Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam 7 tháng năm 2020: Thực trang, xu hướng và cảnh báo rủi ro
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng G & SPG của Việt Nam đạt trên 6 tỷ USD trong 7 tháng năm 2020. Giá trị kim ngạch này đã tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng chiếm ưu thế về giá trị kim ngạch thu được cùng thời gian này là đồ gỗ, ghế, dăm, gỗ dán, viên nén. Trong 7 tháng đầu 2020, giá trị kim ngạch nhập khẩu G & SPG của Việt Nam đạt trên 1,3 tỉ USD, giảm 11% so với con số cùng kỳ năm 2019
Báo cáo Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 7 tháng năm 2020: Thực trạng, xu hướng và cảnh báo rủi ro trình bày chi tiết kết quả xuất khẩu và nhập khẩu (XNK) các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2020, dựa trên đó đưa ra các xu hướng XNK trong tương lai. Báo cáo cũng đưa ra một số thông tin giúp định vị một số rủi ro trong các hoạt động XNK trọng tâm vào một số mặt hàng có dấu hiệu gian lận thương mại.
Một số thông tin trọng tâm trong Báo cáo bao gồm:
Đối với khâu xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng G & SPG của Việt Nam đạt trên 6 tỷ USD trong 7 tháng năm 2020. Giá trị kim ngạch này đã tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng chiếm ưu thế về giá trị kim ngạch thu được cùng thời gian này là đồ gỗ, ghế, dăm, gỗ dán, viên nén. Các thị trường xuất khẩu chính của G & SPG của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và 27 quốc gia Châu Âu (EU27). Trong số các thị trường này, Mỹ là thị trường đặc biệt quan trọng, với mức tăng 25% so cùng kỳ 2019. Bốn thị trường còn lại đều ghi nhận mức giảm về kim ngạch xuất khẩu G & SPG của Việt Nam, trong đó Trung Quốc (-3%), Nhật Bản (-3%), Hàn Quốc (-7%) và EU 27 (-8%).
Hiện có một số tín hiệu về rủi ro về bị giám sát hoặc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá do gian lận thương mại, bao gồm các mặt hàng tủ bếp, bộ phận tủ bếp, ghế bọc đệm và gỗ dán được xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Đây là các mặt hàng tiếp tục tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ tăng rất nhanh.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất tủ bếp (KCMA), các nhà sản xuất tủ bếp cho biết doanh số bán tủ bếp tổng thể giảm 1,8% trong tháng 6 năm 2020 so với cùng tháng năm 2019. Trong đó doanh số tủ bếp tùy chỉnh giảm 0,2%, tủ bếp bán tùy chỉnh giảm 11,1% và lượng bán tủ bếp tồn kho tăng 4,4%. Tuy nhiên, doanh số bán tủ bếp đã tăng 24,3% trong tháng 6 năm 2020 so với tháng 5/2020, bao gồm tùy chỉnh (+18,1%), bán tùy chỉnh (+21%); và bán hàng tồn kho (+27,7%).
Đối với khâu nhập khẩu
Trong 7 tháng đầu 2020, giá trị kim ngạch nhập khẩu G & SPG của Việt Nam đạt trên 1,3 tỉ USD, giảm 11% so với con số cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong tháng 7/2020 kim ngạch đã tăng 11% so với kim ngạch 1 tháng trước đó. Các quốc gia cung G & SPG vào Việt Nam dẫn đầu là Trung Quốc, Mỹ, Ca mơ run, Thái Lan, và Chile. Kim ngạch nhập khẩu từ 5 nước chiếm khoảng 63% tổng kim ngạch nhập khẩu G & SPG của Việt Nam trong 7 tháng 2020. Gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván là những mặt hàng nhập khẩu có giá trị kim ngạch lớn nhất. Mặc dù lượng và kim ngạch gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu trong 7 tháng năm 2020 vẫn tiếp tục xu hướng suy giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng kim ngạch nhập khẩu trong tháng 7 tăng so với kim ngạch trong tháng 6, ở mức 36% đối với gỗ tròn và xẻ, và 6% đối với các loại ván.
Rủi ro về gian lận thương mại tiếp tục là chủ đề nóng đối với một số mặt hàng nhập khẩu. Cụ thể, các mặt hàng có tín hiệu rủi ro là các mặt hàng bán thành phẩm của bộ phận tủ bếp, tủ nhà tắm và ghế sofa làm từ gỗ dán đã cắt thành hình và ở cả dạng gỗ dán, ván dăm, ván sợi chưa xử lý. Trong tháng 7/2020, lượng mặt hàng ván nhân tạo nhập khẩu đã tăng nhanh so với tháng 6/2020. Cụ thể, ván dăm (+41%), ván sợi (+35%) và gỗ dán (+17%).
Đặc biệt là giá trị kim ngạch nhập khẩu các bộ phận đồ gỗ (HS 9403.90) tiếp tục tăng rất mạnh, đạt 67,67 triệu USD trong 7 tháng đầu 2020, tăng 159% so với kim ngạch cùng kỳ 2019. Nhập khẩu bộ phận đồ gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong 7 tháng 2020, đạt 62,07 triệu USD trong 7 tháng 2020, tăng 179% so với cùng kỳ 2019. Kim ngạch nhập mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2020 chiếm 92% tổng kim ngạch nhập của mặt hàng từ tất cả các thị trường.
Mặt hàng gỗ dán được cắt thành chi tiết để làm ghế sofa bắt đầu được nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam kể từ tháng 3/2020 và tăng mạnh từ tháng 6 và tháng 7/2020. Trong tháng 7/2020, lượng ván ở dạng này được nhập khẩu trên 1,8 nghìn m3, tương ứng kim ngạch 308,74 nghìn USD, tăng 30% về lượng và 110% về giá trị so với tháng 6/2020.
Một số tín hiệu từ thị trường cho thấy Việt Nam hiện đang phục hồi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh các nhóm hàng G & SPG kể từ tháng 7/2020 với lượng đơn hàng ký kết gia tăng đột biến. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức và tình trạng tái bùng phát ở nhiều quốc gia và điều này làm cho việc dự đoán thay đổi của thị trường trong những tháng cuối năm 2020 và năm 2021 trở nên khó khăn. Tuy nhiên, có thể những quốc gia đang kiềm chế tốt sự lây lan của dịch bệnh, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi từ suy giảm sản lượng đồ nội thất của các quốc gia hàng đầu thuộc cả nhóm nước phát triển và đang phát triển.
Cùng với các tín hiệu hồi phục là một số rủi ro về gian lận thương mại trong ngành gỗ, đặc biệt là đối với một số mặt hàng hiện đang được xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ - thị trường hiện chiếm trên 50% về tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Các mặt hàng cần đặc biệt quan tâm bao gồm tủ bếp, tủ nhà tắm, ghế bọc đệm, các loại ván nhân tạo, và sản phẩm gỗ khác.
Phát triển bền vững ngành đòi hỏi các doanh nghiệp tiếp tục nắm bắt các tín hiệu của thị trường hiệu quả, phát triển các dòng hàng xuất khẩu mang tính chiến lược như tủ bếp, tủ nhà tắm vào thị trường quan trọng như Mỹ, EU. Bên cạnh đó các cơ quan quản lý, phối hợp với các Hiệp hội gỗ trong cả nước, khẩn trương triển khai các biện pháp cơ chế phòng vệ thương mại hiệu quả, giảm thiểu tình trạng gian lận thương mại đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu có tính rủi ro cao.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo tại đây
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Báo cáo: Tác động của Hiệp định EVFTA tới ngành gỗ Việt Nam khi xuất khẩu vào EU
- Báo cáo: Xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu 2020 và cảnh báo một số rủi ro
- Rủi ro nguồn cung nhập khẩu gỗ từ Nga và Ukraine
- Gỗ dán Việt Nam: Định vị và giảm thiểu rủi ro
- Đối diện và vượt qua thách thức: Tác động của Đại dịch COVID-19 tới ngành gỗ và hướng đi mới của doanh nghiệp
- Báo cáo: Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ: Thực trạng 2019 và xu hướng 2020
- Báo cáo: Đầu tư nước ngoài trong ngành gỗ Việt Nam 2019: Thực trạng và một số khía cạnh về chính sách
- Đầu tư nước ngoài vào ngành gỗ Việt Nam: Cập nhật đến hết 9 tháng 2019
- Báo cáo: “Giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam”
- Vietnam Rubber Industry: Current status and sustainable development solutions
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh