Báo cáo: Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Thực trạng và thay đổi về chính sách
Báo cáo được trình bày tại Hội thảo: “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu” được tổ chức ngày 21/6/2019 tại Hà Nội, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS.
Dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam. Năm 2018 tổng lượng dăm gỗ xuất khẩu của Việt Nam đã vượt 10,3 triệu tấn khô, tương đương gần 20 m3 gỗ nguyên liệu quy tròn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng này trong cùng năm đã đạt hơn 1,34 tỉ USD, chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Hiện Chính phủ đăng cân nhắc khả năng tăng thuế suất khẩu dăm gỗ ở mức 2% hiện tại lên 5%. Lộ trình tăng thuế xuất khẩu dăm đã được Chính phủ vạch ra từ trước đó, hướng tới mục tiêu hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô (dăm gỗ, ván bóc), nhằm tạo nguồn nguyên liệu gỗ lớn, làm nguyên liệu cho ngành chế biến đồ gỗ nội thất, có giá trị gia tăng cao hơn ngành dăm, của Việt Nam. Nếu thuế xuất khẩu dăm tăng lên 5%, mỗi năm ngân sách từ nguồn thu này lên gần 900 tỉ đồng. Những động thái rục rịch tăng thuế xuất khẩu dăm đã tác động trực tiếp lên xuất khẩu, với lượng dăm xuất khẩu những tháng đầu năm 2019 tăng đột biến. Trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 4 triệu tấn dăm, tương đương với 0,56 tỉ USD về kim ngạch. Lượng xuất tăng nhanh cho thấy động thái ‘né thuế xuất khẩu’ của doanh nghiệp, trước khi mức thuế mới được áp dụng.
Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng mức thuế 2% đối với mặt hàng dăm xuất khẩu kể từ 1/1/2016. Mục tiêu áp dụng thuế, theo chính phủ, là để khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tạo nguyên liệu đầu vào cho ngành chế biến đồ gỗ, từ đó mang lại lợi ích cao hơn của cả hộ trồng rừng lẫn ngành đồ gỗ. Áp dụng công cụ thuế này chính phủ kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi trong khâu nguyên liệu, từ đó tạo chuyển dịch trong sản xuất từ dăm sang sản xuất gỗ. Lộ trình tăng thuế xuất khẩu dăm đã được chính phủ phê duyệt, với việc tăng thuế được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong khâu sản xuất nguyên liệu, từ gỗ nhỏ cung cho ngành dăm sang gỗ lớn cung cho ngành chế biến gỗ, dịch chuyển trong sản xuất từ dăm sang đồ gỗ và dịch chuyển trong cơ cấu xuất khẩu thông qua việc giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm dăm, sang các mặt hàng đồ gỗ có giá trị gia tăng cao hơn.
Các ý kiến trái chiều đối với thuế dăm gỗ
Hiện vẫn còn các quan điểm trái chiều về vai trò của thuế xuất khẩu dăm trong việc tạo dịch chuyển trong nguyên liệu và trong sản xuất. Nhóm ủng hộ ngành dăm thì cho rằng ngành dăm là ngành cứu cánh của các hộ trồng rừng, bởi sản xuất nguyên liệu dăm hiện phù hợp nhất với điều kiện kinh tế xã hội của các hộ trồng rừng. Theo luồng quan điểm này, với lượng cung gỗ nguyên liệu từ rừng trồng hàng năm ra thị trường rất lớn, ngành chế biến đồ gỗ sẽ không thể ‘hút’ hết được lượng cung nguyên liệu khổng lồ như hiện nay. Hạn chế ngành dăm đồng nghĩa với việc kìm hãm trồng rừng, và điều này không phải chỉ tác động tiêu cực tới sinh kế của hộ mà còn tới độ che phủ của rừng. Ngành dăm cũng cho rằng nguyên liệu đầu vào hiện nay của các nhà máy dăm không phải là gỗ lớn, mà chỉ là nguồn gỗ nhỏ, gỗ tận dụng như cành, ngọn; toàn bộ lượng gỗ lớn đi vào sản xuất gỗ. Do vậy, không có sự cạnh tranh về nguyên liệu giữa 2 ngành. Nói cách khác, theo ngành dăm, hạn chế ngành dăm hoàn toàn không phải là yếu tố thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển.
Nghiên cứu đã cho thấy nếu quốc gia có vai trò quan trọng trong cung hoặc/và cầu sẽ có sức mạnh trong việc định hình thị trường. Việt Nam là quốc gia cung trên dưới 30% tổng lượng cung dăm toàn cầu. Về lý thuyết, Việt Nam có sức mạnh định hình thị trường thế giới. Tuy nhiên, đến nay ngành dăm của Việt Nam hoàn toàn chưa tạo được vị thế này. Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dăm lớn nhất – là người quyết định. Thực tế cho thấy xuất khẩu dăm của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, về lượng cung, giá cả và chủng loại. Như đã đề cập ở trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vị thế yếu của ngành dăm Việt Nam như hiện nay, bao gồm tính liên kết yếu, phát triển theo phong trào, cạnh tranh không lành mạnh, bên cạnh các yếu tố khác. Vị thế yếu, phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu đồng nghĩa với việc ngành dăm không thể tăng giá sản phẩm xuất khẩu khi chính phủ Việt Nam tăng thuế xuất khẩu dăm. Nói cách khác, các chi phí phát sinh do việc áp thuế xuất khẩu sẽ do bên phía Việt Nam chịu; doanh nghiệp dăm Việt Nam không đủ sức mạnh để đẩy giá dăm trên thị trường thế giới lên cao. Nói cách khác, nếu không có những thay đổi căn bản trong ngành dăm của Việt Nam hiện nay, áp dụng thuế hoặc tăng thuế xuất khẩu dăm của Việt Nam mặc dù tạo được một nguồn thu mới cho ngân sách, toàn bộ các chi phí phát sinh sẽ do ngành dăm của Việt Nam phải gánh chịu.
Chính phủ tăng thuế xuất khẩu tăng sẽ tác động như thế nào tới chuỗi cung dăm của Việt Nam?
Các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng việc áp dụng thuế xuất khẩu đối với các ‘mặt hàng cơ bản’ sẽ có thể dẫn đến tình trạng ‘người thắng, kẻ thua’ trong các quốc gia xuất khẩu. Tình trạng người thắng và kẻ thua có phát sinh khi chính phủ thực hiện áp thuế xuất khẩu 2% hay không, và nếu phát sinh, các nhóm này là ai? Vào thời điểm chính phủ bắt đầu áp dụng thuế 2%, giá xuất khẩu dăm giảm. Hiện chưa có cơ sở chắc chắn để khẳng định giá xuất khẩu dăm năm 2016 giảm là do thuế xuất khẩu. Theo thông tin chia sẻ từ các doanh nghiệp dăm, toàn bộ các chi phí phát sinh có liên quan tới thuế được đẩy xuống khâu đầu tiên của chuỗi. Bằng chứng là giá thu mua gỗ nguyên liệu năm 2016 giảm. Mặc dù giá thu mua giảm có thể một phần là do giá dăm xuất khẩu giảm, tuy nhiên, nguồn tin từ các doanh nghiệp dăm cho thấy không có doanh nghiệp dăm nào sẵn sàng giảm lợi nhuận để bù đắp một phần hoặc toàn bộ các chi phí phát sinh do thuế. Nói cách khác, người dân là người phải gánh toàn bộ các chi phí phát sinh do thuế xuất khẩu dăm. Nguồn thu từ thuế xuất khẩu dăm của chính phủ có nguồn gốc từ việc giảm giá mua nguyên liệu đầu vào từ các hộ trồng rừng của công ty dăm.
Chính phủ có thể áp dụng thuế xuất khẩu dăm, giống như một số quốc gia phát triển vẫn đang áp dụng thuế xuất khẩu với một số mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên trước khi ra bất kỳ một mức thuế nào, hoặc trước khi tăng thuế lên một mức mới, một số câu hỏi quan trọng cần trả lời:
- Mức thuế bao nhiêu là phù hợp để đảm bảo các mục tiêu chính phủ đề ra khi áp dụng/tăng thuế có thể đạt được?
- Nguồn thu ngân sách từ thuế được sử dụng như thế nào để phục vụ mục tiêu mà chính phủ đề ra khi áp dụng /tăng thuế?
Cho đến nay vẫn chưa có bất cứ đánh giá nào về vai trò của thuế xuất khẩu dăm đối với việc chuyển dịch nguồn nguyên liệu và dịch chuyển trong sản xuất và xuất khẩu. Điều này có nghĩa rằng trước khi thay đổi mức thuế hiện nay, chính phủ cần có những đánh giá khách quan về hiệu quả /tác động của thuế về các dịch chuyển trong các khâu theo kỳ vọng. Đánh giá cũng cần quan tâm đến khía cạnh tác động của thuế đối với sinh kế của các hộ trồng rừng.
Kiến nghị
Chính phủ cần đưa ra các cơ chế đảm bảo việc áp dụng, tăng hoặc giảm thuế xuất khẩu không tạo ra bất cứ tác động tiêu cực tới nguồn thu của các hộ trồng rừng. Nguồn thu của hộ trên một đơn vị sản phẩm sau khi áp thuế ít nhất phải bằng với nguồn thu của hộ trên cùng đơn vị sản phẩm trước áp thuế. Không đạt được mục tiêu cốt lõi này sẽ làm giảm giá trị của chính sách thuế, hoặc thậm chí thuế có thể trở thành công cụ để chuyển một phần nguồn thu ít ỏi của hộ trồng rừng, bao gồm nhiều hộ nghèo, thành nguồn thu cho ngân sách. Điều này đi ngược lại với những kỳ vọng xóa đói giảm nghèo của chính phủ.
Khi chính phủ đưa ra các cơ chế để đảm bảo các hộ trồng rừng không bị tác động tiêu cực bởi thuế xuất khẩu, chính phủ có thể tăng thuế xuất khẩu theo lộ trình đã đề ra trước đó. Tuy nhiên, nguồn thu của chính phủ từ thuế xuất khẩu dăm cần sử dụng một cách hợp lý, đảm bảo thực hiện mục tiêu của chính sách. Nguồn thu này có thể được sử dụng làm quỹ đầu tư nhằm khuyến khích các hộ đầu tư trồng rừng gỗ lớn. Nguồn thu này cũng có thể được sử dụng làm quỹ bảo hiểm rừng trồng, nhằm giảm rủi ro cho các hộ dân. Một phần của nguồn thu cũng nên sử dụng để đầu tư vào khâu chọn tạo giống, nhằm đảm bảo các giống rừng trồng (keo) cung ra thị trường có chất lượng tốt. Tóm lại, thuế xuất khẩu chỉ là công cụ tốt nếu đảm bảo phục vụ đúng mục tiêu đề ra.
Với lượng cung chiếm 30% thị phần thế giới, ngành dăm cầu cấu trúc lại để có thể nâng được vị thế của mình trên thị trường quốc tế. Các tồn tại lớn của ngành như thiếu liên kết, phát triển theo phong trào, chạy theo thị trường, sản phẩm chất lượng thấp, cạnh tranh không lành mạnh cần phải giải quyết. Với quy mô của ngành dăm như hiện nay, thành lập hiệp hội dăm của Việt Nam là điều cần thiết. Hiệp hội dăm có vai trò kết nối các doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng lợi ích, giảm thiểu phát triển nóng và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiệp hội cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, với chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu. Kiểm soát chất lượng dăm xuất khẩu, nhằm duy trì thương hiệu là mục tiêu quan trọng của ngành, nhằm nâng cao hình ảnh, xác định vị thế của ngành trên thị trường quốc tế. Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thành lập và xây dựng mục tiêu dài hạn của hiệp hội, đảm bảo các ưu tiên về chính sách được lồng ghép trong chiến lược phát triển của ngành.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Báo cáo: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam
- Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ 2018: Một năm nhìn lại và xu hướng 2019
- Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ Việt Nam
- Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách
- Ngành cao su Việt Nam: Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Nhật Bản: giai đoạn từ 2015 – 4 tháng năm 2018
- Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi, giai đoạn 2015 – 6 tháng năm 2018
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018
- Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018
- Tổng quan tình hình Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giai đoạn 2015 – 6 tháng năm 2018