Ứng xử với thiên nhiên: Trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ
Giờ này khi chúng ta đang ngồi đây thì hàng nghìn hộ gia đình ở khu vực miền Trung vẫn đang vật lộn từng ngày, từng giờ với những hậu quả của bão lũ. Hậu quả này là kết quả của việc chúng ta ứng xử với thiên nhiên chưa đúng đắn
Nghị trường Quốc hội và xã hội đang nóng bởi những tranh luận về nguyên nhân gây ra lũ lụt, lở đất. Các nguyên nhân được nêu tên bao gồm thủy điện, chuyển đổi rừng sang cây công nghiệp, gỗ lậu, phát triển rừng trồng, quản lý lâm nghiệp chưa hiệu quả… Tuy nhiên, nói như Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu tại Nghị trường ngày 3/11 vừa qua, chúng ta không thể cứ mãi khắc phục các hậu quả bão lũ bằng lòng tốt. Điều chúng ta cần làm là thay đổi cách ứng xử của chúng ta, bao gồm cộng đồng doanh nghiệp trong ngành nói riêng và toàn xã hội nói riêng, với thiên nhiên, đặc biệt với tài nguyên rừng tại Việt Nam hiện nay.
Việt Nam có 14,6 triệu ha rừng hiện nay, độ che phủ gần 42% và còn tăng lên khi diện tích rừng mở rộng. Tuy nhiên, chất lượng của rừng tự nhiên vẫn tiếp tục giảm. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, diện tích rừng hiện tại của Việt Nam chỉ có 15% là giàu về trữ lượng, trong khi có tới 35% trong tổng số diện tích là rừng nghèo kiệt. Hình ảnh nhiều cây gỗ được trôi theo dòng nước lũ và phủ kín trên mặt các hồ, sông suối là những gì mà chúng ta thấy trên báo chí, ti vi… Bão lũ làm lộ thiên thực trạng rằng rừng tự nhiên của Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị “rỗng ruột hóa”.
Hầu hết hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các Hiệp hội chúng ta ở đây không phải là nguyên nhân gây ra mất rừng và suy thoái rừng. Sản phẩm của chúng ta sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ nguồn rủi ro thấp. Chúng ta không trực tiếp là những người gây ra các hậu quả tiêu cực về lũ lụt, lở đất. Tuy nhiên, chúng ta có vai trò gián tiếp. Hàng năm, nguồn gỗ tự nhiên, bao gồm cả nguồn gỗ khai thác lậu và gỗ nhập khẩu rủi ro cao vẫn được tiêu thụ tại thị trường nội địa, thói quen sử dụng gỗ tự nhiên, bao gồm các loại gỗ quý vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ trong xã hội.
Ông Đỗ Xuân Lập Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Chúng ta ngồi đây chưa dành mối quan tâm thích đáng cho thị trường nội địa. Chúng ta chưa thực sự quan tâm tới nguồn tài nguyên rừng trong nước, đặc biệt là các diện tích rừng tự nhiên còn lại. Chúng ta bỏ qua sự mất mát to lớn của nguồn đa dạng sinh học. Chúng ta cũng chưa có sự đồng cảm sâu sắc với các cộng đồng đồng bào dân tộc sống dựa vào nguồn tài nguyên rừng. Và điều này đã và đang tiếp tục làm cho hình ảnh của ngành gỗ chúng ta trở nên xấu xí trong mắt nhiều người dân.
Chúng ta có một phần trách nhiệm tạo ra hình ảnh này. Do vậy chúng ta có trách nhiệm phải thay đổi hình ảnh này. Các doanh nghiệp trong ngành cần đồng lòng hỗ trợ xây dựng một ngành gỗ có trách nhiệm, một ngành lâm nghiệp bền vững. Chúng ta thực hiện trách nhiệm này bằng việc ký Cam kết Phát triển ngành gỗ Việt Nam bền vững và có trách nhiệm. Chúng ta sẽ huy động đủ nguồn lực, thông qua việc hình thành Quỹ Vì một Việt Nam Xanh để triển khai các hoạt động đề ra trong Cam kết này.
Chúng ta cần có những cam kết mạnh mẽ đối với một ngành gỗ bền vững. Bắt đầu từ ngay bây giờ, các doanh nghiệp trong cộng đồng ngành gỗ của chúng ta phải thể hiện trách nhiệm xã hội của mình. Điều này sẽ làm thay đổi cách ứng xử của chúng ta với thiên nhiên.
(Gỗ Việt số 128, tháng 11/2020)
- Giữa đại dịch Trung Quốc vẫn tăng đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam
- Điểm mặt rủi ro, loại bỏ gian lận
- Ghế Sofa: Đối diện rủi ro gian lận xuất xứ
- Hội thảo: Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam
- Đối thủ tại phân khúc tủ bếp: Nhìn rõ đối thủ, đưa tủ bếp lên ngôi
- Chế biến tủ bếp: Tấn công thị trường 7 tỉ USD
- Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp
- Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản
- Cần làm rõ việc áp thuế với gỗ ghép thanh
- Hệ lụy từ sự “bất thường” của gỗ dán
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu