Nắm cơ hội phát triển mới

02/11/2018 04:52

Theo dự báo của Ngân hàng thế giới World Bank, năm 2018 có sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới sẽ là Đông Á và khu vực Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc, dự kiến tăng trưởng 6,4% và 6,3% vào hai năm tới.

 Kinh tế Ấn Độ dự kiến tăng trưởng 7,3% và 7,5% trong thời gian 2019-2020. Hoa Kỳ, dự kiến tăng trưởng 2,5% năm 2018. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp chế biến gỗ có cơ hội mở rộng chế biến, xuất khẩu sản phẩm. Cùng lúc đó, phương châm xây dựng “Chính phủ kiến tạo” đang bắt đầu phát huy hiệu quả, tình hình kinh tế vĩ mô, lãi suất và tỉ giá hối đoái ổn định, tốc độ tăng trưởng GDP trên 6,5% đã tạo ra niềm tin và khí thế mới cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành gỗ nói riêng. Trong khi chính quyền các địa phương, đặc biệt các tỉnh thành trong khu vực Đông Nam bộ đã đồng hành cùng doanh nghiệp hỗ trợ thực thi chính sách, thủ tục hành chính, xúc tiến thương mại, thu hút và phát triển nguồn nhân lực cũng như đảm bảo an ninh, môi trường kinh tế xã hội ổn định. Và quan trọng hơn là các doanh nghiệp phải vận động thật nhanh để đáp ứng với các điều kiện mới. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, để đạt được kim ngạch xuất khẩu 8 tỉ USD trong năm 2017 là nỗ lực của toàn ngành, và với riêng thành phố, từ năm 2014 đều tổ chức các hội chợ đồ gỗ quốc tế và tìm kiếm thị trường mới, riêng năm 2018, đã tổ chức hội chợ triển lãm với hơn 2000 gian hàng của 200 doanh nghiệp cùng sự tham gia của 4000 khách quốc tế tới từ 95 nước. Ngoài ra nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố Hồ Chí Minh đã công khai 1500 thủ tục hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã giảm 50% thời gian kiểm tra hàng hóa, trong đó hàng hóa thông quan luồng vàng từ 2 giờ đồng hồ giảm xuống còn 1 giờ, luồng đỏ từ 8 giờ còn 4 giờ. Mặc dù ngành gỗ không phải là ngành công nghiệp chủ lực của thành phố, tuy nhiên với sự chỉ đạo của Thủ tướng, sự nỗ lực của thành phố và doanh nghiệp, ngành chế biến gỗ đã bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Toàn thành phố có 894 doanh nghiệp tham gia vào chế biến gỗ, trong đó có 288 doanh nghiệp tham gia vào xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt hơn 1 tỉ USD, đứng ở vị trí thứ 3 trong các tỉnh thành.

 

Ông Phong cũng nhận định, phần lớn các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam đều là doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, không tập trung. Trong khi nguồn gỗ từ rừng trồng phần lớn gỗ đường kính nhỏ, non, chất lượng không đồng đều, nguồn gỗ có chứng chỉ bền vững chiếm tỉ lệ nhỏ. Nhất là tỉ lệ gỗ khai thác rừng trồng để sản xuất sản phẩm thô, giá trị thấp, đặc biệt là dăm gỗ còn cao, nên ngành gỗ cần phải nhanh chóng khắc phục những vấn đề này càng sớm càng tốt, để đáp ứng tiềm năng phát triển đang ngày một tăng. Trong khi đó, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, để ngành gỗ mở rộng được thị trường hay tăng giá trị của các sản phẩm, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần kiên quyết và kiên trì nói không với gỗ bất hợp pháp, vì thị trường chính của chế biến gỗ Việt Nam là các nước phát triển, người tiêu dùng quan tâm với môi trường và quan tâm tới nguồn gốc gỗ. Các yêu cầu này không phải là một rào cản mà cần coi đây là một cơ hội. Nước chúng ta muốn chắc chân trong chuỗi giá trị của ngành gỗ toàn cầu thì việc truy xuất nguồn gốc gỗ bất kỳ lúc nào cũng là cần thiết thì đây là vấn đề quyết định của ngành về nguồn gỗ bền vững và hợp pháp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nghiên cứu ngay về quy tắc xuất xứ của thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường có quan hệ tự do với Việt Nam, để đảm bảo rằng sản phẩm gỗ xuất khẩu là sản phẩm Made in Việt Nam thực sự, trong bối cảnh quan hệ quốc tế phức tạp, các nước có thể đánh thuế rất cao về sản phẩm gỗ nước khác, nhiều nước đánh thuế chống bán phá giá rất cao đối với các sản phẩm gỗ, do vậy doanh nghiệp cần bảo đảm rằng sản phẩm gỗ của Việt Nam và Made in Việt Nam. Doanh nghiệp gỗ phải tỉnh táo để không vướng vào các xung đột này và chủ động thông báo với bộ để có biện pháp xử lý kịp thời. Ông Khánh cũng cho biết, thời điểm hiện tại, ngành gỗ cần đặt trọng tâm vào việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, ngành chế biến gỗ chịu tác động rất mạnh của công nghệ 4.0 do vậy nhân lực chất lượng cao là vấn đề cấp bách, trong thời gian tới đây phải chuyển từ 80% ODE sang ODM. Cũng như ủng hộ VIFORES thành lập một trung tâm triển lãm, thương mại và đầu mối nguyên liệu.

GỖ VIỆT - 105