Hệ lụy từ sự “bất thường” của gỗ dán
Cuộc điều tra của Mỹ sẽ góp phần thanh lọc các doanh nghiệp gỗ dán làm ăn không bài bản, trong khi các doanh nghiệp làm ăn kinh doanh thật sự nên coi đây là một cơ hội, không phải là thách thức.
Junma Phú Thọ đang xoay xở giữa căng thẳng ngày một tăng của các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc và Mỹ. Tại Mỹ, nơi công ty này chiếm lĩnh hơn 30% thị trường gỗ dán, Junma Phú Thọ đang gặp khó khăn hơn bao giờ hết để vừa giữ được thị phần, vừa xử lý được những vướng mắc liên quan đến điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ dán nhập khẩu vào thị trường này.
Bây giờ, việc Công ty Junma Phú Thọ cần làm là chứng minh được nguyên liệu đầu vào đều ở Việt Nam. “Chúng tôi đang chuẩn bị hồ sơ, chứng từ liên quan”, ông Cù Đức Hoàng Tài, đại diện Junma Phú Thọ, cho biết. Kinh nghiệm từ vụ áp thuế bán phá giá mới đây của Chính phủ Hàn Quốc lên doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam, trong đó Junma Phú Thọ chịu mức thuế 10,55%, việc điều tra sẽ không ảnh hưởng nhiều nếu doanh nghiệp có phương án giải trình tốt và thuê được luật sư tốt. “Chúng tôi đang xem xét việc thuê luật sư cho vụ việc này”, ông Tài nói.
Vào thời điểm bình thường, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC), sau khởi xướng điều tra sẽ gửi bản câu hỏi đến các doanh nghiệp xuất khẩu có liên quan của Việt Nam và đề nghị cung cấp thông tin và trả lời. DOC sẽ xem xét 5 yếu tố để xác định quá trình sản xuất/lắp ráp hoặc hoàn thiện hàng hóa của một nước có bị coi là lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hay không. Thứ nhất, mức độ đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu. Thứ hai, mức độ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Thứ ba, quá trình sản xuất tại nước xuất khẩu. Thứ tư, quy mô của các cơ sở sản xuất tại nước xuất khẩu. Thứ năm, giá trị gia tăng của sản phẩm được thực hiện ở nước xuất khẩu trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Dịch Covid-19 có thể là một nguyên nhân làm chậm tiến trình điều tra ngành gỗ dán Việt Nam của DOC, nhưng chắc chắn quá trình điều tra của cơ quan này sẽ vẫn diễn ra trong 300 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra. Quan ngại hơn, trong thời gian điều tra này, Chính phủ Mỹ có thể đưa ra các mức thuế tạm thời áp dụng đối với gỗ dán Việt Nam xuất vào nước này. Kế đến, dựa trên kết luận điều tra chính thức, phía Mỹ sẽ quyết định có áp thuế chính thức hay không và nếu có mức thuế này sẽ là bao nhiêu và áp dụng cho những nhóm đối tượng doanh nghiệp nào xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện, mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp Mỹ đang áp dụng cho sản phẩm gỗ dán của Trung Quốc lần lượt là 183% và từ 22,98 – 194,9%.
Dù vậy, tình hình kém khả quan nếu tham chiếu từ hoạt động nhập khẩu gỗ dán Việt Nam vào Mỹ, thị trường xuất khẩu gỗ dán chính của Việt Nam. Theo dữ liệu mới nhất của các Hiệp hội gỗ và tổ chức Forest Trends, năm 2019, xuất khẩu gỗ dán Việt Nam sang Mỹ đạt 518,6 nghìn m3, chiếm 9% về tổng lượng gỗ dán xuất đi từ Việt Nam. Thêm nữa, những cáo buộc của phía Mỹ cũng trở nên thật hơn khi xem xét lượng gỗ dán Việt Nam nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc, thị trường cung gỗ dán chính cho Việt Nam, chiếm trên 86% về lượng và giá trị nhập. Năm 2019, Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam trên 474,4 nghìn m3, đạt 188,1 triệu USD.
Tất nhiên, DOC chắc chắn không gặp trở ngại nào trong việc xác định sự gia tăng về lượng và giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ diễn ra cùng thời điểm với việc đón nhận nhiều dự FDI mới vào mặt hàng gỗ dán, trong đó có các dự án FDI từ Trung Quốc. Chỉ tính từ năm 2015 cho tới nay số dự án FDI mới vào mặt hàng gỗ dán tăng mạnh, 42 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 243,07 triệu USD. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về số dự đầu tư mới vào mặt hàng gỗ dán, 29 dự án có tổng vốn đầu tư 150,87 triệu USD chiếm tỷ 55% tổng số dự án.
Nhìn lại, khả năng Mỹ mở điều tra sản phẩm gỗ dán Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã được Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cảnh báo từ trong năm 2019. Thành tựu xuất khẩu gỗ của Việt Nam cũng nhấn mạnh hơn những rủi ro doanh nghiệp ngành gỗ phải đối diện, từ nguồn cung nguyên liệu, từ việc mở rộng, đón nhận nguồn đầu tư nước ngoài và sử dụng gỗ dán làm nguyên liệu đầu vào cho các mặt hàng xuất khẩu. Điều này cũng cho thấy những hạn chế nhất định trong quản lý nhà nước của nước ta về thu hút FDI từ Trung Quốc, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ đối với lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, mà gỗ dán chỉ là một ví dụ.
“Bản chất của vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế của Mỹ là để chính phủ nước này biết được liệu các sản phẩm gỗ dán của Việt Nam có thực sự được sản xuất ở Việt Nam hay không, hay đơn thuần là nhập khẩu các bộ phận từ Trung Quốc về Việt Nam lắp ráp”, ông Lê Sỹ Giảng, nguyên Giám đốc Pháp lý và thương mại của Chương trình Quản trị Nhà nước phục vụ cho Phát triển Toàn diện thuộc USAID – Mỹ, chia sẻ với Gỗ Việt. Ông Giảng cho rằng: “Nếu các công ty Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực sự, thì cuộc điều tra này không phải là “thảm họa”. Nhưng nếu các doanh nghiệp chỉ lắp ráp các bộ phận cấu thành của gỗ dán trong khi toàn bộ các chi tiết đều nhập khẩu từ Trung Quốc thì việc chứng minh với DOC là bất khả thi”.
“Cuộc điều tra này của Mỹ sẽ góp phần thanh lọc các doanh nghiệp làm ăn kiểu “chụp giật” và không bài bản, doanh nghiệp làm ăn kinh doanh nghiêm túc nên coi đây là một cơ hội, không phải là thách thức”, ông Giảng nhận định. Theo ông, nếu doanh nghiệp kinh doanh minh bạch và có giải trình tốt với phía Mỹ, việc không bị áp thuế nối dài như các mức thuế của Trung Quốc là hoàn toàn khả quan, thậm chí giúp doanh nghiệp lại có sức cạnh tranh cao hơn so với các doanh nghiệp khác tại thị trường này.
Ông Giảng, người có hơn 15 năm kinh nghiệm về phòng vệ thương mại, cũng lưu ý rằng, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát đang gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam. Các luật sư chưa thể đến Việt Nam để gặp trực tiếp doanh nghiệp, trao đổi về hồ sơ và các chứng từ liên quan đến quá trình điều tra của DOC. Các doanh nghiệp gỗ dán có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của các công ty luật Mỹ có đối tác ở Việt Nam. Ông lưu ý các doanh nghiệp làm ăn với Mỹ, việc có các luật sư từ phía Mỹ hỗ trợ là rất quan trọng không chỉ với vụ kiện này mà cả những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Hải Vân (Gỗ Việt số 124, tháng 7/2020)
- Đồ gỗ ngoài trời: Bắt tín hiệu từ thị trường Mỹ
- Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá 10,54% đối với sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Tập trung nguồn lực, bùng nổ cuối năm
- Lao đao vì Covid-19
- Ngành gỗ đối mặt khó khăn kép: Giữ nội lực trước bão Covid-19
- Hội thảo trực tuyến ngành Gỗ : Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phát: Phát triển bền vững giai đoạn hậu dịch?
- Gỗ dán trước nguy cơ bị kiện: Cuộc đua chứng minh sự minh bạch
- Ứng phó với Covid 19: Tăng cường liên kết, vượt qua thách thức
- Covid -19: Ngành gỗ Việt Nam đối diện với mức tăng trưởng 0% trong năm 2020
- Gỗ dán cứng Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện gian lận xuất xứ
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh