Làng nghề gỗ: Tất bật sản xuất cuối năm
Trái ngược với sự trầm lắng khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, các làng nghề gỗ truyền thống đang hối hả sản xuất trong những tháng cuối năm để đáp ứng đủ đơn hàng trong nước.
Thị trường nội địa một lần nữa lại trở thành điểm hấp thụ lớn nhất các sản phẩm gỗ từ các làng nghề, và dù cho giá trị lợi nhuận giảm khá nhiều so với các năm trước thì cho đến hiện tại, sau khoảng thời gian đóng cửa nằm im vì dịch bệnh, các làng nghề gỗ truyền thống đang tất bật sản xuất trở lại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
"Các sản phẩm của chúng tôi cung cấp phần lớn cho thị trường miền Nam (chiếm tới 85%) dù năm nay có giảm tới 30% so với các năm trước nhưng như thế cũng là thành công khi cả nước bắt đầu trạng thái bình thường mới", một chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ ở làng nghề Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội, không giấu được niềm vui khi cơ sở hoạt động trở lại, các đơn hàng được thực hiện đúng hạn.
Từng gián đoạn sản xuất vì làn sóng dịch Covid-19 thứ 4, nay làng nghề gỗ Vạn Điểm đang nỗ lực để khôi phục sản xuất để cung ứng hàng hoá cho những tháng cuối năm. Ông Hoàng Kỳ Tài, chủ tịch Hội làng nghề gỗ Vạn Điểm cho biết, việc mở cửa trở lại giúp nguồn nguyên liệu và sản phẩm được lưu thông, đã giúp các cơ sở sản xuất trong làng nghề có cơ hội hoàn thành đơn hàng, tránh tình trạng đọng vốn, đồng thời, các cơ sở chế biến ở Vạn Điểm cũng triển khai nhiều biện pháp, đẩy mạnh các kênh bán hàng cả trực tiếp và trực tuyến, nhằm khuyến khích các cơ sở duy trì sản xuất tại làng nghề.
Hầu hết kênh bán hàng của làng nghề Vạn Điểm là bán buôn cho các đại lý tại miền Nam và ở miền Bắc (có bán sản phẩm dạng mộc cho vài làng nghề như Đồng kỵ), trong khi một số cơ sở chế biến khác thì đưa sản phẩm tới các công trình.
Vận chuyển gỗ xẻ tại làng nghề Vạn Điểm. Ảnh Tạp chí Gỗ Việt
Việc mở cửa trở lại đã mở rộng nhu cầu cung ứng sản phẩm cho cả nước, giúp làng nghề Vạn Điểm bắt đầu duy trì lại được sản xuất, cũng như tạo ra nền tảng cho các đơn hàng tiếp theo. Để hỗ trợ việc cung cấp sản phẩm ra thị trường trong nước, làng nghề gỗ Vạn Điểm thành lập nhóm thông tin trên mạng để trao đổi về mẫu mã, kinh doanh, sản phẩm nào bán chạy, và thị hiếu của khách hàng như thế nào.
Chẳng hạn, cơ sở của ông Hoàng Kỳ Tài ra được mẫu ghế mới là Nữ hoàng, Hoàng gia, tạo được sức hút trên thị trường, sau thời gian sản xuất thì chia sẻ mẫu mã này cho các cơ sở khác trong nhóm cùng kinh doanh, để tất cả cùng phát triển.
Cũng giống như Vạn Điểm, làng nghề gỗ Hữu Bằng cũng từng chìm sâu vì giãn cách, nhưng quyết định sản xuất thích ứng với tình hình dịch bệnh đã giúp làng nghề phục hồi sản xuất bình thường, các hộ đã quay lại hoạt động gần 100%, dù công suất sản xuất chỉ đạt 80% so với trước giãn cách, do hàng hóa vào các tỉnh phía Nam giảm.
Tuy nhiên, điều đó cũng đủ để giúp các doanh nghiệp, cơ sở chế biến tại Hữu Bằng nhìn thấy cơ hội đẩy mạnh sản xuất trong thời gian tới, khi một số doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất cũng bắt đầu chuyển hướng sang làm sản phẩm gỗ công nghiệp, khai thác tiềm năng ở các công trình kiến trúc, nhà ở, chung cư,...
Đồng thời thúc đẩy hoạt động sản xuất của các đơn vị sản xuất phụ liệu ngành gỗ như mút, xốp, máy chế biến, phụ kiện, ốc vít, keo... hoặc gia công các sản phẩm vệ tinh cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ.
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tại Làng nghề Vạn Điểm. Ảnh Tạp chí Gỗ Việt
Một số doanh nghiệp gỗ và các cơ sở sản xuất tại các làng nghề cũng đã tìm cách đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tránh việc phụ thuộc vào thị trường miền Nam, đồng thời, khai thác tốt nhất nhu cầu thị trường ở miền Bắc và miền Trung, tung ra các mẫu mã mới, cũng như chủ động giảm giá sản phẩm để kích cầu và đảm bảo công suất sản xuất đều đặn trong các tháng cuối năm.
Tuy đang từng bước ổn định lại sản xuất, nhưng không thể phủ nhận, các làng nghề gỗ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi lượng sản xuất giảm sâu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời, lợi nhuận cũng giảm nhiều so với trước đây.
"Trước một bộ bàn ghế bán ra lãi từ 1 - 1,5 tr/1 bộ, hiện tại chỉ còn 500.000 VNĐ/bộ, sản phẩm bán chậm hơn, buộc các cơ sở phải bán cắt lỗ, giảm giá sản phẩm", chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ tại làng nghề gỗ Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội, cho biết.
Xuân Lâm (Gỗ Việt, số 139 tháng 11 năm 2021)
- Tiêu thụ đồ nội thất văn phòng tại khu vực châu Á Thái Bình Dương khả quan năm 2021 và 2022
- Thay đổi xu hướng lối sống, tác động tới nhu cầu về đồ nội thất ở Bắc Mỹ
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Mỹ: Kỳ vọng “bứt tốc” 2 tháng cuối năm
- Quản lý chất lượng, đón “sóng” xuất khẩu gỗ và nội thất đầu năm 2022
- Chuỗi cung đứt gãy, cơ hội cho Trung Quốc tăng xuất khẩu vào Mỹ
- Quy mô sản xuất đồ nội thất của Trung Quốc tăng mạnh trở lại
- Tháo gỡ khó khăn để duy trì sản xuất và tái phục hồi: VIFOREST gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ
- Kịch bản nào cho tăng trưởng xuất khẩu ngành gỗ?
- Phương án sản xuất thời dịch: Tăng tính tự chủ của doanh nghiệp
- Đã qua rồi thời “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh