Báo cáo: Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách để phát triển bền vững
Báo cáo đánh giá thực trạng của các hộ sản xuất làng nghề về các khía cạnh tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, sử dụng lao động, môi trường sản xuất kinh doanh, khả năng và mức độ tuân thủ với các yêu cầu pháp lý của các hộ hiện nay. Báo cáo chỉ ra một số xu hướng thay đổi tại các làng nghề theo hướng bền vững hơn về nguồn nguyên liệu, một số hạn chế trong sử dụng nguyên liệu, lao động, môi trường… mà các hộ hiện phải đối mặt.Các hạn chế và khó khăn mà các hộ hiện đang đối mặt thể hiện các khía cạnh cơ bản của nền kinh tế phi chính thức. Trong bối cảnh hội nhập, các hộ sản xuất kinh doanh gỗ tại các làng nghề trở thành một phần quan trọng của chuỗi cung, do vậy hộ cần tuân thủ với các yêu cầu pháp lý có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Báo cáo kiến nghị hỗ trợ chuyển các hộ từ hình thức phi chính thức sang chính thức, nhằm giúp các hộ phát triển bền vững trong tương lai.
Báo cáo: “Làng nghề gỗ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và các lựa chọn về chính sách để phát triển bền vững”tập trung vào mô tả thực trạng sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ của 5 làng nghề gỗ vùng đồng bằng sông Hồng. Các làng nghề gỗ này điển hình cho các làng có sử dụng nguồn nguyên liệu gỗ quý nhập khẩu, có rủi ro cao về tính pháp lý để sản xuất đồ gỗ có giá trị cao, phục vụ nhóm khách hàng khá giả tại thị trường nội địa (La Xuyên, Vạn Điểm, Đồng Kỵ) và xuất khẩu (Đồng Kỵ). Một số làng (Liên Hà, Hữu Bằng) sử dụng gỗ nguyên liệu đầu vào rủi ro thấp, thân thiện về môi trường, bao gồm gỗ nhập khẩu từ Mỹ, EU, gỗ rừng trồng trong nước và các loại ván công nghiệp để sản xuất các sản phẩm phục vụ nhóm khách hàng bình dân trong nước.
Trong những năm vừa qua đã có những tín hiệu rõ ràng thể hiện sự dịch chuyển trong việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu trong các làng nghề gỗ theo hướng thân thiện về môi trường. Dịch chuyển thể hiện qua 2 khía cạnh – thành phần loài nhập khẩu và lượng gỗ nguyên liệu sử dụng: (i) Số lượng các loài gỗ quý hiếm có rủi ro cao về tính pháp lý, nguồn gốc từ nhập khẩu giảm, trong khi các loài gỗ thân thiện với môi trường tăng; (ii) Lượng sử dụng các loài rủi ro cao giảm, lượng các loài thân thiện với môi trường tăng. Các dịch chuyển này do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến (i) sự siết chặt trong chính sách xuất khẩu tại các nước cung gỗ nguyên liệu, đặc biệt là các loài gỗ quý từ các nước Tiểu vùng sông Mê Kông; (ii) nguồn cung gỗ rừng trồng trong nước cũng như cung gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp (Mỹ, EU) ngày càng nhiều và đa dạng về thành phần loài; (iii) thay đổi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và tại thị trường nhập khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam, đặc biệt tại Trung Quốc. Các dịch chuyển này là những tín hiệu tích cực, phản ánh thực trạng ngành gỗ của Việt Nam nói chung và các làng nghề gỗ nói riêng đang đi theo hướng bền vững hơn về nguồn nguyên liệu, thân thiện hơn về mặt môi trường.
Bên cạnh những dịch chuyển tích cực là những rủi ro và khó khăn to lớn mà các hộ trong làng nghề đang phải đối mặt. Đến nay, hoạt động của các hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề còn mang đậm tính tự phát, chủ yếu chạy theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Hiểu biết và mối quan tâm của hộ về tính pháp lý của nguồn gỗ nguyên liệu, các quy định về sử dụng lao động, vệ sinh an toàn lao động, các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ, các cơ chế chính sách mới, có hoặc sẽ liên quan trực tiếp đến các hoạt động của hộ hạn chế. Giao dịch giữa các hộ trong làng, bao gồm giao dịch giữa hộ kinh doanh gỗ nguyên liệu và hộ sản xuất chế biến đồ gỗ, giữa các hộ sản xuất và người mua đồ gỗ sau chế biến là các giao dịch miệng và hầu như không có bất cứ bằng chứng pháp lý nào minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm sau chế biến.
Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.
Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo
Gỗ Việt
- Báo cáo: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nửa đầu năm 2017
- Bản tin: Việt Nam xuất khẩu dăm gỗ: Diễn biến thị trường đến hết tháng 6 năm 2017
- Phát triển ngành gỗ Việt theo hướng bền vững: Loại bỏ nguồn gỗ nhập khẩu rủi ro cao ra khỏi chuỗi cung
- Liên kết trong ngành chế biến gỗ : Tăng cường cơ hội , giảm rủi ro vì mục tiêu phát triển bền vững
- Liên kết giữa công ty chế biến gỗ và hộ trồng rừng: Nâng cao chuỗi giá trị ngành gỗ
- Liên kết giữa công ty và hộ để phát triển các vườn cao su tại Việt Nam: Cơ hội và rủi ro về thị trường
- Việt nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Châu Phi: Một số nét chính
- Gỗ tròn và gỗ xẻ nhập khẩu: Một số nét chính giai đoạn 2013 - 2016
- Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc 2013 -2016: Một số nét chính
- Thực trạng sử dụng nguyên liệu trong Chế biến gỗ