Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt gần 4 tỷ USD trong quý I

12/04/2022 16:50
Kim ngạch xuất khẩu gỗ ước đạt gần 4 tỷ USD trong quý I

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý I/2022 vẫn ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhiều thị trường phục hồi

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), mặc dù trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp và căng thẳng xung đột Nga – Ukraina chưa "hạ nhiệt", nhưng xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là ngành gỗ.

Theo đó, trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… mà ngành chế biến gỗ Việt Nam đã thuận lợi đưa đơn hàng ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với mặt hàng của các quốc gia khác.

Cụ thể, mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu vào các thị trường CPTPP đều tăng mạnh, dẫn đầu là nội thất phòng khách, phòng ăn, tiếp theo là nội thất phòng ngủ. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khối thị trường này còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, vì trong hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng công suất để kịp tiến độ các đơn hàng đã ký đến hết quý II/2022.

Về CPTPP, rõ ràng ngoài Mỹ, Canada và Australia cũng là những thị trường tốt cho Việt Nam. Điều này đã được chứng minh qua sự tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2022; trong đó còn có cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Tuy rằng ngành gỗ trước đó đã được hưởng thuế thấp, nhưng nhờ có thêm Hiệp định CPTPP thì những ưu đãi sẽ duy trì tiếp tục.

Trong tháng 3, mức tăng trưởng của ngành gỗ có dấu hiệu giảm nhẹ nhưng vẫn là con số cao so với thời điểm 2021. Nếu giữ được bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,5 tỷ USD/tháng thì kế hoạch đặt ra của ngành gỗ là khoảng 16,5 tỷ USD cuối năm 2022 hoàn toàn khả thi.

  Nguồn: Tổng Cục Hải Quan

Doanh nghiệp kín đơn hàng, nhưng vẫn lo

Mặc dù ngành gỗ đang trên đà thuận lợi, nhiều doanh nghiệp không chỉ kín đơn hàng đến quý III/2022, mà còn chốt xong đơn hàng hết năm 2022, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đang phải đau đầu vì nhiều chi phí phát sinh kể từ thời điểm cả nước gỡ bỏ phong tỏa cho đến nay. Điển hình như chi phí xăng dầu, nhiên liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí phụ trợ cũng tăng theo.

Đồng thời, chi phí logistics đang tăng chóng mặt nên giá thành sản phẩm rất cao. Nhiều đơn hàng chốt trước biến động giá nguyên liệu nên doanh nghiệp bị "ăn" vào lợi nhuận.

Một container đi châu Âu hiện dao động 6.000-8.000 USD, đi Mỹ khoảng từ 10.000-12.000 USD. Nhưng có những đơn hàng, nhà mua hàng phải tốn đến 25.000 USD để vận chuyển một container từ cảng Cát Lái đến bờ Đông của Mỹ.

Còn theo TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia phân tích của Forest Trends, ngành gỗ cũng gặp thách thức lớn về nguồn cung nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Giá gỗ nguyên liệu đang tăng mạnh đe doạ đến ngành xuất khẩu gỗ vốn rất khả quan hiện nay.

“Nhiều công ty nhập khẩu gỗ cho biết, giá gỗ đang tăng lên mỗi ngày. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm gỗ”, TS Tô Xuân Phúc cho hay.

Hiện giá gỗ thông tròn New Zealand đã lên đến 175-180 USD/m3, tăng từ 32-35 US/m3; gỗ thông tròn Chile có giá 190 USD/m3, tăng 35 USD/m3.

Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty CP Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) cũng rằng, việc nhập khẩu gỗ trong thời gian tới sẽ rất khó khăn do Châu Âu giảm xuất khẩu, giữ lại một phần lượng gỗ nguyên liệu để bù đắp phần cung thiếu hụt từ Nga.

Trước thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Nguyễn Liêm nhấn mạnh ngành gỗ đang cần có thêm vùng nguyên liệu và các trung tâm sơ chế quy mô lớn. Để vượt qua "nút thắt" thiếu nguyên liệu, ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh trồng các vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn.

Cần sự quan tâm hơn nữa từ phía chính phủ

TS. Trần Đình Thiên, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhận xét, công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ hiện còn ít, thiết kế mẫu mã còn yếu, các chính sách khuyến khích chưa đủ mạnh để doanh nghiệp tận dụng cơ hội phát triển. Thời gian tới, ngành gỗ cần được quan tâm hơn nữa từ phía Chính phủ nhằm tạo sức đẩy để phát triển mạnh hơn.

Hiện trình độ công nhân ngành gỗ còn thấp, hệ thống công nghiệp hỗ trợ vẫn yếu. Do đó, cần có hệ thống chính sách hỗ trợ, cơ chế khuyến khích để ngành gỗ phát triển, đi vào quỹ đạo, hiện đại và phù hợp hơn trong tình hình mới.

Còn theo các chuyên gia, để chủ động sản xuất, nguồn nguyên liệu trong nước đóng vai trò quan trọng, nhằm giảm thiểu các bất ổn trong luồng cung gỗ nhập khẩu trong tương lai. Để làm được điều này đòi hỏi nỗ lực chung của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và các hộ trồng rừng. Chính phủ có thể đưa ra các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn.

Ngoài ra, các cơ chế chính sách cũng cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng. Liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao có tiềm năng trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các hộ.

Việt Nam cần có chiến lược phát triển nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng. Chiến lược bao gồm việc đa dạng hóa các loài gỗ rừng trồng trong tương lai nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng về các loài sử dụng trong chế biến.

Để tạo điều kiện cho ngành chế biến gỗ thực hiện các chiến lược phát triển, ngay trong đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 – 2030 nêu rõ, Chính phủ chủ trương phát triển các nhóm sản phẩm gỗ có lợi thế cạnh tranh, giá trị gia tăng, nhu cầu sử dụng cao, ổn định trên thị trường.

Đồng thời, khuyến khích tập trung ưu tiên phát triển sản xuất, chế biến các nhóm sản phẩm chính như: sản phẩm đồ gỗ nội thất (sản phẩm bàn ghế, giường tủ, tủ bếp, bàn trang điểm, giá kệ sách; các loại ván sàn); sản phẩm đồ gỗ ngoài trời (ghế xích đu, cầu trượt, bàn ghế, ghế băng; dù che nắng); sản phẩm gỗ ván nhân tạo (ván ghép thanh; ván dán, ván dăm; ván MDF); sản phẩm gỗ kết hợp với các loại vật liệu khác làm tăng tính thẩm mỹ, độ bền chắc, tiết kiệm gỗ (song mây, tre, trúc; nhựa, kim loại, vải, da); sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ (bàn ghế, giường tủ; sản phẩm sơn mài, tranh gỗ, các loại tượng bằng gỗ; sản phẩm lưu niệm, mỹ nghệ trang trí kết hợp song, mây, tre, trúc, vật liệu khác); nhóm sản phẩm viên nén gỗ, dăm gỗ,…

Gỗ Việt (Nguồn thuonghieusanpham.vn)