Bản lề cho sự phát triển ngành gỗ

03/10/2020 12:23
Bản lề cho sự phát triển ngành gỗ

Một lần nữa, chủ trương của Đảng và Nhà nước về pháp luật Lâm nghiệp và sự phát triển của ngành gỗ, được thể chế hóa thông qua Nghị định 102 của Chính phủ quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp, tạo khung pháp lý để bảo đảm gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam được khai thác, nhập khẩu, mua bán, chế biến, xuất khẩu hợp pháp và từ đó thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ. 

Việc xây dựng và đưa Nghị định này có hiệu lực vào tháng 10 là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong việc nội luật hóa các cam kết của Hiệp định VPA/ FLEGT giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu. Đó là nhận thức sâu sắc và cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam, khu vực tư nhân và các bên liên quan trong vấn đề chống, loại trừ gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp khỏi các chuỗi cung sang các thị trường quốc tế và ngay tại thị trường trong nước.

Chúng ta hi vọng, Nghị định 102 sẽ tạo ra một lực đẩy mạnh mẽ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong thời gian tới khi yêu cầu ngành gỗ thực thi pháp luật trong nước và những cam kết quốc tế một cách minh bạch rõ ràng.

Ông Koen Duchateau, Trưởng ban hợp tác, phái đoàn EU đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã cam kết xây dựng Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, nâng cao hiệu quả cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm và bảo đảm hiệu lực thực thi pháp luật. Phạm vi của cam kết này bao gồm gỗ nhập khẩu, một trọng điểm đã được EU ưu tiên trong suốt quá trình đàm phán. Nói cách khác, gỗ khai thác trái phép và các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này sẽ không được phép tham gia vào chuỗi cung ứng trong Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp mà Việt Nam chuẩn bị có hiệu lực vào tháng 10.

Nó không chỉ tạo ra nền tảng cho toàn bộ các yếu tố của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam từ các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, các làng nghề kinh doanh trong lĩnh vực này, cho tới 1,4 triệu hộ nông dân trồng rừng được hoạt động một cách mạnh mẽ, an toàn và bền vững mà còn mở ra một cơ hội lớn trong việc phát triển rộng rãi trên thế giới khi ngành gỗ đảm bảo được những tiêu chí và tiêu chuẩn quốc tế.

Khi Nghị định 102 được vận hành trơn tru cũng là lúc các yếu tố của ngành công nghiệp gỗ được hưởng lợi rõ ràng, vì hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp sẽ hỗ trợ tích cực trong việc điều tra nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, chống gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa, giúp cho ngành gỗ và các doanh nghiệp nâng cao được tính sáng tạo và xây dựng được thương hiệu gỗ riêng biệt trên thị trường thế giới. 

Cẩm Lê  (Gỗ Việt số 126, tháng 9/2020)