Báo cáo: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nửa đầu năm 2017

14/10/2017 11:59
Báo cáo: Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nửa đầu năm 2017

Báo cáo:Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nửa đầu năm 2017 là sản phẩm hợp tác của Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA Bình Định), Hội Gỗ mỹ nghệ và Chế biến Gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA). Báo nhằm cung cấp thông tin về tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam giai đoạn 2015 đến 6 tháng năm 2017, những thay đổi về thị trường xuất và nhập khẩu gỗ của Việt Nam khi chính phủ Việt Nam đã ký tắt Hiệp định FLEGT VPA với EU.

Chính phủ Việt Nam thể hiện cam kết nhằm loại bỏ các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ gỗ bất hợp pháp thông qua việc ký kết Hiệp định FLEGT VPA. Các cam kết này diễn ra trong bối cảnh ngành chế biến gỗ của Việt Nam tiếp tục phát triển. Năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt khoảng 6,8 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu 2017 kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỉ USD. Nếu duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017 có thể đạt con số trên 7 tỉ USD. Hầu hết tăng trưởng thể hiện mạnh mẽ tại những thị trường tiêu thụ truyền thống, là những thị trường xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tuy nhiên, đã có một số tín hiệu cho thấy các thị trường truyền thống này có thể thay đổi trong tương lai. Các thay đổi này chủ yếu là do các chính sách vĩ mô có liên quan tới các ưu tiên, định hướng phát triển và các cơ chế, chính sách mới nhằm kiểm soát chặt chẽ về tính hợp pháp của các mặt hàng gỗ nhập khẩu vào các quốc gia này.

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu, bao gồm gỗ tròn và xẻ là nhóm mặt hàng chủ đạo trong cơ cấu gỗ nhập khẩu vào Việt Nam. Gỗ nhập khẩu có vai trò to lớn, trực tiếp góp phần giúp ngành chế biến gỗ liên tục mở rộng và tăng trưởng. Hàng năm, Việt Nam nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu quy tròn, với kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỉ USD. Trong 6 tháng đầu 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam lên tới gần 760 triệu USD. Nguồn cung gỗ nguyên liệu đa dạng, cả về số lượng loài gỗ nhập khẩu và các quốc gia cung gỗ. Nguồn cung nhập khẩu bao gồm 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất bao gồm các loài gỗ tự nhiên có nguồn gốc từ các quốc gia nhiệt đới như từ các nước thuộc Tiểu vùng sông Mê Kông và các nước Châu Phi. Gỗ nhập khẩu từ nguồn này thường được có độ rủi ro cao về tính pháp lý. Đây cũng là nguồn cung không ổn định, nguyên nhân chính là do các thay đổi chính sách về khai thác và xuất khẩu gỗ nguyên liệu tại các quốc gia này. Nhóm thứ hai bao gồm các loại gỗ nhập khẩu từ các quốc gia như Hoa Kỳ, một số quốc gia khu vực châu Mỹ La Tinh và EU. Gỗ nhập khẩu từ nguồn này thường có độ rủi ro về tính pháp lý thấp. Cung gỗ từ nguồn này cũng có tính ổn định rất cao. Lượng nhập khẩu của hai nhóm vào Việt Nam gần tương đương.

Mở rộng và phát triển của ngành gỗ hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn, trong đó đặc biệt phải kể đến cạnh tranh về nguồn gỗ nguyên liệu. Cạnh tranh thể hiện cả về nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu và nguồn cung từ nguồn trong nước. Chính sách cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên của chính phủ Trung Quốc cộng với chính sách siết chặt việc khai thác, thương mại và xuất khẩu gỗ nguyên liệu tại một số quốc gia có nguồn gỗ rừng tự nhiên từ các khu vực rừng nhiệt đới làm gia tăng cạnh tranh về cung gỗ nguyên liệu toàn cầu, trong đó bao gồm một số công ty nhập khẩu của Việt Nam. Cạnh tranh về nguồn cung nguyên liệu trong nước đặc biệt gay gắt đối với gỗ rừng trồng và gỗ cao su, giữa các công ty chế biến đồ gỗ với công ty chế biến dăm gỗ, giữa công ty trong nước với công ty nước ngoài, điển hình là các công ty của Trung Quốc.

Phần 2 dưới đây sẽ đi vào một số nét tổng quan về tình hình xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến hết tháng 6 năm 2017.

Để biết thông tin chi tiết, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt