Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách

08/10/2018 09:47
Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách

Báo cáo là sản phẩm hợp tác của các Hiệp hội: VIFORES, HAWA, FPA Bình Định, Hội cao su Việt Nam và Tổ chức Forest Trends.Báo cáo cung cấp các thông tin:  (1) về chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ gỗ và SPG cao su; (2)nguồn cung gỗ cao su, bao gồm nguồnnhập khẩu, nguồn cung từ đại điền và tiểu điền; (3) nét chính về thị trường xuất khẩu gỗ và SPG cao su của Việt Nam; (4) trường tiêu thụ gỗ và SPG gỗ cao su tại thị trường nội địa và thảo luận về khía cạnh chính sách nhằm góp phần phát trển bền vững ngành chế biến gỗ và SPG cao su trong tương lai.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ (ngành gỗ) là một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 7,66 tỷ Đô la Mỹ (USD), đứng thứ 6 về kim ngạch xuất khẩu trong tất cả các ngành. Kể từ năm 2010, bình quân mỗi năm ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 13%. Hiện gỗ và sản phẩm gỗ (SPG) của Việt Nam được tiêu thụ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU và Hàn Quốc. Kim ngạch xuất khẩu của ngành đã vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á, thứ 2 châu Á, thứ 5 trên thế giới và chiếm khoảng 6% thị phần đồ gỗ thế giới.

 

Gỗ cao su và các mặt hàng đồ gỗ được làm từ gỗ cao su đã và đang có vị thế quan trọng cho cả ngành cao su và ngành gỗ. Trong những năm gần đây, mỗi năm ngành cao su cung ra thị trường khoảng 4,5 – 5 triệu m3 gỗ cao su tròn. Đây là nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào quan trọng có nguồn gốc pháp lý rõ ràng cho ngành gỗ, không chỉ đối với các sản phẩm phục vụ thị trường xuất khẩu mà cả cho tiêu dùng nội địa. Bình quân mỗi năm gỗ và các mặt hàng được làm từ gỗ cao su đem lại kim ngạch xuất khẩu 1,7 – 1,8 tỷ USD, chiếm trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, và là 1 trong 3 nhóm mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành cao su. Con số kim ngạch này chưa bao gồm các sản phẩm gỗ cao su tiêu thụ nội địa. Hiện các sản phẩm được làm từ gỗ cao su đã và đang là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng.

Báo cáo Chuỗi cung gỗ cao su Việt Nam: Thực trạng và chính sách mô tả chuỗi cung gỗ cao su của Việt Nam từ khâu sản xuất (nguồn cung gỗ) tới khâu tiêu thụ (xuất khẩu và tiêu thụ nội địa). Trong mỗi khâu của chuỗi cung, trong phạm vi của số liệu mà nghiên cứu tiếp cận được, Báo cáo thảo luận về các bên tham gia, hoạt động của từng bên, các luồng trao đổi giữa các bên về gỗ, thông tin và tài chính cũng như các cơ chế chính sách tác động đến hoạt động của từng khâu này. Báo cáo chỉ ra các thuận lợi và khó khăn của các bên tham gia trong chuỗi, trong bối cảnh ngành cao su và ngành gỗ đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường thế giới. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra có thể tạo ra các rủi ro cũng như cơ hội cho cả hai ngành. Trong hội nhập, các yêu cầu về tính bền vững của sản phẩm, bao gồm trách nhiệm của các bên tham gia chuỗi cung về các khía cạnh như môi trường, lao động, xã hội ngày càng cao. Điều này đòi hỏi các bên khi tham gia vào chuỗi cần nắm rõ và tuân thủ nghiêm các yêu cầu này. Việc không tuân thủ không những sẽ tác động trực tiếp đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các bên tham gia mà còn gây tổn hại đến hình ảnh của ngành.

Báo cáo được chia làm 5 phần. Phần 1 mô tả một số nét chung về chuỗi cung ứng và thị trường tiêu thụ gỗ và SPG cao su. Phần 2 tập trung vào nguồn cung gỗ cao su, bao gồm nguồn nguồn cung từ đại điền, tiểu điền và nguồn nhập khẩu. Phần 3 phác họa các nét chính về thị trường xuất khẩu gỗ và SPG cao su của Việt Nam. Phần 4 mô tả thị trường tiêu thụ gỗ và SPG gỗ cao su tại thị trường nội địa. Phần 5 kết thúc Báo cáo, thảo luận về khía cạnh chính sách nhằm góp phần phát trển bền vững ngành chế biến gỗ và SPG cao su trong tương lai.

Để biết thông tin chi tiết của báo cáo, vui lòng tải toàn văn báo cáo.

Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ khi sử dụng thông tin trong báo cáo

Gỗ Việt