Ứng phó với Covid 19: Tăng cường liên kết, vượt qua thách thức

26/03/2020 09:09
Ứng phó với Covid 19: Tăng cường liên kết, vượt qua thách thức

Những tác động từ dịch viêm phổi cấp Covid 19 chắc chắn sẽ trở thành một trong những thách thức lớn đối với ngành gỗ trong năm 2020, một thách thức ngoài dự kiến và không mang tới những dự cảm tốt lành với các chuyên gia và các doanh nghiệp khi nó có thể sẽ khiến những mục tiêu của ngành trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

2 tháng đầu năm 2020, trong khi các ngành dịch vụ, xuất khẩu nông sản, dệt may điêu đứng vì dịch Covid 19 thì lâm sản là một trong số ít mặt hàng có sự tăng trưởng cả về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 1,53 tỉ USD (tăng 10,1%). Nhưng tác động của dịch Covid 19 đã tạo ra những hệ lụy đầu tiên với ngành dăm gỗ.

Theo các chuyên gia đánh giá tại Hội thảo “Ngành gỗ Việt Nam trong bối cảnh biến động thị trường - thực trạng và dự báo năm 2020” do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam và tổ chức Forest Trends đồng phối hợp tổ chức vào đầu tháng 3 vừa rồi, thì Covid 19 đang gây ra tình trạng chậm trễ trong việc xuất khẩu dăm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Không chỉ vậy, Chính phủ Trung Quốc cũng đã quyết định dừng dỡ hàng ở một số cảng và tăng cường biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt đối với các phương tiện vận chuyển, bốc dỡ hàng, bao gồm hàng vận chuyển bằng tàu biển và điều này tiếp tục gây khó khăn cho xuất khẩu dăm gỗ từ Việt Nam. 

Cùng lúc đó, nó làm cho nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam bị dừng lại, và khi nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp cạn kiệt trong vài tháng tới, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ bị đình trệ sản xuất nếu không tìm được nguồn cung thay thế. 

Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, năm 2020 có thể sẽ tạo ra những biến động không ngờ tới do ảnh hưởng từ dịch Covid 19, vì Trung Quốc một trong những thị trường xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ quan trọng của Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề, trong khi một số thị trường xuất khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng gặp những rắc rối vì dịch này bùng phát, và điều đó có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam tới những thị trường lớn.

Dịch Covid 19 cũng được phát hiện tại Mỹ và châu Âu, những thị trường xuất khẩu quan trọng của ngành gỗ Việt Nam, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có những báo cáo hay nghiên cứu nào chỉ ra tác động của dịch tới hoạt động xuất nhập khẩu  nguyên liệu và sản phẩm gỗ của Việt Nam, nhưng chắc chắn, nó cũng là một trong những rủi ro cần tính đến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo ông Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trends, Trung Quốc là nguồn cung phụ kiện quan trọng cho ngành gỗ của Việt Nam với các mặt hàng như dây đai, phụ kiện, thanh trượt, bản lề, sơn, hóa chất và một số mặt hàng kim loại khác từ Trung Quốc, do đó, Covid 19 làm cho nguồn cung này bị chững lại, và nó đang gây ra những lo lắng không nhỏ khi nguồn phụ kiện dự trữ chỉ còn đủ sản xuất trong 3 tháng tới. 

Và điều này làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt Nam, nó có thể gây ra những hệ quả lớn về chi phí, uy tín và chất lượng sản phẩm cũng như danh tiếng của ngành gỗ Việt Nam, và gần hơn chính là ảnh hưởng tới mục tiêu xuất khẩu gỗ trong năm 2020. 

Ông Vũ Hải Bằng, chủ tịch Công ty Woodsland cũng tỏ ra lo lắng không kém vì Covid 19 gây ra sự gãy đổ của quá trình sản xuất và liên kết của các doanh nghiệp trong nước, vì một số phụ kiện hay vật liệu phủ bề mặt như sơn được nhập khẩu từ Trung Quốc, những mặt hàng này dù chỉ chiếm 7% giá thành của sản phẩm nhưng nếu không có loại sơn đó thì toàn bộ lô hàng sử dụng vật liệu sẽ bị ảnh hưởng, nghĩa là ảnh hưởng 100%. 

Sự gián đoạn cung ứng này cũng gây ra tác hại lớn, với một số khâu sử dụng công nhân hoặc kỹ thuật Trung Quốc như hoàn thiện sản phẩm, thì nếu không có đội ngũ này tham gia vào quá trình sản xuất thì hoạt động sản xuất bị dừng lại, và gây ra tác động khôn lường.

Vì vậy, ông Đỗ Xuân Lập cho rằng, các doanh nghiệp cần chủ động, nhanh chóng tìm kiếm các nhà cung cấp nguyên phụ liệu thay thế từ Việt Nam cũng như các nước. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần liên kết với nhau để các sản phẩm của mình được tham gia vào chuỗi cung ứng trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Khi cùng nhau hợp tác để sản phẩm đáp ứng được các tiêu chí của nhà nhập khẩu và nhanh chóng gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

TRẦN TOẢN _ GV 120