Nhận diện thách thức năm 2021: Gạt bỏ lực cản, tiến tới mục tiêu

31/12/2020 09:26
Nhận diện thách thức năm 2021: Gạt bỏ lực cản, tiến tới mục tiêu

Bất chấp các biến động từ dịch Covid-19 và thương chiến Mỹ-Trung, ngành gỗ Việt Nam vẫn có những bước phát triển mạnh mẽ trong năm 2020, cho đến thời điểm hiện tại, thị trường thế giới cũng đã có sự chuyển dịch tích cực và các doanh nghiệp gỗ đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ đối tác nước ngoài, đó là lý do để ngành gỗ hướng tới năm 2021 với nhiều mục tiêu cao hơn.

Tuy nhiên, để giảm bớt các lực cản phát triển, cũng như giảm tối đa rủi ro gây hại cho sự tăng trưởng của ngành gỗ trong năm tới, các quan quản lý nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp cần nhận diện rõ ràng những thách thức tác động tới ngành, trong đó, vẫn nhấn mạnh tới rủi ro về gian lận thương mại, lẩn tránh xuất xứ, đầu tư núp bóng từ một số doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang hoạt động tại Việt Nam.  Theo ông Đỗ Xuân Lập, đây là vấn đề lớn nhất, bức thiết nhất, cần được giải quyết ngay và không được chậm trễ hơn nữa, khi các tín hiệu rủi ro tiếp tục xuất hiện trong một số mặt hàng khác, đặc biệt là tủ bếp và ghế sofa. 

Đến nay, mặc dù Chính phủ và các bộ ngành đã và đang có những cơ chế kiểm soát loại hình rủi ro về gian lận, trong đầu tư, chúng ta cần phải có các cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết hiệu quả vấn đề này. Bên cạnh đó là rủi ro về tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhiệt đới nhập khẩu phục vụ tiêu dùng nội địa. Mỗi năm chúng ta nhập khẩu khoảng 4-5 triệu m3 gỗ nguyên liệu, trong đó bao gồm khoảng 1,5 triệu m3 là gỗ tự nhiên (gỗ nhiệt đới) chiếm khoảng 20-30% trong tổng lượng gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Nguồn gỗ nhiệt đới là gỗ khai thác từ rừng nhiên và luôn tiềm ẩn các khía cạnh rủi ro về nguồn gốc. Hầu hết lượng gỗ nhiệt đới nhập khẩu vào Việt Nam là để phục vụ thị trường nội địa. Do tiềm ẩn rủi ro, toàn bộ các mặt hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện nay không sử dụng gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu.

Liên tiếp trong những năm gần đây, các tổ chức môi trường quốc tế đưa ra các cáo buộc về Việt Nam nhập khẩu gỗ lậu từ Lào, từ Campuchia. Gần đây nhất, vào tháng 11, tổ chức Điều tra Môi trường của Mỹ cáo buộc sáu doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động khai thác, vận chuyển và nhập khẩu gỗ bất hợp pháp từ Cameroon nhưng chúng ta vẫn đang bỏ ngỏ kiểm soát chặt chẽ về tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ. Giải đáp cho vấn đề giảm thiểu gian lận thương mại, bà Trần Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, VCCI đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành gồm các đại diện của Bộ Công thương, Bộ Công an, Tổng cục hải quan, Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam và các chuyên gia về lĩnh vực gỗ đã tiến hành kiểm tra đánh giá qui trình sản xuất và nhà xưởng của các công ty xuất gỗ ván ép và gỗ nội thất trước khi hoặc sau khi cấp C/O, để không cho các công ty lợi dụng xuất xứ Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. Ngoài ra, cơ quan hải quan cũng tăng cường việc soi chiếu các lô hàng nhập khẩu từ Trung Quốc để phát hiện kịp thời các khai báo sai của doanh nghiệp so với thực tế.  

Bà Hương cũng đề nghị, sớm thành lập một Trung tâm hoặc Ủy ban về xuất xứ hàng hóa gồm đại diện các chuyên gia đến từ các các cơ quan bộ ngành, Hiệp hội ngành hàng … để thống nhất xác định xuất xứ cho các sản phẩm gỗ đặc thù và tiến tới thực hiện các yêu cầu xác định trước xuất xứ hàng hóa. Cũng giống với bà Hương, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, Chính phủ phải kiểm soát chặt chẽ gian lận thương mại, bao gồm cả các dự án đầu tư nước ngoài đặc biệt là các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ giản đơn, sản xuất các mặt hàng có tín hiệu gian lận, có nguồn vốn từ Trung Quốc, giảm thâm hụt thương mại trong các mặt hàng gỗ giữa Việt Nam và Mỹ. Tăng cường cơ chế về kiểm soát chống lẩn tránh, trốn xuất xứ, tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu bán thành phẩm đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng gỗ đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ. 

Xuân Lâm (Gỗ Việt số 129, tháng 12/2020)