Từ hồn quê tới thế giới
Tre là loại cây rất thân thuộc trong đời sống và văn hóa các nước châu Á nhưng các ứng dụng truyền thống của cây tre đều sử dụng tre nguyên bản và dựa trên nền sản xuất thủ công nghiệp nên các sản phẩm thường mang giá trị thấp và chỉ phổ biến ở các vùng nông thôn.
Cuộc cách mạng ở Việt Nam
Sự phát triển và hoàn thiện công nghệ xử lý và chế biến nguyên liệu tre để sản xuất các vật liệu tre kỹ thuật (engineered bamboo materials) và các sản phẩm phẩm hàng hoá khác có thể thay thế gỗ đã biến cây tre trước đây chỉ dùng cho ngành sản xuất thủ công trở thành một nghành công nghiệp mới mang lại hàm lượng giá trị cao hơn.
So với ngành sản xuất gỗ, ngành sản xuất tre công nghiệp mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho Việt Nam vì trừ keo ép phải nhập khẩu, toàn bộ nguyên liệu đầu vào khác được cung cấp trong nước. Hơn nữa ngành này còn đem lại nhiều giá trị hơn cho người dân trồng tre so với các ngành khác, do đó nó được coi là ngành giúp phát triển bền vững cho vùng miền núi và nông thôn. Việt Nam là một trong những nước thuận lợi để phát triển ngành tre công nghiệp với hơn 1,5 triệu ha rừng tre nguyên liệu chủ yếu tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc Thanh Hoá, Nghệ An, Hoà Bình, Sơn La... Mặc dù đã bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2005, tuy nhiên đến nay ngành sản xuất vật liệu tre công nghiệp ở Việt Nam vẫn còn rất nhỏ chưa xứng với tiềm năng. Hiện tại, có 5 doanh nghiệp có thể sản xuất tấm tre ép công nghiệp trong đó phần lớn là quy mô nhỏ, chỉ có một doanh nghiệp có quy mô lớn công suất trên 100,000 m3/năm có thể sản xuất được cả hai dòng sản phẩm tre ghép thanh và tre ép khối (Công ty cổ phần BWG Mai Châu). Phần lớn các doanh nghiệp này thực hiện toàn bộ các công đoạn sản xuất ra sản phẩm cuối cùng chứ không thực hiện theo chuỗi.
Tre công nghiệp ở Việt Nam được dự báo sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi chuỗi giá trị ngành tre được hình thành. Dưới sự tài trợ của Liên minh châu Âu, dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam" (SCBV) được tổ chức Oxfam tại Việt Nam hợp tác với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ (NTFPRC) đang thúc đẩy sự hình thành chuỗi giá trị ngành tre, được coi là chìa khoá quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành vật liệu tre công nghiệp Việt Nam, khi người tiêu dùng trên thế giới đang chuyển dịch mạnh mẽ sang sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường có thể thay thế gỗ, nhựa, thép... để bảo vệ hệ sinh thái, chống biến đổi khí hậu.
Sản phẩm tre đã dần trở nên phổ biến và được ưa thích vì nó đáp ứng được các tiêu chí bền, đẹp và thân thiện môi trường. Đến nay, rất dễ dàng có thể tìm thấy các sản phẩm làm từ vật liệu tre công nghiệp ở bất cứ siêu thị lớn nhỏ nào trên thế giới, từ sản phẩm gia dụng như thớt tre, giá kệ tre đến các sản phẩm bàn ghế tre. Tập đoàn IKEA của Thuỵ Điển đặt ra kế hoạch đến năm 2030 sẽ sử dụng toàn bộ vật liệu tái chế hoặc tái sinh trong chuỗi cửa hàng gia dụng, nội thất của mình là một ví dụ của sự chuyển dịch mạnh mẽ này. Xu hướng tiêu dùng xanh các sản phẩm từ tre công nghiệp mang lại cơ hội mới cho ngành chế biến gỗ Việt Nam. Nhu cầu về các sản phẩm từ tre công nghiệp từ Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nổ ra.
Sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng sang Việt Nam kết hợp với sự chuyển dịch mạnh mẽ của việc sử dụng vật liệu tre công nghiệp thay thế gỗ đã và đang tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam. Với cơ sở vật chất hiện có, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam có thể sản xuất thêm hoặc chuyển dịch sang sản xuất các sản phẩm từ vật liệu tre theo yêu cầu của khách hàng một cách dễ dàng mà gần như không phải đầu tư thêm. Sự tham gia của các doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam sẽ giúp hoàn thiện chuỗi giá trị phát triển bền vững cho ngành tre công nghiệp Việt Nam đồng thời giúp hiện thực hoá tiềm năng giá trị nhiều tỉ đô của ngành tre Việt Nam.
TS. NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Nhà sáng lập Công ty cổ phần BWG Mai Châu
(Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)
- Địa chỉ tin cậy số 127 tháng 10 năm 2020
- SIMOSOL: Thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển tốt hơn
- Doanh nghiệp với thiết kế đại chúng
- Làng mộc Liên Hà: Cách tân những giá trị truyền thống
- Doanh nghiệp Hào Hưng: Lời ước đầu xuân mới
- Ngành gỗ Bình Dương: Không để các nước mượn xuất xứ
- SUGI (bách Nhật Bản) biểu tượng cho gỗ Nhật
- Hinoki - Loài cây đại diện cho thực vật của Nhật Bản
- Gỗ sồi đỏ Hoa Kỳ: Mang nét New York đến những nhà hàng độc đáo nhất Hà Nội
- Công ty AA: Chung sức xây dựng thương hiệu gỗ Việt Nam
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025