Hệ lụy từ xung đột Nga – Ukraine
Xung đột tại Ukraine có thể tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu, tác động lên ngành chế biến gỗ Việt Nam. Trong khi đó, thiếu gỗ nguyên liệu có thể làm ngành gỗ mất đà tăng trưởng. Xung đột Nga - Ukraine và các đợt phong tỏa mới tại Trung Quốc làm căng thẳng thêm chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên liệu đầu vào và cước vận tải leo thang. Lẽ ra, chuỗi cung ứng có thể được cải thiện trong tháng 1 và 2, nhưng giờ lại xáo trộn bởi xung đột ở Ukraine và các đợt phong tỏa mới ở Trung Quốc. Những diễn biến này chỉ báo sẽ kéo dài thời gian giao hàng và tiếp tục làm giá gỗ nguyên liệu tăng cao hơn.
Ngành chế biến và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam đã đạt vị thế quan trọng trên bản đồ thương mại gỗ thế giới, đứng thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, đứng thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu. Nhưng thách thức gỗ nguyên liệu đang nổi lên, gây áp lực lên mục tiêu đạt giá trị kim ngạch 20 tỉ USD vào năm 2025.
Hệ lụy từ xung đột Nga – Ukraine
Ngành chế biến gỗ đang đứng trước nguy lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga ra thị trường toàn cầu bị sụt giảm hoặc bị mất đi.
Nhiều ngày nay, “các doanh nghiệp không cách nào chuyển tiền mua gỗ Bạch dương” do xung đột Nga – Ukraine, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương, cho biết. Đầu tháng 3, Vương quốc Anh đã cùng với Mỹ và các đồng minh phương Tây loại một số ngân hàng của Nga khỏi hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, nhiều ngân hàng thương mại lớn nhất Nga bị đóng băng, bao gồm Otkritie và Sovcombank.
“Hiện, nhiều doanh nghiệp thiếu gỗ bạch dương để sản xuất”, ông Liêm cho biết. Việc chuyển sang loại gỗ khác, ông nói “cần thời gian và cũng có rủi ro khi nhập khẩu”. Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Hoa Kỳ, châu Âu, Canada và Australia, là các nguồn cung lớn nhất, theo số liệu của Forest Trends.
Mức độ tác động từ nguồn cung gỗ Nga lên ngành chế biến gỗ Việt Nam có thể không lớn, do Nga đến nay chưa trở thành nguồn cung chính gỗ nguyên liêụ cho Việt Nam. Năm 2021 kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Nga đạt khoảng 55 triệu USD, chỉ tương đương 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam từ tất cả các nguồn. Gỗ xẻ, gỗ dán, veneer là các mặt hàng nhập khẩu chính, với kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ chiếm trên 80% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng đối với ngành gỗ là rất lớn đối với Việt Nam, quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, khoảng 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn mỗi năm. Những cảnh báo mới nhất được Forest Trends và các hiệp hội đưa ra vào giữa tháng 3. Nguồn cung gỗ nguyên liệu toàn cầu sẽ bị tác động nghiêm trọng nếu lượng cung gỗ nguyên liệu khổng lồ từ Nga bị sụt giảm hoặc bị mất đi. Nước Nga có diện tích rừng tự nhiên rất lớn, với 815 triệu ha, lớn gấp gần 60 lần diện tích rừng hiện tại của Việt Nam. Lượng gỗ khai thác mỗi năm của Nga khoảng 200 triệu m3, tương đương với 10% lượng cung toàn cầu, theo Malgules Groome năm 2021.
Dữ liệu của WRI cho thấy, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Nga đạt khoảng 12,3 tỉ USD, trong đó chủ yếu là mặt hàng gỗ nguyên liệu. Trung Quốc và Phần Lan là hai quốc gia nhập khẩu gỗ tròn với lượng lớn nhất từ Nga. Năm 2021 lượng gỗ tròn nhập khẩu từ Nga vào hai quốc gia này lần lượt ở mức 48% và 41% trong tổng lượng gỗ tròn nhập khẩu từ Nga vào tất cả các thị trường.
Nga cũng là một trong những nguồn cung gỗ xẻ lớn nhất trên thế giới. Năm 2021 lượng cung gỗ xẻ từ nguồn này đạt gần 17 triệu tấn, giảm khoảng 1 triệu tấn so với lượng xuất năm 2020. Các quốc gia EU và Anh cũng nhập một lượng lớn gỗ xẻ từ Nga. Lượng gỗ xẻ Nga nhập khẩu vào EU và Vương quốc Anh năm 2021 đạt trên 2,7 triệu m3, tương đương 16% tổng lượng gỗ xẻ Nga xuất khẩu trong cùng năm.
Xung đột giữa Nga và Ukraine có thể sẽ làm nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga bị co hẹp. Điều này tạo ra sự thiếu hụt gỗ nguyên liệu trên quy mô toàn cầu trong tương lai. Một phần của sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng việc gia tăng nguồn cung hiện tại từ EU và Hoa Kỳ nơi có các loài gỗ tương đồng với các loài từ Nga. Tuy nhiên thiếu hụt về lượng cung có thể tạo ra sự cạnh tranh giữa các quốc gia nhập khẩu gỗ nguyên liệu, trong đó có Việt Nam.
“Việc tiếp cận với nguồn gỗ nhập khẩu trong tương lai có thể sẽ khó khăn, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng lên mức cao hơn”, nhận định của Bà Phan Thị Thu Trang, đại diện Công ty TNHH Gỗ An Lạc. Ngoài ra xung đột Nga – Ukraine còn tại ra “Sức ép từ các tổ chức môi trường và xã hội đối với luồng cung gỗ từ Nga ngày càng gia tăng, việc nỗ lực duy trì một luồng cung gỗ từ Nga, bao gồm cả việc tiếp cận luồng cung này thông qua nguồn nhập từ Trung Quốc, có thể gây ra rủi ro không chỉ riêng cho các doanh nghiệp nhâp khẩu của Việt Nam mà còn đem lại rủi ro cho hình ảnh của cả ngành gỗ Việt” là nhận định của Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia phân tích chính sách của tổ chức Forest Trends.
Tiếp cận nguồn cung gỗ từ Nga sẽ khó khăn hơn. Ảnh minh họa, nguồn Gỗ Việt
Trung Quốc đang là thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu lớn nhất từ Nga, với lượng nhập khẩu trên dưới 50% tổng lượng gỗ tròn và xẻ xuất khẩu hàng năm của Nga. Mặc dù báo cáo này không thống kê được lượng gỗ có nguồn gốc từ Nga nhập khẩu vào Việt Nam qua đường Trung Quốc, nhưng xét ở nhiều góc độ, một lượng nhỏ gỗ có nguồn gốc từ Nga đã được nhập khẩu vào Việt Nam qua nguồn này.
Bình quân mỗi năm Việt Nam nhập trên 70 nghìn m3 gỗ xẻ từ Trung Quốc và gần 200 nghìn m3 veneer. Năm 2021, veneer từ gỗ Bạch dương nhập vào Việt Nam đạt 120,94 nghìn m3 chiếm tới 89% tổng lượng veneer nhập khẩu từ nguồn này vào Việt Nam, với 248,12 nghìn m3.
Diễn biến nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga phụ thuộc rất lớn vào tình hình xung đột tại Ukraine. Báo cáo cũng tính đến khả năng doanh nghiệp Việt Nam phải “cạnh tranh khốc liệt” với các doanh nghiệp các nước khác về nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt ở các thị trường cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam là EU và Hoa Kỳ. Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, làm giảm lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
“Nguồn gỗ keo rừng trồng của Việt Nam có thể trở thành một trong những nguồn gỗ thay thế”, một cảnh báo quan trọng khác của báo cáo về nguồn cung từ Nga thiếu hụt có thể làm hình thành các “nhu cầu mới” đối với các loài gỗ thay thế cho các loài trước đó được nhập từ Nga. Nếu điều này xảy ra, các doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đặc biệt từ Trung Quốc về việc tiếp cập với nguồn gỗ rừng trồng tại Việt Nam.
Cao Cẩm (Gỗ Việt số 142, tháng 3 năm 2022)
- Ngành Lâm nghiệp Australia: Bền vững, Dồi dào và Hiện đại
- ADB đầu tư 15 triệu USD vào Quỹ Rừng nhiệt đới châu Á số 2 để thúc đẩy lâm nghiệp bền vững
- Sản lượng gỗ của Nga có thể giảm hơn 40% nếu các lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn
- Nhập khẩu gỗ lim tăng mạnh về lượng trong 2 tháng đầu năm 2022
- Phê duyệt đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững hiệu quả giai đoạn 2021-2030
- Xuất khẩu đồ nội thất văn phòng năm 2022 dự báo sẽ tăng trưởng cao
- Doanh nghiệp chung sức trồng 250.000 cây xanh tại Ba Vì
- Ban hành Kế hoạch kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp
- Cameroon tăng thuế xuất khẩu gỗ tròn
- Phát triển rừng trồng có hiệu quả kinh tế cao và bền vững
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu