Thủ tướng: Chế biến gỗ và lâm sản phải vượt kim ngạch 11 tỉ USD

27/03/2019 03:07

“Ngành gỗ cần phải đặt mục tiêu xuất khẩu 13 tỉ USD vào năm 2020, đó là những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22 tháng 2 năm 2019 vừa qua”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản 2019

Không thể thỏa mãn với những thành công đã đạt được, và ngành gỗ cần phải đặt mục tiêu xuất khẩu 13 tỉ USD vào năm 2020, đó là những đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại diễn đàn “Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm; giải pháp bứt phá năm 2019”. “Năm nay ngành đặt mục tiêu là 11 tỉ USD Mỹ, tôi cho rằng thấp quá. Câu hỏi đặt ra là bằng giải pháp nào kể cả về cơ chế, chính sách, về nguyên liệu, khoa học công nghệ để làm sao vượt mức con số này để đóng góp vào sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó tôi cũng lưu ý các đồng chí cần đào tạo nguồn nhân lực, lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu của ngành trong xu thế hội nhập”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, với các chính sách đúng đắn, đột phá của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, năm 2018, tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 42%, các chỉ tiêu của toàn ngành lâm nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch; giá trị xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt hơn 9,3 tỉ USD. Ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã trở thành ngành kinh tế đóng góp quan trọng vào xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và tăng trưởng kinh tế. Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chủ trương xã hội hóa nghề rừng, chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả, và tỉ trọng nguyên liệu chế biến gỗ trong nước đã đạt hơn 76%. Năm ngoái, sản lượng gỗ khai thác nội địa đạt hơn 28 triệu m3 . Chất lượng nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đã từng bước được nâng lên, liên kết chuỗi từ công tác chọn tạo giống, trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng để trồng gỗ lớn ngày càng được chú trọng. Điều này đã tác động lớn tới năng lực chế biến xuất khẩu gỗ, giúp ngành gỗ có bước phát triển bền vững hơn trong vài năm qua. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản đạt hiệu quả cao, các doanh nghiệp cần đón đầu ứng dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, ngành công nghiệp gỗ cùng vẫn còn những hạn chế như đầu tư của nhà nước chưa xứng đáng với tiềm năng, lợi thế của ngành; chính sách tín dụng chưa được triển khai tốt, chưa hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, chưa hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; việc bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng còn hạn chế; mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và thị trường còn chưa chặt chẽ. Đặc biệt việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia chưa được quan tâm đúng mức.

 

Bà Dương Thị Tú Trinh, Giám đốc Công ty TNHH Thượng Nguyên cho rằng, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên liệu là một trong những yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao năng suất nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp chế biến gỗ chỉ có một hướng đi là cải tiến phát triển bắt kịp xu thế và công nghệ máy móc để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. “Muốn làm được điều này thì chúng ta phải đón đầu ứng dụng công nghệ. Bởi trong nhiều năm qua, ngành chế biến gỗ Việt Nam đã tạo ra sự cạnh tranh cao nhờ vào nguồn nhân công dồi dào và chi phí thuê nhân công thấp. Tuy nhiện hiện nay nguồn nhân công không còn dồi dào vì nhiều lý do. Khi sử dụng máy móc công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp cũng không còn phải lệ thuộc vào nhân công”- Bà Dương Thị Tú Trinh nói. Nhắc lại mục tiêu vượt qua con số xuất khẩu 11 tỉ USD năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để tạo đột phá trong năm nay và những năm tiếp theo cần phải xác định rõ làm thế nào để đảm bảo được nguồn cung nguyên liệu bền vững, hợp pháp cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ khi xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng lên, trong khi phải thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên, gỗ nhập khẩu thì ngày càng khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ cho đầu tư trồng rừng, xây dựng và phát triển các công trình hạ tầng lâm sinh. Bên cạnh đó ngành ngân hàng cần nghiên cứu gói tín dụng cụ thể với lãi suất ưu đãi để các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, để người dân trồng rừng thuận lợi tiếp cận, vay vốn trồng rừng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu. “Hội nghị này phải trả lời được câu hỏi muốn có rừng phải dựa vào người dân và muốn người dân làm được thì những chính sách mà chúng ta thảo luận như tín dụng, lương thực, hạ tầng.. là những vấn đề rất quan trọng. Thủ tướng đã quyết định giao cho Bộ Nông nghiệp thảo luận với Bộ Tài chính để tìm ra phương thức hỗ trợ trồng rừng để người dân yên tâm, phủ xanh đất trống, đồi trọc, để có rừng”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Thủ tướng khẳng định tiếp tục lắng nghe những ý kiến góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Hiệp hội ngành hàng để các Bộ, ngành, chính quyền các cấp tiếp tục quyết liệt hành động đổi mới tư duy, nhận thức để đồng hành với doanh nghiệp đạt được mục tiêu, khát vọng phát triển ngành chế biến gỗ lâm sản phát triển nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Nhật Minh - GV 109