Ông Nguyễn Tôn Quyền : Ngành gỗ đã đạt sự phát triển mang tính đột phá
Là nhà quản lý giàu kinh nghiệm và gắn bó với Hiệp hội gỗ và lâm sản ngay từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Tôn Quyền đã cống hiến rất nhiều sức lực và tâm huyết của mình cho sự phát triển của hiệp hội, cũng như của ngành gỗ Việt Nam nói chung, và trước khi ông nói lời chia tay với các vị trí công tác hiện tại, Tạp chí Gỗ Việt đã cùng ông ngồi nhìn lại quá trình phát triển vượt bậc của ngành gỗ của Việt Nam trong hai thập kỉ qua.
Là một trong những nhà quản lý nhiều kinh nghiệm và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của ngành gỗ nói chung và hiệp hội gỗ trong 20 năm qua, ông có đánh giá gì về ngành trong thời gian này?
Trong vài thập niên vừa qua, với những cố gắng hết mình và thành tựu đã đạt được, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam có một ví trí và vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam, khi đạt được 3 mục tiêu và có những sự thay đổi mang tính đột phá như kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ luôn tăng trưởng ở mức cao và tăng liên tục trong nhiều năm (năm 2000 kim ngạch đạt 219 triệu USD, đến năm 2019 đã đạt được 11 tỉ USD tăng gấp 50 lần so với năm 2000), doanh thu từ sản xuất và tiêu thụ gỗ nội địa bình quân đạt trên dưới 2 tỉ USD/năm. Về môi trường, nhiều năm qua, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phần lớn sử dụng gỗ rừng trồng, rất ít dùng gỗ rừng tự nhiên. Vì vậy đã góp phần bảo vệ rừng tự nhiên và làm giàu rừng tự nhiên. Phát triển kinh tế công nghiệp gỗ luôn gắn kết và cân đối hài hòa với bảo vệ môi trường sinh thái. Theo tiến trình phát triển, các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ và đang áp dụng công nghệ sản xuất tuần hoàn: phế liệu của cộng đoạn sản xuất trước là nguyên liệu cho cộng đoạn sản xuất sau để tạo ra sản phẩm mới. Do đó không có hoặc ít có rác thải loại ra môi trường. Về an ninh xã hội, công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phát triển đã tạo động lực cho phát triển rừng trồng. Đến nay Việt Nam đã trồng trên 4,5 triệu ha rừng trồng. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng tăng hàng năm đã cung cấp cho công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trên 20 triệu m3 /năm, tạo hàng trăm ngàn việc làm cho các cơ sở chế biến gỗ. Phát triển rừng trồng đã tạo cơ hội cho hơn 1,4 triệu hộ gia đình được giao đất trồng rừng và khoanh nuôi bảo vệ rừng, do đó đã tạo ra sinh kế và nhiều việc làm cho hộ gia đình và người dân ở nông thôn, miền núi vùng sâu vùng xa. Đến nay đã có nhiều hộ gia đình và chủ rừng là triệu phú, tỉ phú trồng rừng và chế biến gỗ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền - Ban cố vấn Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam
Theo ông, những yếu tố nào đã giúp cho ngành gỗ có bước phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian không dài như vậy?
Hơn 35 năm qua, Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới, phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế vừa rộng, vừa sâu. Chủ trương đó đã giúp các doanh nghiệp gỗ Việt Nam tiếp cận được với thị trường thế giới về gỗ và sản phẩm gỗ. Đó là yếu tố cơ bản giúp cho ngành gỗ phát triển. Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam những thập niên qua đã được Đảng và nhà nước ban hành nhiều các chính sách thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, tạo nhiều cơ hội để vượt qua thách thức. Bên cạnh đó, theo tôi, đội ngũ doanh nhân chế biến gỗ nói chung và các chủ doanh nghiệp nói riêng là những con người luôn năng động và sáng tạo, hết mình vì sự nghiệp phát triển ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, là hạt nhân, là đầu tàu chèo lái đưa con thuyền lớn, vượt sóng gió băng ra biển lớn đưa sản phẩm gỗ vào 120 thị trường của 120 quốc gia trên thế giới. Một yếu tố không kém phần quan trọng đó là tính cộng đồng và sự phát triển liên kết sản xuất có hiệu quả nhà trồng rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ và giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với nhau. Các mô hình liên kết này không chỉ là các giải pháp phát triển sản xuất mà còn là môi trường hợp tác rất hữu ích trong chuỗi liên kết sản xuất đối với các doanh nghiệp trồng rừng và chế biến gỗ.
Trong suốt thời gian công tác tại hiệp hội, ông có thể cho biết, đâu là thời điểm quan trọng nhất để giúp hiệp hội thật sự trở thành cầu nối quan trọng giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với đối tác nước ngoài?
Theo tôi, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam đã ghi được 4 dấu ấn đáng nhớ nhất là tự tìm đường và khám phá thị trường. Đầu năm 2000 đại hội Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam lần thứ nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thảo luận và thông qua Nghị quyết nghiên cứu, khảo sát tìm kiếm thị trường gỗ là lâm sản gỗ nước ngoài. Nghị quyết này thể hiện sự chú trọng của Đảng và nhà nước phát triển kinh tế hướng tới xuất khẩu. Theo đó cuối năm 2000, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đã đạt được 219 triệu USD, đã khẳng định Nghị quyết đó là bước đi đầu tiên để lại dấu ấn tích cực. Dấu ấn thứ 2 mang tính bước ngoặt hơn, đó là năm 2003, lần đầu tiên chúng ta tổ chức Hội nghị toàn quốc về công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ trưởng Bộ thương mại Trương Đình Tuyển chủ trì. Sau hội nghị, Bộ Thương mại đã trình chính phủ ban hành chỉ thị số 19. Nội dung của chỉ thị này đã đề ra nhiều cơ chế, chính sách mới để phát triển ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Với chỉ thị này đã tạo ra một làn gió mới, tạo bước ngoặt cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam. Sau đó, đến năm 2006, bằng quyết định số 18 Thủ tướng chính phủ phê duyệt đề án “Chiến lược phát triển ngành lâm ngiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020”, đó chính là dấu ấn thứ ba, và quyết định này của Chính phủ đã đề ra nhất nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế lâm nghiệp, các cơ chế, chính sách và giải pháp để thực hiện các chỉ tiêu như đến năm 2020 sản lượng khai thác gỗ đạt 24 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu lâm sản đạt 7,8 tỉ USD vào năm 2020 và có 38% diện tích rừng sản xuất được cấp chứng chỉ rừng. Quyết định đó mang tính chiến lược phát triển lâu dài và đến nay đã có chỉ tiêu đạt và vượt qua. Dấu ấn mang tính lịch sử thứ 4 chính là lần đầu tiên trong hai năm liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hai hội nghị mang tầm cỡ quốc gia về công nghiệp chế biên và thương mại lâm sản và ban hành chỉ thị số 08 về giao nhiệm vụ và đề ra các giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công ngiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa và tạo ra hưng phấn cho các Bộ, ngành, các cấp chính quyền.
Ngành gỗ Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, theo ông, hiệp hội sẽ đóng vai trò như thế nào đối với các mục tiêu đặt ra, và liệu hiệp hội gỗ có cần sự thay đổi nào không để đáp ứng yêu cầu hiện tại?
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới như hiện tại, theo tôi, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam cần nắm bắt thời cơ vàng này đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp để vận dụng sản xuất kinh doanh đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam phát triển nhanh - mạnh và bền vững, khi chúng ta đã ký 16 Hiệp định FTA, trong đó có nhiều hiệp định tạo ra nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam (CPTTP, EVFTA,…). Chưa bao giờ ngành gỗ được chính phủ và Thủ tướng quan tâm chỉ đạo quyết liệt như vậy, vì vậy, chúng ta cần phải nỗ lực để nắm bắt được cơ hội phát triển to lớn này.
Ông có mong ước và gửi gắm gì cho ban lãnh đạo khóa mới và sự phát triển của hiệp hội trong thời gian sắp tới hay không?
Ban chấp hành VIFORES khóa III đã hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao và tuẩn thủ các quy trình trong điều lệ hoạt động của Hiệp hội đã được nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên còn nhiều việc chưa làm được, còn nhiều khiếm khuyết do thiếu nguồn nhân lực, thiếu kinh phí, do đó chưa đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và hội viên của Hiệp hội. Nhưng tôi tin rằng, những kinh nghiệm được tích lũy trong nhiệm kỳ này sẽ giúp ích được nhiều cho ban chấp hành nhiệm kỳ mới, và cá nhân tôi mong ước, ban chấp hành lãnh đạo mới có tâm huyết và tài năng để khắc phục những việc chưa làm được của các nhiệm kỳ trước, đưa ngành gỗ Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước và đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này, chúc ông sức khỏe và tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt Nam!
QUANG HUY
- ĐẠI HỘI HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV (2019-2024)
- AHEC tăng cường hợp tác với VIFORES
- Tăng giờ làm:Giảm hay tăng sức cạnh tranh?
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát xuất xứ hàng hóa khi cấp CO
- Mục tiêu xuất khẩu gỗ 11 tỉ USD năm 2019: Trên đường về đích
- Chống gian lận xuất xứ : Không để các nước lợi dụng xuất xứ Việt Nam
- Bộ Công thương cảnh báo: Gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra
- Ngành gỗ cần quản lý tốt nguồn gốc sản phẩm
- Tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Từ bài học ngành thép, ngành gỗ thận trọng hơn
- Tìm sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu dăm gỗ
-
Đại hội Chi hội gỗ dán Việt Nam nhiệm kỳ III, giai đoạn 2024 – 2027
-
Thị trường các bon - Tiềm năng tạo nguồn tài chính mới cho bảo vệ và phát triển rừng
-
Ngành Lâm nghiệp đồng hành cùng doanh nghiệp sẵn sàng thích ứng với EUDR
-
Thiệt hại nặng nề từ bão số 3, doanh nghiệp ngành dăm đề nghị sớm được hỗ trợ
-
Đáp ứng EUDR đối với sản phẩm gỗ và cao su thiên nhiên theo tiêu chuẩn PEFC EUDR