100% ý kiến thông qua Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Ngày 10/11, tại trụ sở Chính phủ, Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã họp dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng.
Theo Báo cáo tóm tắt về quy hoạch, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn quốc là 16,34 triệu ha, chiếm 49% tổng diện tích tự nhiên (tính đến năm 2020); trong đó, đất có rừng là 14,67 triệu ha, tương ứng tỷ lệ che phủ rừng 42%. Những năm gần đây, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc liên tục tăng. Giai đoạn 2010 - 2020, trồng rừng sản xuất mỗi năm đạt trên 200 nghìn ha. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản liên tục tăng trưởng ở mức cao; năm 2021, đạt 15,96 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã thu trên 20 nghìn tỷ đồng, góp phần nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diện tích rừng có tăng nhưng chất lượng rừng tự nhiên chưa cao. Năng suất rừng trồng còn thấp (tăng trưởng bình quân 15 m3/ha/năm); chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế của hệ sinh thái rừng về đa dạng sinh học, dịch vụ hấp thụ CO2 và các dịch vụ môi trường rừng khác. “Nhu cầu phát triển kinh tế xã hội ngày càng tăng đã tạo áp lực vào rừng và đất rừng”, ông Nguyễn Quốc Trị nói.
Quy hoạch đặt mục tiêu đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 42 - 43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng; phấn đấu giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025; trồng rừng bình quân phấn đấu đạt 238 nghìn ha/năm.Các ý kiến của ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản đánh giá dự thảo quy hoạch đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đảm bảo tính kế thừa, có cập nhật, bổ sung một cách khoa học, có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, phù hợp với yêu cầu của Luật Lâm nghiệp, Luật Quy hoạch, Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam và các quy định của pháp luật khác liên quan.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được làm rõ trong dự thảo quy hoạch; cần đánh giá kỹ hơn sự liên kết giữa hệ thống kết cấu hạ tầng lâm nghiệp với hệ thống giao thông quốc gia nhằm phát huy tối đa sự đồng bộ về mặt kinh tế và kỹ thuật phục vụ phát triển ngành lâm nghiệp. Trọng tâm của quy hoạch lâm nghiệp là quy hoạch 3 loại rừng (rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất) nên cần bảo đảm cơ cấu 3 loại rừng này một cách hợp lý. Diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ phải được định vị rõ ràng trên bản đồ với ranh giới rừng được số hóa, quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.
Có ý kiến cho rằng, trong 20 năm qua, năng suất trồng rừng tăng gấp đôi, thu nhập tăng gấp đôi. Kết quả này có được là do yếu tố rất quan trọng là giống. Do đó, cần tiếp tục đầu tư cho khoa học công nghệ cho chọn, tạo giống cây lâm nghiệp; đây là giải pháp rất quan trọng đối với sự phát triển lâm nghiệp.
Tại buổi họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, cần chuyển đổi tư duy quản lý rừng sang tư duy quản trị rừng đa dụng, tích hợp đa giá trị, không chỉ xem rừng có giá trị lâm sản mà còn là giá trị tổng hợp để lấy rừng nuôi rừng. Khi tích hợp đa giá trị, đa chức năng, sẽ tạo sinh kế cho nhiều người sống nhờ rừng còn đang rất khó khăn…
Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Đây là nguồn tài nguyên sinh thái vô cùng quan trọng, có giá trị cho sự phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là vũ khí sống còn để thích nghi với biến đổi khí hậu. Quy hoạch này cũng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, được lập trong bối cảnh Quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh đang triển khai đồng bộ. Sau khi thảo luận, Hội đồng đã bỏ phiếu về hồ sơ quy hoạch với kết quả 100% ý kiến thông qua.
Quy hoạch lâm nghiệp bảo đảm thực hiện cam kết COP26
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, việc xây dựng quy hoạch lâm nghiệp phải làm chắc, thận trọng, kỹ càng, lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng quy hoạch đảm bảo chất lượng, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Tới thời điểm hiện nay, hồ sơ quy hoạch đạt yêu cầu.
Quy hoạch cần cập nhật thêm các xu hướng của thế giới, làm sao bảo đảm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đặc biệt là cam kết COP26 đưa phát thải ròng về "0" vào năm 2050; rà soát, cập nhật, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, phù hợp với các quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt. Khi quy hoạch lâm nghiệp được phê duyệt sẽ làm cơ sở cho các địa phương trong việc lập quy hoạch của tỉnh mình.
Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu tối đa ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện, xin ý kiến các thành viên Hội đồng trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt; trong đó, cần xem xét kỹ càng, thận trọng con số diện tích đưa ra khỏi quy hoạch.
Gỗ Việt (Nguồn Tongcuclamnghiep.gov.vn)
- Liên kết công ty với các hộ tại làng nghề gỗ: Giảm rủi ro và thúc đẩy phát triển bền vững
- Phần Lan có thể trở thành nguồn cung gỗ nguyên liệu cho Việt Nam
- Xúc tiến đầu tư chế biến gỗ và lâm sản vào các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc
- Bài toán phát triển và chính sách bảo vệ rừng
- Thực hành lâm sản bền vững – mở rộng thị trường xuất khẩu gỗ
- Trồng rừng - Phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững
- Chế biến sản xuất Lâm nghiệp - Hướng phát triển rừng bền vững
- Diện tích trồng rừng mới tập trung tăng 5,1%
- Ngành gỗ đối mặt với bài toán thiếu vùng nguyên liệu
- Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt gần 4 tỷ USD trong quý I
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR