Mục tiêu xuất khẩu gỗ 11 tỉ USD năm 2019: Trên đường về đích
“Việt Nam có thế mạnh về địa lý độ dốc, phát triển về trồng rừng nên phải chú trọng lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ và coi đó là một trong những ngành kinh tế thế mạnh trong những năm tới”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường mở đầu cho hội nghị đánh giá tình hình chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản trong 8 tháng năm 2019 và các giải pháp thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản trong thời gian tới.
Giữ đà tăng trưởng Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, 8 tháng năm 2019, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt hơn 6 tỉ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, đây là mặt hàng có sự tăng trưởng trong xuất khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp, và ngoài 4 thị trường lớn nêu trên, nhiều thị trường khác cũng được doanh nghiệp khai thác, phát triển mạnh như Ả rập Xê út tăng 46,9%, Đức tăng 14,5%… Với đà phát triển của các đơn hàng cuối năm, ngành gỗ hy vọng sớm đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm 2019 lên 11 tỉ USD, tăng 1,7 tỉ USD so với năm 2018.
Nhấn mạnh về nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng đầy ấn tượng của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị đặc biệt nhắc đến việc chủ động nguồn nguyên liệu và khai thác hiệu quả các lợi thế từ những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Thực tế, Việt Nam đã có 85% diện tích rừng trồng tập trung có kiểm soát và chứng nhận nguồn gốc; đồng thời, đến nay cả nước đã có 237.386 ha rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cùng với đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) với cam kết cắt giảm thuế quan mạnh mẽ đã tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm gỗ của Việt Nam so với các đối thủ (khoảng 83% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực…).
Bà Đỗ Thị Bạch Tuyết, Giám đốc Công ty cổ phần Woodsland, công ty chuyên xuất khẩu các sản phẩm gỗ sang châu Âu cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ tăng đáng kể, với đà này, dự kiến trong năm 2019, giá trị xuất khẩu của công ty tăng khoảng 40% so với năm 2018, dự kiến doanh thu sẽ đạt khoảng 1.500 tỉ đồng.
Ca ngợi đà phát triển của Woodsland nói riêng và ngành gỗ nói chung, ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nói thêm, ngoài sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gỗ hiện nay là ngành đã từng bước nắm bắt được xu thế thị trường, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm. Sự chuyển biến về chất đã mang lại thành công, minh chứng cho điều đó là có tới 87% giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam từ các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU,… Không chỉ tăng trưởng mạnh về giá trị xuất khẩu, sự dịch chuyển đơn hàng cũng là lý do ngành đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, cho đến thời điểm này, tổng số vốn FDI đầu tư tăng gấp gần 1,2 lần so với đầu tư FDI của cả năm 2018. Trong đó, số dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ là 49, tương đương 73% số dự án FDI của cả năm 2018. Đặc biệt, trên 60% trong tổng số dự án đầu tư vào ngành gỗ tại Việt Nam là 32 công ty hoạt động trong mảng chế biến gỗ.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu từ thị trường Mỹ với các mặt hàng gỗ từ các quốc gia khác và từ Việt Nam có thể sẽ tăng lên để bù đắp vào phần thiếu hụt hàng hóa do thuế tăng cao từ thị trường Trung Quốc. Mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chủ yếu là các sản phẩm đồ gỗ (HS94) có giá trị gia tăng cao, nên ngành chế biến gỗ xuất khẩu có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng, giảm tỉ trọng xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu gỗ.
Sản xuất đồ gỗ tại Công ty Cổ phần Woodsland
Nhận diện thách thức
Việc gia tăng các dự án FDI sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng của các dự án này, đó là cảnh báo đầu tiên của Tổng cục Lâm nghiệp, khi ngành gỗ có nguy cơ phải tiếp nhận các dự án có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường, cũng như tiềm ẩn nguy cơ gian lận thương mại, giả xuất xứ hàng hóa để lợi dụng thuế nhập khẩu thấp hơn từ Việt Nam so với từ Trung Quốc sang Mỹ.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA), làn sóng dịch chuyển sản xuất vào Việt Nam quá nhanh và nhiều đã dẫn đến tình trạng khan hiếm lao động, và góp phần khiến nhu cầu nhân công tăng lên. Hiện giá nhân công ở các khu công nghiệp đã tăng từ 10 - 20% nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó để tuyển người. Ngoài ra, thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng lớn trong ngành gỗ có thể dẫn đến chính phủ Mỹ áp đặt chính sách thương mại công bằng dẫn đến thua thiệt cho ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thâm hụt thương mại của ngành gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là 4,23 tỉ USD.
Giải pháp nâng cao chất lượng
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, gỗ là ngành hàng mũi nhọn của nền kinh tế Việt Nam, nhưng trong thời gian gần đây, thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu đã thay đổi, xu hướng sử dụng đồ mộc ngoại thất bằng các loại sản phẩm thay thế như nhựa, sắt thép và các vật liệu thân thiện với môi trường cũng là những thách thức đối với ngành chế biến gỗ của Việt Nam. Vì vậy, các nhà sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cần nắm được xu hướng thị trường, đặc biệt là các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp…
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Lâm Việt (Bình Dương) cho biết, để đáp ứng các đơn hàng từ những thị trường lớn, có giá trị cao, công ty đã và đang đẩy mạnh đầu tư các dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ 4.0... Để có thể chủ động nắm bắt các cơ hội mới và bảo đảm sự phát triển bền vững, công ty đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường đổi mới công nghệ, đồng thời gắn kết chặt chẽ với người trồng rừng...
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho hay, với những diễn biến về thị trường từ đầu năm đến nay, có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 11 tỉ USD năm 2019. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, bộ sẽ đề xuất Chính phủ có cơ chế về vốn đầu tư đối với ngành sản xuất, kinh doanh gỗ. Và đẩy mạnh việc thu hút đầu tư vào ngành gỗ với nhiều cơ chế hỗ trợ đặc thù. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư vào chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, đặc biệt là nguồn vốn FDI nhằm tạo ra dư địa phát triển của ngành trong những năm tới. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu vào các nước thành viên EU.
Quang Huy- GV 115
- Chống gian lận xuất xứ : Không để các nước lợi dụng xuất xứ Việt Nam
- Bộ Công thương cảnh báo: Gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ có nguy cơ bị điều tra
- Ngành gỗ cần quản lý tốt nguồn gốc sản phẩm
- Tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Từ bài học ngành thép, ngành gỗ thận trọng hơn
- Tìm sự hài hòa trong chính sách xuất khẩu dăm gỗ
- Việt Nam điều tra bán phá giá ván gỗ sợi: Tính chủ quyền và tính minh bạch của ngành gỗ
- Tín hiệu lạc quan từ thị trường Đông Nam Á
- Cơ hội vượt qua mục tiêu xuất khẩu 11 tỉ USD: Phát huy giá trị nội tại của doanh nghiệp
- Thủ tướng: Chế biến gỗ và lâm sản phải vượt kim ngạch 11 tỉ USD
- Mổ xẻ” chuyện doanh nghiệp FDI dồn vốn vào ngành gỗ
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu