẽ chậm lại do ảnh hưởng tiêu cực của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 6, với số ca mắc mới có lúc vượt ngưỡng 100 nghìn ca/ngày, do đó nhu cầu tiêu dùng chậm lại. Điều này, khiến nhu cầu nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ tại Nhật Bản giảm.
Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ sang Nhật Bản là rất lớn bởi Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, với dân số gần 126 triệu người và thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/người. Do đó, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi trở lại sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người Nhật Bản ngày càng tăng cao.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tận dụng hiệu quả các cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên như: Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... Điều này sẽ thúc đẩy ngành gỗ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.
Mặc dù theo đuổi chính sách thương mại tự do cắt giảm thuế quan theo lộ trình từ các Hiệp định thương mại, nhưng Nhật Bản vẫn áp dụng các cơ chế phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất trong nước.
Trong các rào cản như vậy, Chính phủ Nhật Bản thường lồng những lý do chính đáng như bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước những hành động thương mại không lành mạnh (chống bán phá giá, chống trợ cấp), bảo vệ an toàn sức khỏe con người, an toàn môi trường… Do đó, doanh nghiệp cần phải nắm bắt được nhu cầu, sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt đáp ứng đúng các yêu cầu và quy định của thị trường Nhật Bản.
Đáng chú ý, nếu chất lượng của một sản phẩm đã được thị trường Nhật Bản chấp thuận thì sản phẩm đó hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt được ở các thị trường khác. Bên cạnh đó, thị hiếu tiêu dùng của người Nhật Bản rất đa dạng, coi trọng chất lượng và tính tiện dụng của sản phẩm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu tìm hiểu rõ về thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đa dạng hóa mẫu mã, hình thức sản phẩm, cùng với việc tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành.
Gỗ Việt
- Xung đột quân sự Nga-Ucraina nhiều lô hàng không xuất được, Hải quan hỗ trợ gì?
- Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics có hiệu lực từ 1/3/2022
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ khởi sắc trong 2 tháng đầu năm 2022
- Năm 2021, xuất khẩu dăm gỗ mang về trên 1,7 tỷ USD cho ngành gỗ Việt
- Cập nhật hướng dẫn mới về ghi nhãn hàng hóa
- Việt Nam-EU thúc đẩy hợp tác, phát triển nông, lâm, thủy sản
- Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ giảm 0,5%
- Xuất khẩu gỗ sang Mỹ: Hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD
- TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU GỖ VÀ SẢN PHẨM GỖ CỦA VIỆT NAM NĂM 2021
- “Cú huých” xuất khẩu từ những FTA thế hệ mới
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu