Ngành gỗ Bình Dương: Không để các nước mượn xuất xứ

02/11/2019 04:10
Ngành gỗ Bình Dương: Không để các nước mượn xuất xứ

Trong khi các lĩnh vực khác ở ngành nông nghiệp đang lâm cảnh lao đao khi xuất khẩu liên tục giảm mạnh, chưa có dấu hiệu tăng trở lại, thì xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hiện đang có sực tăng trưởng ổn định suốt từ đầu năm đến nay. Ngành gỗ cả nước đang băng băng hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 11 tỉ USD trong năm 2019 

Tăng trưởng nhanh

Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 9/2019 ước đạt 890 triệu USD, tăng 22,7% so với với cùng kỳ 2018. Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu mặt hàng này ước đạt trên 7,9 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, Hoa Kỳ nhập khẩu nhiều nhất với giá trị 3,7 tỷ USD, tăng 32%; Nhật Bản 1,03 tỷ USD, tăng 15,7%; Trung Quốc: 850 triệu USD, tăng 1,2%...

Ngành gỗ Bình Dương chiếm tỉ trọng hơn 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước cũng đang có những cuộc bức phá ngoạn mục. Theo Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương(Bifa), gần 90% gái trị xuất khẩu gỗ Bình Dương đến từ các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU... Thực tế cho thấy những năm gần đây các DN sản xuất gỗ Bình Dương đã chịu khó đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty gỗ Lâm Việt – Thị xã Tân Uyên cho biết, để đáp ứng các đơn hàng từ những thị trường lớn, có giá trị cao, công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ 4.0... Để có thể chủ động nắm bắt các cơ hội mới và bảo đảm sự phát triển bền vững, công ty đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đổi mới công nghệ, đồng thời gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng... Theo Bifa, Bình Dương đang trở thành trung tâm chế biến, sản xuất gỗ lớn của khu vực. Ngành gỗ Bình Dương không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do ngành đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) rót vào địa phương này.

Thời cơ lẫn thách thức 

Ông Lưu Phước Lộc - GĐ Công ty gỗ Mtrade chia sẻ, nhu cầu từ thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác và từ Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ có giá trị gia tăng cao, rõ ràng đây là một thời cơ tốt cho ngành gỗ cả nước. Tuy nhiên vẫn còn  đó những thách thức, sự tăng trưởng nhanh ở thị trường Mỹ sẽ khiến quốc gia này sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng như nguy cơ Trung Quốc “mượn” nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Làn sóng đầu tư vào ngành gỗ từ các dự án FDI sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án này, có nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Bifa, ngành chế biến gỗ Việt Nam sẽ nắm giữ cơ hội lớn để tăng trưởng mạnh thị phần xuất khẩu. Điều cần thiết chính là các DN nội trong ngành chế biến gỗ cần có sự liên kết chặt chẽ cùng chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu. Trong bối cảnh làn sóng đầu tư FDI vào ngành gỗ đang tăng nhanh, nhà nước cần có quản lý chặt chẽ tình trạng “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, khi có một số DN FDI đầu tư vào Việt Nam chỉ nhằm để né thuế và lẫn tránh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, thay vì làm ăn đàng hoàng. Đó là điều các DN trong ngành đang quan ngại và cảnh báo. 

Theo Bifa đã có tình trạng, các nhà máy chế biến gỗ nội địa được mua bằng vốn của DN FDI dưới dạng cổ phần, tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất đi Mỹ. Bifa kiến nghị, cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể về những rủi ro trong các dự án đầu tư FDI đối với những sản phẩm xuất khẩu. Đó là việc mở rộng dự án, các dự án mua cổ phần, mua - bán sáp nhập DN… Cần đánh giá kỹ các dự án FDI vào ngành chế biến gỗ, bởi thực chất họ chỉ lấy giấy phép đầu tư để thuê thiết bị, nhà xưởng và nhân công Việt Nam sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ, khi thị trường này đang chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu gỗ của cả nước. 

"Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, cho đến thời điểm tháng 6/2019, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ".

PHÙNG HIẾU - GV 116