Ngành gỗ với sức ép hoàn thuế giá trị gia tăng

02/04/2021 09:51
Ngành gỗ với sức ép hoàn thuế  giá trị gia tăng

Tổng cục Thuế đang thực hiện một loạt biện pháp nhằm siết chặt quản lý đối với hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp dăm gỗ, gỗ thành phẩm. 

Kiểm soát rủi ro

Vừa qua, sự việc liên quan đến số tiền thuế GTGT chưa được giải quyết hoàn thuế của Công ty Junma Phú Thọ đang được các doanh nghiệp trong ngành hết sức quan tâm, khi nó ảnh hưởng trực tiếp tới việc tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu sản phẩm dăm gỗ hoặc gỗ thành phẩm. 

Trước đó thì các cơ quan thuế cũng cảnh báo tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh hàng lâm sản (F0) có hồ sơ đề nghị hoàn thuế, nhưng có nhiều dấu hiệu rủi ro như những doanh nghiệp có sản lượng gỗ nguyên liệu mua vào nhiều nhưng mua của các doanh nghiệp vùng nguyên liệu rất ít. Bên cạnh đó, còn có trường hợp những doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu thấp, có những doanh nghiệp mới thành lập nhưng có số lượng ván bóc bán cho các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng rất lớn, có tính chất đột biến. Mặt khác, có một số trường hợp các công ty bán hàng cho doanh nghiệp hoàn thuế (F1) có mối liên hệ liên kết với doanh nghiệp hoàn thuế (F0) như kế toàn trưởng, kế toàn viên và chủ doanh nghiệp có quan hệ vợ chồng, anh chị em trong cùng gia đình. 

Không chỉ vậy, nhiều trường hợp các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh với cơ quan thuế hoặc được thành lập tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Và có cả tình trạng doanh nghiệp bán hàng hóa cho các doanh nghiệp F1 (gọi là doanh nghiệp F2) phần lớn là bỏ địa chỉ kinh doanh. Như vậy, áp lực với ngành gỗ tiếp tục tăng lên trong quý đầu tiên năm 2021, khi Tổng cục Thuế đã có văn bản yêu cầu Cục thuế các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện một loạt biện pháp nhằm siết chặt quản lý đối với hoàn thuế giá trị gia tăng. Trong đó, rà soát thuế đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xác định rõ nguồn gốc gỗ trên cơ sở thu thập tài liệu, hồ sơ, chứng từ chứng minh quá trình mua hàng, chi phí vận chuyển, bốc xếp… 

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Làm thế nào để giải quyết vướng mắc trong giải quyết hoàn thuế với các doanh nghiệp trong ngành gỗ đang được hết sức quan tâm. Theo ông Vũ Chí Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng cục đã nhận được báo cáo của một số Cục thuế liên quan đến vướng mắc trong giải quyết hoàn thuế đối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu trong lĩnh vực dăm gỗ, gỗ thành phẩm, và đang tích cực làm việc để gỡ khó vấn đề này cho các doanh nghiệp. Ông khuyến nghị, điều quan trọng nhất các doanh nghiệp cần làm là cung cấp đầy đủ bảng kê, hoá đơn hàng hoá, các chi phí vận chuyển, bốc xếp, máy móc, thiết bị, chứng từ thanh toán… cho các cơ quan quản lý thuế. 

Cùng lúc đó, đối với đơn vị thuế thì thường xuyên rà soát tình hình hoạt động của doanh nghiệp thông qua việc giám sát hồ sơ khai thuế. Nếu các doanh nghiệp lớn thì theo dõi qua tháng, còn doanh nghiệp vừa thì theo quý. Ngoài ra, trong quá trình làm hồ sơ thuế sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan đăng ký kinh doanh. Khi doanh nghiệp đăng ký xong nhưng không hoạt động, sẽ gửi thông báo cho bên phía công an hay đơn vị đăng ký kinh doanh để xử lý. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Năm năm 2020 cán mốc 12,5 tỉ USD, nhưng nền tảng này không giúp Việt Nam tránh khỏi những rủi ro của năm 2021. Ngành gỗ Việt Nam tiếp tục chịu sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá từ Hoa Kỳ, từ Hàn Quốc, cụ thể đối với mặt hàng gỗ dán có liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, lẩn tránh thuế. Nguy cơ Chính phủ Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với các mặt hàng gỗ này của Việt Nam là rất lớn. Ông Phùng Gia Đức, Phó Trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ Thương mại của Bộ Công thương, cho biết, năm 2020, Việt Nam đang bị điều tra 37 vụ việc, bao gồm Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm gỗ dán và Ấn Độ điều tra chống bán phá giá đối với gỗ ván MDF.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam cũng đang thay đổi về cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Nghị định 102 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2020 quy định hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp thiết lập các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu. Nghị định quy định gỗ nhập khẩu được quản lý rủi ro theo các tiêu chí xác định quốc gia thuộc vùng địa lý tích cực hoặc không tích cực, loại gỗ thuộc loại rủi ro hoặc không thuộc loại rủi ro. Thực hiện Nghị định này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định 8432 ngày 27/11/2020 vừa qua, công bố Danh sách vùng địa lý tích cực và Danh mục các loài gỗ nhập khẩu vào Việt Nam.

Thuế GTGT là sắc thuế hiện đại và có tính tương đối rõ ràng. Những biện pháp này cần nhưng chưa đủ để thay đổi, cũng như giảm xuống mức thấp nhất tình trạng gian lận thuế giá trị gia tăng. Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu nghiên cứu, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, hoạt động nhập khẩu về, xuất khẩu đi và tiêu thụ trong nước còn nhiều kẽ hở. Trong khi đó việc quản lý các doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cũng chưa được làm tốt, cần “Giám sát và kiểm tra thường xuyên, nhất là kiểm tra liên ngành, có thể giảm thiểu tình trạng này”, ông Thịnh nói. 

Nguyễn Hoàng (Gỗ Việt số 131, tháng 03/2021)