Chọn CIF hay tiếp tục bán FOB

04/08/2021 07:06
Chọn CIF hay tiếp tục bán FOB

Xuất khẩu theo điều kiện giá CIF và nhập khẩu theo giá FOB, vấn đề không chỉ là thay đổi phương thức giao dịch, cần tính đến năng lực nội tại của các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam.

Một tin tốt lành đến từ Hoa Kỳ, thị trường tiêu thụ 50% sản phẩm gỗ của Việt Nam. Người tiêu dùng ở thị trường Mỹ tăng mua các sản phẩm nhập khẩu do giá thấp hơn, phù hợp với thu nhập bình quân đầu người giảm bởi ảnh hưởng của dịch bệnh. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, theo các dữ liệu của IBISWorld.com

Thế nhưng, việc bán hàng theo giá FOB đang gia tăng thêm áp lực lên ngành gỗ Việt Nam, trong bối cảnh thị trường vẫn chồi sụt bởi những tác động của COVID-19 và sự chậm chễ của một số chính phủ trong triển khai các chương trình tiêm chủng mở rộng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt trên 12,01 tỷ USD, ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập trên 2,5 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, giá trị thặng dư mà ngành gỗ đem lại lên tới 9,45 tỷ USD.

Tính chuyện bán hàng theo giá CIF

Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia Đông Á, Trung tâm sản xuất sản phẩm gỗ của thị trường thế giới, khiến nhiều nhà sản xuất gỗ ở Việt Nam đã tính đến bán hàng theo giá CIF. Họ lo ngại nếu tiếp tục xuất khẩu với giá FOB, việc vận tải quốc tế do phía đối tác đảm nhận khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng phụ thuộc người chuyên chở do người mua chỉ định, đồng thời phải trả chi phí về vận tải nội địa, chi phí thuê container và các công việc đóng gói hàng hóa vào container để đưa hàng lên tàu xuất khẩu mà không biết chính xác là bao nhiêu.

Một số nhà sản xuất trong nước cũng tính đến việc thay đổi phương thức bán hàng có thể giúp phục hồi doanh thu bị giảm dần kể từ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm ngoái. Ông Nguyễn Liêm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt ở Bình Dương, tin rằng: “Doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thể chuyển sang bán CIF, nhưng đó là khi Việt Nam có các hãng tàu lớn chủ động được vấn đề logistics”

Xuất khẩu sản phẩm gỗ theo giá CIF, ông Liêm cho là “không dễ dàng” cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bao gồm cả Lâm Việt, một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Nó không chỉ phụ thuộc riêng vào năng lực của doanh nghiệp xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, bao gồm năng lực của các cảng biển, năng lực của các doanh nghiệp logistics.

“Doanh nghiệp sẽ không trụ được nếu chi phí tăng cao do bán hàng theo giá CIF”, ông Liêm nói. Trong khi đó, theo tính toán của ông Liêm, một doanh nghiệp xuất khẩu đi thị trường Mỹ khoảng 1.000 container/năm theo giá CIF sẽ không thể có mức giá tốt bằng xuất khẩu 50.000 container/năm theo giá FOB.

Hiện nay, các đại lý hãng tàu nước ngoài đang “cho thuê đắt gấp 3 lần” so với hãng tàu của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn phải lựa chọn đối tác nước ngoài nhằm tận dụng những thế mạnh từ chuỗi dịch vụ của họ, chẳng hạn việc bốc dỡ hàng tại cảng.

Năng lực yếu, khó bán CIF

Năm 2020, Việt Nam nhập trên 2,5 tỷ USD gỗ và sản phẩm gỗ, nhưng chỉ có những nhà nhập khẩu chuyên nghiệp mới mua FOB còn những nhà máy sản xuất vẫn mua theo phương thức CIF. Ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty Thanh Hòa ở Bình Đình, cho rằng: “Năng lực yếu”, yếu tố quan trọng khiến doanh nghiệp ngành gỗ khó chuyển sang bán CIF và mua FOB.

Chọn xuất khẩu theo giá CIF hay vẫn làm theo giá FOB còn phụ thuộc và nhiều yếu tố

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu tròn, xẻ theo giá FOB nhưng chưa nhiều”, ông Thiên nói. Theo ông, phần lớn gỗ nguyên liệu nhập khẩu vẫn thực hiện theo giá CIF/CFR trong khi đó, khi xuất thành phẩm, doanh nghiệp chủ yếu ký theo dạng hợp đồng FOB (giao hàng trên tàu). Điều này khiến cho chi phí nhập khẩu nguyên liệu gỗ thường cao, chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo ông Thiên, tỷ lệ xuất khẩu 80% theo hình thức FOB, hơn 10% xuất khẩu theo CIF hiện nay tập trung vào khối doanh nghiệp FDI, chủ yếu là các doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan. Họ làm theo chuỗi chuyên nghiệp, trong đó có doanh nghiệp chuyên thu mua nguyên liệu, doanh nghiệp chuyên làm thương mại, doanh nghiệp chuyên làm logistics. Sự chuyên nghiệp trong toàn khâu giúp họ giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh.

Việt Nam có trên 3.600 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt giá trị xuất khẩu 12,31 tỷ USD trong năm 2020. Trong đó, khối FDI có 653 doanh nghiệp FDI trực tiếp tham gia xuất khẩu, chiếm 18% trong tổng số doanh nghiệp xuất khẩu, với kim ngạch đạt 6 tỷ USD, chiếm 51% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Nếu so sánh với con số 2.676 doanh nghiệp và 5,9 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa cho thấy các doanh nghiệp FDI đã vượt xa doanh nghiệp nội địa về quy mô xuất khẩu. Sự vượt trội này có thể là do sự khác biệt về quy mô sản xuất, trình độ công nghệ và quản lý, quy mô vốn đầu tư, tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp nội địa.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hầu hết các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn được thực hiện bằng phương thức vận tải đường biển. Khoảng cách vận tải trên các tuyến vận tải quốc tế từ Việt Nam đến các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU khiến cho chi phí vận tải và giao nhận hàng hoá xuất khẩu là một phần rất lớn trong tổng chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp.

Bán hàng theo giá CIF, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho là “một chặng đường dài”. Chỉ tính riêng vấn đề logistis, doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan bộ ngành liên quan trong việc xây dựng một chiến lược xuất khẩu theo giá CIF và nhập khẩu giá FOB, cũng nhưng triển khai các chương trình kết nối hệ thống vận tải trong nước và quốc tế, cũng như các đơn vị làm dịch vụ logistis.

Nguyễn Hạnh(Gỗ Việt, Số 135, tháng 7 năm 2021)