Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS): Bước ngoặt trong thực hiện quản lý rừng bền vững

22/12/2020 05:59
Chứng chỉ rừng Việt Nam (VFCS):  Bước ngoặt trong thực hiện quản lý rừng bền vững

Sự phát triển vượt bậc của ngành chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam suốt hai thập kỉ qua, cùng với yêu cầu về tính hợp pháp của thị trường thế giới, cũng như các cam kết thương mại mà Việt Nam đã kí, khiến quản lý rừng bền vững  trở thành xu thế và là yêu cầu bắt buộc.

Thực tế thì quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (QLRBV& CCR) được thực hiện ở Việt Nam từ rất sớm, nó là một xác nhận sau khi khu rừng được giám sát, đánh giá chặt chẽ, thể hiện nguồn nguyên liệu gỗ khai thác bền vững, hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.Thực tế thì quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng (QLRBV& CCR) được thực hiện ở Việt Nam từ rất sớm, nó là một xác nhận sau khi khu rừng được giám sát, đánh giá chặt chẽ, thể hiện nguồn nguyên liệu gỗ khai thác bền vững, hợp pháp theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Về lợi ích kinh tế, nguyên liệu được khai thác từ rừng có chứng chỉ có nhiều cơ hội thâm nhập, ổn định và bền vững vào các thị trường khó tính, như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, từ đó gia tăng giá trị sản xuất ổn định của người trồng rừng cũng như doanh nghiệp chế biến. Sau nhiều năm nỗ lực, cả nước đã có khoảng 270 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ. Nhưng so với yêu cầu và mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xác định phải có ít nhất 500 nghìn ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ trong năm 2020, thì hiện tại vẫn còn là khoảng cách khá xa.

Theo Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn, Chính phủ đã đóng cửa rừng tự nhiên nhưng nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước vẫn tăng lên. Sản phẩm được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ là sản phẩm uy tín, giúp quá trình đánh giá chuỗi sản xuất tốt. Với lợi thế đó, sẽ giảm trách nhiệm giải trình cho người sản xuất, xuất khẩu, giảm thủ tục hành chính cũng như những tranh chấp phi thuế quan, nhất là việc truy xuất nguồn gốc, tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan.

Để thúc đẩy QLRBV& CCR ở Việt Nam, Bộ NNPT&NT đã ban hành Thông tư số  28/2018/TT-BNN trong đó quy định Bộ tiêu chí quản lý rừng bền vững của Việt Nam, phù hợp với quy định của các tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ rừng có uy tín của thế giới, bảo đảm yếu tố bền vững trên cả 3 phương diện kinh tế, xã hội và môi trường.

Thực hiện Bộ tiêu chí này, đã có 11.423 ha rừng cao su tại 3 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và khoảng 850 ha rừng của Nhóm hộ nông dân của tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp chứng chỉ quản lý bền vững.Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam khẳng định, sau thí điểm thành công năm 2019, năm 2020 sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo hệ thống quốc gia cho khoảng 50.000 ha và toàn bộ diện tích 300 ngàn ha vào năm 2025.   

Hiện nay, chi phí để được cấp chứng chỉ từ các tổ chức quốc tế khá cao. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận việc cấp chứng chỉ của Việt Nam với chất lượng tương đương, giá giảm tối thiểu 1/3. Điều này giúp giảm chi phí, mở ra cơ hội cho nhiều chủ rừng, doanh nghiệp. Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững của Việt Nam là mong muốn khẳng định quyết tâm thúc đẩy nhanh hơn, quyết liệt hơn chương trình QLRBV. Đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh và thương hiệu Việt Nam đã được bạn bè quốc tế thừa nhận.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân đang quản lý khoảng 1,7 triệu ha rừng trồng có thể thực hiện QLRBV&CCR. Đồng thời cũng yêu cầu có cơ chế để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hiện quản lý khoảng 680.000 ha rừng trồng phải thực hiện quy định về QLRBV và được cấp chứng chỉ rừng sớm nhất. Bảo đảm mục tiêu đến năm 2025 cơ bản gỗ rừng trồng trong nước có chứng chỉ. Đây cũng là điều kiện tiên quyết phải đạt để giữ vị thế, uy tín, thương hiệu cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, thực hiện mục tiêu đạt 20 tỷ USD giá trị xuất khẩu vào năm 2025.

BBT Gỗ Việt