Mộc Liên Hà: Sự trở lại của giá trị thương hiệu
Với cái bắt tay hợp tác liên kết cùng Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (TAVICO) khi tham gia vào Chợ Gỗ Tây, làng nghề truyền thống mộc Liên Hà đang được trở lại với những giá trị truyền thống của mình, cùng với đó là một sự định danh đơn giản, được gọi đúng tên của làng nghề.
Mộc Liên Hà được mang đúng thương hiệu của mình
Những ngày cuối tháng 4/2021, tại Chợ Gỗ Tây – nơi quảng bá, giới thiệu và thúc đẩy mua – bán nhiều sản phẩm đồ gỗ đa dạng, sản phẩm mộc Liên Hà (Đan Phượng, Hà Nội) đã chính thức khai trương showroom giới thiệu sản phẩm của làng nghề tại đây. Buổi ra mắt, giới thiệu sản phẩm đánh dấu sự thành công của mô hình hợp tác liên kết đầu tiên giữa doanh nghiệp với làng nghề mộc tại thị trường nội địa. Sự thành công này không chỉ dừng lại ở mức độ giới thiệu các sản phẩm của Mộc Liên Hà tại phía Nam mà còn là dấu mốc đánh dấu Mộc Liên Hà được mang đúng thương hiệu của mình.
Là làng nghề có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất ,với các sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao và lâu bền, đa dạng về chủng loại, phong phú về kiểu dáng dùng trong gia đình, văn phòng, nhà hàng, khách sạn. Đã được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng và sử dụng. Tại showroom này rất nhiều hàng hóa được trưng bày bắt mắt với nhiều chủng loại được các bàn tay làng nghề thực hiện rất tinh xảo, nhưng giá cả phải chăng.
Ông Lê Phi Chiến - Giám đốc Công ty Cổ phần Mộc Đan Phượng (xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội) - chia sẻ, TP Đồng Nai có chợ gỗ đầu mối có vị thế rất đẹp, phân phối đi khắp các tỉnh miền Nam. Sự có mặt của showroom trong chợ gỗ của TAVICO là điều kiện để ngành gỗ của làng nghề mộc Liên Hà phát triển. “Sản phẩm hiện đại, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của giới trẻ, đây cũng là đối tượng chiếm phần lớn trong lượng tiêu dùng tại thị trường phía Nam cũng như cả nước. Giá cả hợp lý do được đầu tư công nghệ kỹ thuật cao, nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp, thân thiện với môi trường”, ông Lê Phi Chiến nói thêm. Việc đưa sản phẩm Liên Hà đến gần hơn với thị trường phía Nam - một thị trường sôi động - sẽ tạo ra những lợi thế nhất định cho làng nghề này, ngoài ra, còn giúp cho người tiêu dùng khu vực phía Nam có thêm một sự lựa chọn cho nhu cầu mua sắm của mình. Sẽ không chỉ dừng lại ở đây, sau khi khai trương showroom, ông Lê Phi Chiến cho biết, phía Liên Hà sẽ tiến hành quảng bá rộng khắp khu vực phía Nam, đưa sản phẩm làng nghề mộc Liên Hà tiếp cận với người tiêu dùng khu vực Đồng Nai cũng như khu vực phía Nam này. Nói về thành công của mô hình liên kết tại “Lễ khai trương showroom giới thiệu sản phẩm làng nghề mộc Liên Hà, Đan Phượng”, ông Nguyễn Quang Lục – Bí thư xã Liên Hà, Đan Phượng- nhận định: Từ lâu sản phẩm mộc Liên Hà, Đan Phượng đã có mặt tại thị trường phía Nam nhưng chưa được khách hàng biết tới đó là sản phẩm của làng nghề. Nay, với sự hợp tác với TAVICO, sản phẩm mộc Liên Hà đã được khách hàng “gọi đúng tên”. Về phía đại diện chính quyền xã, chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác này và luôn tạo mọi điều kiện để ủng hộ các đơn vị sản xuất tại Làng nghề mộc Liên Hà, Đan Phương.
Sẽ có sự hiện diện nhiều hơn sản phẩm các làng nghề tại Chợ Gỗ Tây
Nhằm mục đích kết nối – liên kết giữa các làng nghề mộc phía Bắc với các doanh nghiệp tại Đồng Nai sau thành công của mô hình liên kết hợp tác phân phối sản phẩm đồ gỗ của làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng) với TAVICO tại Chợ Gỗ Tây, ngày 28/4 vừa qua, Viện Lâm nghiệp châu Âu phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức đoàn thăm quan, trao đổi và học tập kinh nghiệm sản xuất cho các đơn vị sản xuất tại hai làng nghề mộc Liên Hà (Đan Phượng) và làng nghề gỗ Vạn Điểm của Hà Nội tại Chợ gỗ TAVICO tại Long Bình. Chợ gỗ TAVICO tại Long Bình có tổng diện tích trên 50 ha, được phân thành các khu xẻ, khu sấy, khu giới thiệu gỗ của các nước, khu giới thiệu máy móc thiết bị ngành gỗ, và giới thiệu các loại gỗ tại Việt Nam. Ngoài kinh doanh dịch vụ gỗ xẻ sấy cho các nhà máy chế biến đồ gỗ xuất khẩu. TAVICO còn áp dụng các biện pháp công nghệ để xây dựng nhà gỗ. Mỗi nhà gỗ có diện tích từ 40 m2 với chi phí khoảng 100 USD/ m2. TAVICO đã dựng các nhà gỗ tại các khu resort tại Quy nhơn.
Chia sẻ trong chuyến đi thực tế, ông Nguyễn Phúc Điệp – Phó chủ tịch làng nghề gỗ Vạn Điểm - cho biết, chuyến đi đã giúp cho nhóm các đơn vị tại làng nghề có thêm những kinh nghiệm về nghề hết sức quý báu. Giá trị của sản phẩm đồ gỗ không phải chỉ được tạo thành từ các loại gỗ tự nhiên quý, hiếm mà từ các loại gỗ thông thường như keo/tràm cũng tạo ra giá trị của sản phẩm và sức hấp dẫn của nó bởi sự sáng tạo về mẫu mã, công nghệ gia công, xử lý bề mặt. Cũng theo ông Nguyễn Phúc Điệp, làng nghề gỗ Vạn Điểm, một trong những làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ từ gỗ tự nhiên. Tại Chợ Gỗ Tây, sản phẩm của Vạn Điểm đã có mặt tại đây, nhưng hầu hết mang thương hiệu của các đơn vị phân phối. “Với bước đi đầu tiên của mộc Liên Hà, Làng nghề gỗ Vạn Điểm sẽ và đang hướng tới giới thiệu thương hiệu gỗ Vạn Điểm tại Chợ Gỗ Tây”, ông Nguyễn Phúc Điệp nhìn thấy nhiều cơ hội ở phía trước. Ông Võ Quang Hà – Tổng giám đốc TAVICO - chia sẻ, chúng tôi mong muốn tất cả sản phẩm làng nghề của Việt Nam ở khắp nơi trên cả nước, khi sản xuất ra có thể đưa tới tay người tiêu dùng cuối, để họ có được sự lựa chọn tốt nhất – những sản phẩm do chính những người thợ - mang tinh hoa của người Việt Nam làm ra. “Sự có mặt của Mộc Liên Hà là bước khởi đầu để TAVICO có thêm 1 nhà phân phối có mặt tại Chợ Gỗ Tây và để khách hàng tại miền Nam Việt Nam có nhiều lựa chọn hơn nữa. TAVICO mong muốn mỗi sản phẩm của làng nghề trên cả nước đều có mặt tại Chợ Gỗ Tây”, ông Võ Quang Hà khẳng định.
Với sự bắt tay liên kết giữa doanh nghiệp và làng nghề được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm của 2 làng nghề tại thị trường miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Mặt khác, với sự đa dạng hóa các sản phẩm đồ nội thất khác nhau của các vùng miền tại TAVICO đây cũng sẽ là điều kiện tốt để khách hàng, người tiêu dùng có được những lựa chọn tốt nhất sản phẩm mình yêu thích.
Hà Anh (Gỗ Việt số 133, tháng 05/2021)
- Mộc Liên Hà: Liên kết để tạo sức bật tại thị trường gỗ nội địa
- Từ hồn quê tới thế giới
- Địa chỉ tin cậy số 127 tháng 10 năm 2020
- SIMOSOL: Thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển tốt hơn
- Doanh nghiệp với thiết kế đại chúng
- Làng mộc Liên Hà: Cách tân những giá trị truyền thống
- Doanh nghiệp Hào Hưng: Lời ước đầu xuân mới
- Ngành gỗ Bình Dương: Không để các nước mượn xuất xứ
- SUGI (bách Nhật Bản) biểu tượng cho gỗ Nhật
- Hinoki - Loài cây đại diện cho thực vật của Nhật Bản
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh