Thách thức hiện thực hóa Hiệp định VPA/FLEGT
(HQ Online)- Mới đây, Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) giữa Việt Nam và EU chính thức ký kết được nhận định sẽ mở ra cơ hội lớn thúc đẩy xuất khẩu (XK) gỗ vào thị trường EU, đồng thời góp phần đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiện thực hóa hiệp định này không phải điều đơn giản.
Đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp là yêu cầu quan trọng để DN đẩy mạnh XK ỗ vào EU. Ảnh: Nguyễn Thanh
Vướng quy định hiện hành
Để phục vụ cho ngành chế biến, XK gỗ cũng như nhu cầu tiêu thụ nội địa, Việt Nam đã và đang nhập khẩu (NK) gỗ từ khá nhiều thị trường, trong đó có những thị trường được nhìn nhận có tính rủi ro cao về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu như Campuchia, châu Phi…
Một trong những địa điểm NK điển hình gỗ từ Campuchia là Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (Gia Lai). Bà Lê Thị Thanh Huyền -Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum cho biết: Năm 2018, hoạt động NK gỗ chủ yếu diễn ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai mà không phát sinh trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đến Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh vào những ngày cuối tháng 11, phóng viên ghi nhận hoạt động NK gỗ tại đây khá thưa vắng. Thực tế, khảo sát qua một số đầu mối doanh nghiệp NK gỗ nổi bật trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng cho thấy: Những năm gần đây, lượng gỗ NK chính ngạch từ Campuchia ngày càng giảm dần. Tuy vậy, lượng gỗ nhập lậu khá khó kiểm soát. Đáng chú ý, những lo lắng trong kiểm soát nguồn gốc gỗ hợp pháp NK từ Campuchia nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT thường trực khá rõ ràng.
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Nhĩ-Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết: Từ trước tới nay, gỗ NK trên địa bàn tỉnh Gia Lai chủ yếu từ Lào, Campuchia. Ngoài NK chính ngạch, trong các năm 2015, 2016 và 2017, Bộ Công Thương giao ủy quyền cho UBND tỉnh Gia Lai NK gần 300 nghìn m3 gỗ qua lối mở.
“Cơ quan kiểm lâm địa phương là đơn vị giám sát xem có sự trà trộn giữa gỗ NK với gỗ nội địa hay không, tuy nhiên lại không nắm được toàn bộ nguồn gỗ NK. NK chính ngạch chỉ cơ quan hải quan nắm rõ. Đây có thể xem là lỗ hổng trong quản lý lâm sản tại nội địa. Chúng tôi muốn quản lý theo hình thức giống như Hiệp định VPA/FLEGT, quản lý được đầu vào và đầu ra từ khâu khai thác đến vận chuyển, tiêu thụ... Theo quy định hiện hành, có mặt hàng chỉ quản lý được một khúc nào đó, tạo ra nhiều kẽ hở trong mua bán, kinh doanh, vận chuyển, tiêu thụ gỗ”,ông Nhĩ nói.
Từ năm 2019, khi Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực, ông Nhĩ đề nghị cơ quan kiểm lâm được xác nhận lâm sản NK. Cụ thể, với lâm sản NK, lực lượng kiểm lâm địa phương được tham gia quản lý, nắm số liệu, chủng loại, quy cách ngay từ đầu để có cơ sở quản lý tại thị trường nội địa. “Tôi nghĩ nếu như không trực tiếp kiểm tra, chứng kiến và xác nhận thì việc đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ cũng như truy xuất nguồn gốc gỗ tới đây sẽ còn nhiều khó khăn”, ông Nhĩ nhấn mạnh.
Đứng từ góc độ cơ quan hải quan, bà Huyền cho hay: NK gỗ hiện nay được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật nói chung. Bộ NNPTN có Thông tư 01/2012/TT-BNNPTNT quy định hồ sơ lâm sản hợp pháp và kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Theo Thông tư này, quy định về hồ sơ lâm sản NK hợp pháp khi kiểm tra gồm: Tờ khai hải quan, bảng kê lâm sản, Giấy phép CITES nếu hàng buộc phải có thì phải xuất trình. Ngoài ra, hồ sơ còn có văn bản nước ngoài (nếu có) phải xuất trình.
"Với quy định hiện hành, để cam kết hồ sơ gỗ hợp pháp là chưa đủ. Bởi, quy định của Việt Nam không yêu cầu hồ sơ XK từ phía Campuchia mà chỉ yêu cầu bộ hồ sơ NK. Trong bộ hồ sơ đó quy định có gì, cơ quan Hải quan yêu cầu DN xuất trình đầy đủ giấy tờ đó", bà Huyền nhấn mạnh.
Hợp tác chặt chẽ với nước xuất khẩu
Theo bà Huyền, thời gian tới, khi triển khai Hiệp định VPA/FLEGT, Chính phủ cũng như các bộ, ngành phải có những quy định sửa đổi chính sách về lâm sản; cần có quy định cụ thể để trong quá trình quản lý gỗ, chứng minh được gỗ đó có nguồn gốc hợp pháp.
Liên quan tới nội dung này, ông Nhĩ phân tích thêm: Hiện nay, thiếu cơ chế để lực lượng kiểm lâm quản lý chặt nguồn gỗ. Với trách nhiệm quản lý nội địa, lực lượng kiểm lâm địa phương không thể can thiệp vào hoạt động lâm sản của nước ngoài. Điều này muốn chặt chẽ hay không phải từ quy định của Bộ Công Thương. Ví dụ như quy định, lâm sản NK vào phải làm thủ tục gì; NK qua đường hạn ngạch, đối tượng DN, cá nhân nào được thực hiện?...
“Bộ Công Thương nên có một số đề nghị với phía Campuchia. Ngược lại, phía EU cũng nên có cơ chế nào đó để hợp tác với Việt Nam trong đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp. Nhà nước hai bên nên có cơ chế hợp tác làm sao để gỗ hợp pháp từ khâu đầu đến khâu cuối. Với kiểm lâm, nếu có tham gia và đánh giá nguồn gỗ từ Campuchia, chúng tôi chỉ đề xuất được tham gia kiểm soát ngay từ đầu vào NK”, ông Nhĩ nói.
Đứng từ góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Hạnh-Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) kiến nghị: Chính phủ Việt Nam phối hợp chính phủ Campuchia xem xét cơ chế phối hợp chính sách như thế nào để ngăn chặn không cho NK gỗ bất hợp pháp từ Campuchia, khuyến khích NK toàn bộ gỗ từ rừng trồng, từng bước cấm NK gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên.
Theo Hiệp định VPA/FLEGT: Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam XK sang EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam có giấy phép FLEGT sẽ không phải thực hiện trách nhiệm giải trình về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định EUTR 995 khi XK vào EU. Hiệp định VPA/FLEGT sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, nổi bật là mở rộng thị trường XK, cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ XK của Việt Nam. |
- Gỗ dán xuất khẩu sang Mỹ : Những quan ngại từ việc tăng đột biến
- Nắm cơ hội phát triển mới
- Con số ấn tượng: Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,6 tỷ USD
- Doanh nghiệp ngành gỗ bàn cách tối ưu lợi thế
- Xu hướng sử dụng gỗ cứng Hoa Kỳ tại Việt Nam: Tăng lên theo từng năm
- EU và quá trình thúc đẩy ngành gỗ Việt Nam phát triển
- Tái cấu trúc ngành gỗ: Lựa chọn đột phá của gỗ Việt Nam
- Phía sau những con số - gỗ cứng hoa Kỳ xuất Khẩu sang Đông nam Á Là sự cam kết của AHEC
- Giải bài toán giá đồ gỗ nội thất tự nhiên
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm gỗ Việt Nam
-
Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tọa đàm Ngành gỗ Việt Nam trước thay đổi của thị trường xuất khẩu
-
Hội chợ Quốc tế hàng phong cách ngoài trời tại Quy Nhơn Q-Fair 2025
-
HAWAEXPO 2025 -Triển lãm xuất khẩu đồ gỗ & nội thất đáng mong chờ nhất 2025