Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng cao

23/02/2022 06:32
Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng cao

Do cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi, nên việc thích ứng dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều, do đó, triển vọng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng trong năm 2022 được dự báo sẽ khả quan hơn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam trong tháng 01/2022 đạt 43 triệu USD, tăng 7,5% so với tháng 12/2021, giảm 10% so với tháng 01/2021.

Trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng đồ nội thất văn phòng đều tăng trưởng tốt, trừ mặt hàng bàn, kệ văn phòng, ghế văn phòng và tủ tài liệu. Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng bàn dùng trong văn phòng đạt 202 triệu USD, giảm 2,3% so với năm 2020; tiếp theo là mặt hàng tủ văn phòng đạt 148,9 triệu USD, tăng 15,1%. Đây là 2 mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất văn phòng, tỷ trọng xuất khẩu 2 mặt hàng này chiếm 79,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là mặt hàng bàn làm việc, đạt 30,7 triệu USD, tăng 25,6%; kệ văn phòng đạt 22,2 triệu USD, giảm 8,6%; kệ sách đạt 9,7 triệu USD, tăng 20,5%; bàn học đạt 8,4 triệu USD, tăng 12%...

Về thị trường xuất khẩu, mặt hàng đồ nội thất văn phòng xuất khẩu nhiều nhất tới thị trường Mỹ trong năm 2021, đạt 260,9 triệu USD, tăng 1,4% so với năm 2020, chiếm 59,3% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ nội thất văn phòng; tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 73 triệu USD, giảm 8,5% so với năm 2020; xuất khẩu tới Trung Quốc đạt 28,8 triệu USD, giảm 4,4%; xuất khẩu đồ nội thất văn phòng tới thị trường EU đạt 17,5 triệu USD, tăng 52,2% so với năm 2020.

Mặc dù xuất khẩu không tăng nhanh như nhiều mặt hàng khác, nhưng xuất khẩu đồ nội thất văn phòng đã phục hồi mạnh trở lại sau làn sóng dịch lần thứ 4. Triển vọng xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 dự báo sẽ khả quan hơn, do cách thức tiếp cận trong phòng, chống dịch của Việt Nam đã có sự thay đổi, nên việc thích ứng dịch bệnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng không bị ảnh hưởng nhiều trong năm 2022.

Xuất khẩu nội thất văn phòng tăng cao trong năm 2022. Ảnh minh họa. Nguồn Gỗ Việt, chụp tại triển lãm FC 

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất văn phòng trên thị trường thế giới lớn, nhưng Việt Nam chỉ đáp ứng một phần nhỏ, mặt hàng này vẫn còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ngoài ra, xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá nói chung và mặt hàng đồ nội thất văn phòng nói riêng. Theo đó, các doanh nghiệp cần nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các FTA. Cùng với đó, mở rộng và đa dạng hóa thị trường; đồng thời, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử...

Gỗ Việt