Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018

09/08/2018 09:53
Thương mại gỗ và và sản phẩm gỗ Việt Nam – Trung Quốc: giai đoạn từ 2015 – 6 tháng năm 2018

Thương mại các mặt hàng gỗ giữa 2 quốc gia lớn và đang tiếp tục mở rộng. Thặng dư thương mại hiện nghiêng về phía Việt Nam với giá trị khoảng 500-600 triệu USD mỗi năm.

Thương mại giữa 2 quốc gia hầu hết tập trung vào các mặt hàng gỗ nguyên liệu, với tỉ trọng khoảng trên 80% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Nhóm sản phẩm gỗ có giá trị gia tăng cao chiếm tỉ trọng nhỏ.

 

Mức độ phụ thuộc của ngành gỗ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc lớn hơn mức độ phụ thuộc của thị trường Trung Quốc vào Việt Nam.

Trung Quốc thường được coi là thị trường không có những đòi hỏi quá cao về chất lượng, các tiêu chuẩn môi trường và tính hợp pháp của sản phẩm. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp của Việt Nam tham gia thị trường.

Dễ tính hơn các thị trường khác, tuy nhiên tính biến động của thị trường Trung Quốc lớn, rủi ro về thị trường cũng lớn hơn

Bản tin cung cấp các thông tin: 

Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Việt Nam trong việc tiêu thụ các mặt hàng gỗ. Năm 2017 kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 1 tỉ USD, đứng thứ 2 trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Trên 80% kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc là các mặt hàng thô, thuộc nhóm gỗ nguyên liệu. Các mặt hàng có kim ngạch lớn nhất bao gồm dăm gỗ, gỗ xẻ. Gỗ đầu vào cho các mặt hàng này chủ yếu là từ nguồn rừng trồng, trong đó có một phần lớn từ các hộ gia đình.

 Trong bối cảnh ngành chế biến gỗ Việt Nam đang phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến (trung bình 4-5 triệu m3/năm), xuất khẩu gỗ xẻ từ Việt Nam sang Trung Quốc cho thấy một số tồn tại trong bản thân ngành. Các tồn tại này có thể liên quan đến các hạn chế trong kết nối giữa các khâu trong chuỗi cung, có thể do năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam yếu hơn so với các doanh nghiệp Trung Quốc trong khâu thu mua nguyên liệu.

 Áp thuế trong xuất khẩu gỗ nguyên liệu không phải là một công cụ hữu hiệu trong việc hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Chi phí do việc tăng thuế có thể bị chuyển tải xuống các hộ dân ở đầu chuỗi cung. Điều này có thể không khuyến khích phát triển rừng trồng và còn gây rủi ro đối với sinh kế của hộ.

Giá xuất khẩu các mặt hàng gỗ nguyên liệu thô từ Việt Nam vào Trung Quốc thấp và luôn đi theo xu hướng giảm. Điều này thể hiện sự không bền vững xuất khẩu. Giá giảm có thể gây áp lực, làm doanh nghiệp xuất khẩu giảm lợi ích cận biên, hoặc /và tạo ra sức ép trong việc giảm giá nguyên liệu đầu vào. Điều này có thể gây tác động tiêu cực đối với hộ trồng rừng.

 Trong số các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ xuất khẩu (HS 94), có một số mặt hàng được làm bằng gỗ quý, có nguồn gốc từ nhập khẩu. Điều này ẩn chứa các rủi ro trong chuỗi cung.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc đang có xu hướng tăng. Tốc độ tăng trưởng về kim ngạch cao.

 Tương tự như đối với các mặt hàng gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trên 80% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam từ Trung Quốc thuộc nhóm gỗ nguyên liệu (20% còn lại là các mặt hàng thuộc nhóm sản phẩm gỗ).

 Tuy nhiên, các mặt hàng gỗ nguyên liệu Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam khác xa so với các mặt hàng gỗ nguyên liệu Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Cụ thể, gỗ dán, ván sợi và ván bóc là các mặt hàng xuất khẩu mạnh vào Việt Nam, với mức của các mặt hàng này rất cao. Điều này thể hiện hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm xuất khẩu sang Việt Nam lớn.

 Lượng gỗ tròn xuất khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam đang tăng. Hầu hết gỗ tròn Trung Quốc xuất khẩu cho Việt Nam đều có nguồn gốc từ Châu Phi.

 Lượng gỗ xẻ nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc tăng. Hầu hết trong số này là các loài gỗ có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Kiến nghị

 Ngành gỗ cần phải có những thay đổi theo hướng giảm tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm thô vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị cao vào thị trường này. Điều này đòi hỏi có những thay đổi căn bản trong ngành trong tương lai.

 Mở rộng thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng gỗ của Việt Nam là điều tối quan trọng. Ngành cần tập trung nguồn lực để mở rộng thị trường cho các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và dần hạn chế việc xuất khẩu các sản phẩm thô.

 Trung Quốc hiện là thị trường rất quan trọng đối với ngành gỗ Việt Nam. Cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kz có thể sẽ tác động trực tiếp đến ngành chế biến gỗ của Việt Nam nói chung và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói riêng. Để giảm rủi ro từ các tác động này, ngành gỗ cần đánh giá chi tiết và toàn diện từ đó đưa ra các chiến lược giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh thị trường thay đổi rất nhanh này.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt