Gỗ dán: Còn nhiều dư địa phát triển

30/05/2021 14:42
Gỗ dán: Còn nhiều dư địa phát triển

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ dán của Việt Nam đã tăng trưởng nhanh. Từ một nước chỉ chiếm khoảng 1% thị phần xuất khẩu gỗ dán trên thế giới vào năm 2015, đến nay Việt Nam đã chiếm 5% tổng thị phần xuất khẩu toàn cầu, đứng vị trí thứ 5 thế giới về xuất khẩu sản phẩm này.

Việt Nam xuất khẩu gỗ dán tăng gấp 3 lần trong 5 năm Năm 2015

Xuất khẩu gỗ dán chỉ đạt 724 nghìn m3 với giá trị khoảng 200 triệu USD, thì đến năm 2020 xuất khẩu mặt hàng này lên tới 2,09 triệu m3, đem về kim ngạch 659,74 triệu USD cho ngành gỗ Việt. Mặc dù chịu ảnh hưởng của tác động kép là đại dịch Covid -19 và các cuộc điều tra phòng vệ thương mại ở hai thị trường chính là Mỹ và Hàn Quốc, nhưng lượng xuất khẩu gỗ dán trong năm 2020 vẫn tăng nhẹ (1%) so với năm 2019; tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã giảm 4%, xuống còn 660 triệu USD. Suy giảm này chủ yếu diễn ra trong quý 2 năm 2020, lúc cao điểm của của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam. 

Hiện có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, và Thái Lan. Năm nước này cùng chiếm trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam trong năm 2020 vào tất cả các thị trường. Trong đó, đứng đầu là thị trường Hàn Quốc, đã nhập 805,19 nghìn m3 gỗ dán từ Việt Nam trong năm vừa qua, đạt 211,03 triệu USD; giảm 2% về lượng và 3% về giá trị so với năm 2019; chiếm 38% tổng lượng gỗ dán Việt Nam xuất khẩu. Thứ hai là Mỹ, thị trường này đã nhập trên 517,88 nghìn m3 gỗ dán Việt Nam trong năm 2020, đạt 243,52 triệu USD; chiếm 25% tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 37% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Xuất khẩu gỗ dán sang thị trường Mỹ tuy ổn định về lượng, nhưng giảm 8% về giá trị so với năm 2019. 

"Hiện có khoảng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ gỗ dán Việt Nam, nhưng xuất khẩu gỗ dán chủ yếu tập trung ở 5 nước gồm: Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, và Thái Lan. Năm nước này cùng chiếm trên 84% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ Việt Nam trong năm 2020 vào tất cả các thị trường.

Tiếp đến, Việt Nam đã xuất khẩu 231,71 nghìn m3 sang Malaysia đem về 62,81 triệu USD trong năm 2020; tăng 29% về lượng và 21% về giá trị so với năm 2019; chiếm 11% tổng lượng gỗ dán xuất khẩu. Thị trường Nhật Bản chiếm giữ vị trí thứ 4, với 170,2 nghìn m3 gỗ dán và mang lại cho Việt Nam kim ngạch 43,24 triệu USD từ quốc gia này; tăng 5% về lượng và 2% về giá trị so với năm 2019; chiếm 8% tổng lượng gỗ dán xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2020, Thái Lan nhập 144,44 nghìn m3 Việt Nam, đạt 42,92 triệu USD; tăng 33% về lượng và 32% về giá trị so với năm 2019, chiếm 7% tổng lượng xuất khẩu mặt hàng gỗ dán nước ta. 

Xuất khẩu gỗ dán còn nhiều triển vọng

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, gỗ dán có các ưu điểm nổi trội như, chi phi tiết kiệm hơn, kích thước lớn hơn so với sử dụng gỗ solid, không co ngót, cong vênh; bề mặt linh hoạt có thể phủ mặt ngoài bằng mica, veneer như mong muốn và hơn thế nữa là tính bền vững của gỗ dán, tận dụng đối đa nguồn nguyên liệu. Gỗ dán đang là xu hướng chính đang tạo nên dấu ấn trong thế giới thiết kế khi được sử dụng phổ biến, không chỉ làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các mặt hàng đồ gỗ mà còn làm vật liệu trong ngành xây dựng, trang trí nội thất ván sàn, bao bì và các sản phẩm đồ gỗ khác.

Theo phân tích của ITC cho thấy rằng hàng năm nhu cầu tiêu dùng gỗ dán ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm thế giới bỏ ra khoảng 16-17 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3. TOP 5 quốc gia xuất khẩu gỗ dán lớn nhất thế giới đã được xác lập lần lượt theo thứ tự gồm: Trung Quốc, Indonesia, Nga, Malaysia và Việt Nam. rung Quốc hiện vẫn là quốc gia cung cấp gỗ dán hàng đầu thế giới, chiếm trên 30% thị phần toàn cầu cả về lượng và giá trị. Trong năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Trung Quốc đạt 4,5 tỉ USD, tương đương trên 5,4 triệu m3. Năm 2020, cả lượng và giá trị xuất mặt hàng này ra thế giới của Trung Quốc đều giảm 10% so với năm trước đó, đạt gần 5 triệu m3. Indonesia là quốc gia cung cấp gỗ dán đứng ở vị trí thứ hai, với kim ngạch năm 2019 đạt 1,7 tỉ USD, chiếm 11% thị phần của thế giới. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Indonesia đã giảm 5% so với năm 2019. Xuất khẩu gỗ dán của Nga đạt 1,14 tỉ USD, chiếm 8% thị phần thế giới trong năm 2020. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Nga giảm khoảng 5% so với năm trước đó. Malaysia xuất khẩu gỗ dán đạt 821,78 triệu USD vào năm 2019, chiếm khoảng 6% thị phần thế giới. Trong năm 2020 kim ngạch xuất khẩu gỗ dán của Malaysia giảm 14% so với năm 2019. Cùng với xu hướng tiêu dùng của thế giới tiếp tục chuyển dịch sang việc sử dụng các vật liệu thân với môi trường, vật liệu tái chế và tái sử dụng nhiều lần ưa chuộng đồ nội thất nhẹ, tối giản, thời trang với xu hướng sử dụng ngày càng nhiều các vật liệu ván công nghiệp trong tương lai và gỗ dán là một trong những loại gỗ kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhất. Trong tương lai ngành sản xuất gỗ dán của Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển.

"Hàng năm nhu cầu tiêu dùng gỗ dán ngày càng tăng, trung bình mỗi năm thế giới bỏ ra khoảng 16-17 tỉ USD để nhập khẩu mặt hàng này, với lượng nhập khoảng 32-34 triệu m3 .

 

Vũ Huy (Gỗ Việt số 133, tháng 05/2021)