Một năm nhìn lại và xu hướng năm 2019
Bối cảnh chính sách và thị trường
Năm 2018 được cho là một năm thành công lớn của ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Thành công thể hiện qua nhiều khía cạnh, bao gồm việc tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, sử dụng gỗ có nguồn gốc hợp pháp, bao gồm cả gỗ nhập khẩu từ các nguồn ‘sạch’ và gỗ rừng trồng trong nước. Về khía cạnh chính sách, năm 2018 đánh dấu luật Lâm nghiệp đã chính thức được được đưa vào thực hiện.
Với Luật này, lần đầu tiên ngành lâm nghiệp được coi là một ngành kinh tế quan trọng và quản lý lâm nghiệp được nhìn nhận theo chuỗi cung. Việc Chính phủ Việt Nam ký Hiệp định Đối tác Tự nguyện VPA vào tháng 10 năm này đã đưa ngành lâm nghiệp của Việt Nam lên một bước phát triển mới, với cam kết của Chính phủ trong việc loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi các chuỗi cung. Năm 2018 cũng chứng kiến nhiều các hội thảo, hội nghị cấp cao về ngành với mục tiêu tìm ra các giải pháp thúc đẩy mở rộng sản xuất, xuất khẩu, giúp ngành phát triển theo hướng bền vững trong tương lai.
Một số nét chính về xuất khẩu
Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 tăng rất ấn tượng, đạt con số 8,9 tỉ USD, tăng 15,6% so với năm 2017. Các thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch lớn bao gồm Hoa Kỳ (kim ngạch năm 2018 đạt 3,6 tỉ USD, tăng 17,2% so với kim ngạch năm 2017 (3,08 tỉ USD)), Nhật Bản (1,119 tỉ USD năm 2018, tăng 13,1% so với năm 2017) và Hàn Quốc (938,7 triệu USD năm 2017, tăng 39,2% so với năm 2017).Thị trường Trung Quốc và EU nằm trong top 5 về các thị trường xuất khẩu có kim ngạch cao nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trong năm 2018 thị trường Trung Quốc không tăng trưởng (kim ngạch năm 2018 đạt gần 1,1 tỉ USD, tương đương mức của năm 2017); thị trường EU tăng trưởng không đáng kể (759 triệu USD so với 739,7 triệu USD năm 2017, tăng trưởng dưới 3%). Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm kìm hãm sự phát triển của ngành gỗ Trung Quốc. Là một trong những nguồn cung nguyên liệu đầu vào quan trọng cho Trung Quốc, xuất khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam sang thị trường này năm 2018 không tăng trưởng. Mức tăng trưởng dưới 3% từ thị trường EU có thể cho thấy thị trường của khối này đã tương đối ổn định. Với Brexit, tương lai thị trường Vương Quốc Anh của Việt Nam có thể sẽ có những biến động. Năm 2018, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có độ tăng trưởng mạnh bao gồm viên nén (HS 4401), dăm gỗ (HS 440122) và mặt hàng gỗ dán, gỗ ép (HS 4412). Giá trị xuất khẩu viên nén năm 2018 đạt trên 409 triệu USD, tăng gần 90% so với giá trị xuất khẩu mặt hàng này năm 2017 (216,2 triệu). Kim ngạch xuất khẩu dăm gỗ năm 2018 đạt 1,34 tỉ USD, tăng mạnh so với năm 2017 (1 tỉ USD). Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, gỗ ép năm 2018 đạt gần 668 triệu USD, tăng 1,7 lần so với kim ngạch của năm 2017. Đến nay, mở rộng về kim ngạch chủ yếu là do gia tăng lượng xuất khẩu mà không phải do tăng giá bán các mặt hàng này. Cụ thể: lượng xuất khẩu viên nén tăng từ 2 triệu tấn năm 2017 lên 3 triệu tấn năm 2018, dăm gỗ 8,2 triệu tấn năm 2017 lên gần 10,4 triệu tấn năm 2018; gỗ dán, gỗ ghép tăng từ 1,24 triệu m3 sản phẩm lên 1,95 triệu m3 . Các thị trường chính cho các sản phẩm này bao gồm Hàn Quốc (viên nén), Trung Quốc, và Hoa Kỳ (gỗ dán, gỗ ghép). Ngược với xu hướng này, xuất khẩu gỗ tròn và xẻ giảm mạnh trong năm 2018. Cụ thể, xuất khẩu gỗ tròn giảm từ 54.400 m3 năm 2017 xuống còn 11.000 m3 năm 2018, với các thị trường chính là Trung Quốc và Ấn Độ. Các loài gỗ tròn xuất khẩu phổ biến bao gồm dầu, sa mộc, căm xe, chiêu liêu… Đây là các loài gỗ tự nhiên, có nguồn gốc nhập khẩu. Tương tự, lượng xuất khẩu gỗ xẻ giảm mạnh, từ 371.800 m3 năm 2017 xuống chỉ còn 173.400 m3 năm 2018. Các loài gỗ xẻ xuất khẩu chính là chiêu liêu (84.900 m3 ), keo (58.800 m3 ), hương (15.800 m3 ) và cao su (4.600 m3 ). Các loài này có nguồn gốc từ rừng trồng, và từ rừng tự nhiên nhập khẩu. Trung Quốc, Đài Loan là các thị trường nhập khẩu chính.
Một số nét chính về nhập khẩu
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu vẫn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành. Năm 2018, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 2,34 tỉ USD, tương 7,6% so với kim ngạch năm 2017. Tốc độ tăng trưởng về nhập khẩu nhỏ hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Các thị trường có kim ngạch lớn bao gồm Hoa Kỳ (310,6 triệu USD), Trung Quốc (426,3 triệu), EU (246,5 triệu), Châu Phi (515,6 triệu), Malaysia (114,2 triệu) và Campuchia (100,6 triệu). Các mặt hàng kim ngạch nhập khẩu lớn bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và các loại ván. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 2,28 triệu m3 gỗ tròn, tương đương với 698 triệu USD về kim ngạch. Các con số này không thay đổi nhiều so với năm 2017 (2,24 triệu m3 , 668,4 triệu USD). Các loài gỗ tròn có lượng nhập lớn bao gồm lim (khoảng 473.500 m3 ), gõ đỏ (235.300 m3 ), tần bì (384.800 m3 ) và Bạch Đàn (239.600 m3 ), thông (109.800 m3 ). Các nước cung gỗ tròn nhiều cho Việt Nam bao gồm Cameroon, Hoa Kỳ, Papua New Guine, Uruquay và một số nước EU. Kim ngạch nhập khẩu gỗ xẻ năm 2018 đạt gần 929 triệu USD, tăng nhanh từ con số 879 triệu USD năm 2017. Lượng nhập tăng từ gần 2,2 triệu m3 năm 2017 lên gần 2,4 triệu m3 năm 2018. Năm 2018 các quốc gia cung gỗ xẻ lớn nhất (về lượng) cho Việt Nam bao gồm Hoa Kỳ, Campuchia, Chile, New Zealand, Brazil, Gabon, Lào và Cameroon. Các loài có lượng nhập lớn bao gồm thông (khoảng 805.800 m3 ), dương (291.500 m3 ), sồi (252.200 m3 ), bạch đàn (101.800 m3 ) và hương (58.900 m3 ). Kim ngạch nhập khẩu các loại ván cao, đặt biệt là ván sợi (HS 4411) (164,6 triệu USD), gỗ dán/gỗ ghép (HS 4412) (195,2 triệu USD) và ván bóc, ván lạng (4408) (gần 125 triệu). Lượng nhập khẩu các loại ván tăng nhanh, từ 2,8 triệu m3 sản phẩm năm 2017 lên trên 3,8 triệu m3 .
Bối cảnh kinh tế vĩ mô /thị trường
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã có những tác động nhất định đối với ngành gỗ của Việt Nam. Một số mặt hàng gỗ của Trung Quốc phải chịu mức thuế mới từ Mỹ đã mất đi những lợi thế cho việc tiếp cận với thị trường Mỹ, tạo cơ hội cho các mặt hàng thay thế của Việt Nam. Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp của Việt Nam đã thấy sự gia tăng về các đơn đặt hàng từ Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, đã có một số tín hiệu cho thấy có sự chuyển dịch trong đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Một số chuyên gia còn đánh giá do có những lợi thế về lao động, tiếp cận thuận lợi với nguồn nguyên liệu đầu vào, hệ thống giao thông, kết nối với thị trường thế giới thuận lợi, ngành gỗ Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến quan trọng của đầu tư nước ngoài thời gian tới. Việc ký kết VPA và thực hiện Hiệp định này trong tương lai sẽ là cơ hội để các sản phẩm gỗ từ Việt Nam hội nhập thị trường thế giới tốt hơn. Thực hiện tốt VPA sẽ góp phần hình thành nên những niềm tin vững chắc từ thị trường vào các sản phẩm gỗ của Việt Nam, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Chính phủ đang xây dựng các nghị định về Định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ. Thực thi các nghị định này sẽ làm sạch các chuỗi cung gỗ, đảm bảo các sản phẩm gỗ của Việt Nam là hợp pháp, đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Một số hạn chế và rủi ro thị trường
Bên cạnh những thành tựu to lớn của ngành là một số mặt hạn chế. Nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của ngành chủ yếu vẫn dựa vào sản xuất mà chưa phải là từ khâu có giá trị gia tăng cao như thiết kế mẫu mã, đổi mới công nghệ, đào tạo lao động tay nghề cao, thương mại và dịch vụ. Mở rộng xuất khẩu hiện nay chủ yếu là do mở rộng sản xuất, gia tăng nguyên liệu thô đầu vào, tăng hàm lượng lao động phổ thông. Trong tương lai, các yếu tố được coi là “lợi thế” này của ngành sẽ không còn nữa. Điều này đòi hỏi phải có sự thay đổi trong mô hình phát triển. Đến nay lượng cung gỗ đầu vào rủi ro cao vẫn lớn, chiếm tới trên 25% trong tổng lượng cung gỗ nguyên liệu nhập khẩu hàng năm. Trong bối cảnh Chính phủ cam kết với việc loại bỏ hoàn toàn gỗ bất hợp pháp ra khỏi toàn bộ các chuỗi cung, xây dựng cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu, đặc biệt đối với nguồn gỗ tròn và gỗ xẻ nguồn gốc nhập khẩu, đóng vai trò tối quan trọng. Đây sẽ là một nhiệm vụ hết sức nặng nề cho các cơ quan quản lý.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra các sự dịch chuyển trong đầu tư và trong thương mại hàng hóa, và điều này ẩn chứa các rủi ro lớn cho ngành gỗ của Việt Nam. Hiện cơ quan thương mại của Mỹ tiến hành điều tra việc gian lận thuế đối với một số công ty của Trung Quốc khi các công ty này chuyển một số mặt hàng gỗ ván ép được sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, lấy nhãn mác sản xuất từ Việt Nam và xuất khẩu sang Mỹ. Trong bối cảnh này, Việt Nam đã bị biến thành quốc gia trung chuyển, giúp cho một số công ty của Trung Quốc né tránh các mức thuế mới áp dụng đối với các sản phẩm gỗ của Trung Quốc. Điều này làm sản sinh các rủi ro vô cùng lớn cho ngành gỗ của Việt Nam.
Xu hướn g xuất khẩu nă m 2019
Xuất – nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có lẽ sẽ không có nhiều biến động trong năm 2019. Cuộc chiến Mỹ - Trung có thể sẽ tiếp tục, tạo ra cơ hội cho một số doanh nghiệp Việt Nam nhờ đón được các đơn hàng từ Trung Quốc chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chưa có tín hiệu rõ ràng là các cơ hội này sẽ tiếp tục và sẽ bền vững trong tương lai. Bên cạnh cơ hội là các rủi ro, trong đó đặc biệt phải kể đến rủi ro hình thành từ việc gian lận thương mai, với một số sản phẩm của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Mỹ với cái tên Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần thiết lập các cơ chế xác định rủi ro, và thiết lập các rào cản nhằm giảm thiểu việc gian lận thương mại này. Năm 2019 có thể sẽ chứng kiến thêm các vụ điều tra của chính phủ Mỹ về các gian lận thương mại của các công ty Trung Quốc. Năm 2019 sẽ là một năm quan trọng đối với Chính phủ trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách loại bỏ gỗ bất hợp pháp ra khỏi chuỗi cung, đặc biệt kiểm soát nguồn cung gỗ nhập khẩu. Xây dựng các cơ chế, chính sách này cần có sự tham vấn chặt chẽ với khối doanh nghiệp, nhằm đảm bảo các cơ chế chính sách này hiệu quả, không phát sinh nhiều chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Năm 2018 xuất khẩu vẫn sẽ tiếp tục được mở rộng, tuy nhiên cách mở rộng vẫn tiếp tục theo mô hình hiện nay, với sự gia tăng của nguồn nguyên liệu đầu vào và lao động phổ thông. Trong tương lai, ngành cần có các mô hình phát triển mới, với trọng tâm nhấn mạnh vào giá trị được tạo ra trong khâu thiết kế, thương mại, lao động tay nghề cao và đổi mới công nghệ. Phát triển các mô hình này đòi hỏi nỗ lực không phải chỉ từ bản thân doanh nghiệp mà cả từ các cơ quan quản lý, cả cấp trung ương và địa phương.
Tô Xuân Phúc
Chuyên gia phân tích chính sách, tổ chức Forest Trends
- Mục tiêu xuất khẩu 25 tỉ USD 2025: Chợ đầu mối Tavico Long Bình - Đồng hành cùng doanh nghiệp
- Thách thức hiện thực hóa Hiệp định VPA/FLEGT
- Gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ : Những quan ngại từ việc tăng đột biến
- Nắm cơ hội phát triển mới
- Con số ấn tượng: Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,6 tỷ USD
- Doanh nghiệp ngành gỗ bàn cách tối ưu lợi thế
- Xu hướng sử dụng gỗ cứng Hoa Kỳ tại Việt Nam: Tăng lên theo từng năm
- EU và quá trình thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển
- Tái cấu trúc ngành gỗ: Lựa chọn đột phá của gỗ Việt Nam
- Phía sau những con số - gỗ cứng hoa Kỳ xuất Khẩu sang Đông nam Á Là sự cam kết của AHEC
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu