Tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Từ bài học ngành thép, ngành gỗ thận trọng hơn

31/07/2019 03:59
Tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Từ bài học ngành thép, ngành gỗ thận trọng hơn

Hiện nay, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có những thỏa thuận để kìm bớt xung đột, nhưng cả hai bên vẫn chưa thật sự có dấu hiệu xuống thang trong vài tuần qua, và cuộc chiến này vẫn tiếp diễn, cũng như tạo ra tác động tới ngành gỗ Việt Nam một cách rõ ràng.

Toàn cảnh hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch

đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”

Tại hội thảo “Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”, các chuyên gia nhận thấy những rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam trong thời gian qua. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ từ Việt Nam sang Mỹ tăng rất nhanh, kể từ nửa cuối năm 2018, khi mức thuế áp dụng cho các mặt hàng gỗ được Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ và chiều ngược lại bắt đầu leo thang. Cuộc chiến này chưa có dấu hiệu dừng lại. Bên cạnh đó, với các sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu là nhóm mặt hàng đồ gỗ (HS 94) có giá trị gia tăng cao, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội chuyển đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, đẩy tỉ trọng xuất khẩu nhóm các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm tỷ trọng của các mặt hàng nguyên liệu gỗ.Tuy nhiên, theo ông Tô Xuân Phúc, tổ chức Forest Trend, việc Mỹ áp mức thuế mới áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc cũng làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các công ty có các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Và ông cũng cho rằng, Trung Quốc là quốc gia cung cấp các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Mỹ với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 30 tỉ USD. Trong khi đó Trung Quốc có các lợi thế như nhân công giá rẻ, thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu. Vì vậy, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, Việt Nam trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Và thực tế là kể từ đầu năm cho tới thời điểm này, Việt Nam đã đón nhận dòng đầu tư FDI lớn vào ngành, đặc biệt từ Trung Quốc (đạt 7,45 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng Trung Quốc đầu tư đầu tư 21 dự án với tổng số vốn 50,075,966 USD). Rủi ro đối với ngành gỗ Việt Nam có thể xảy ra khi các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ được hình thành từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam vào Mỹ.

Những vấn đề của ngành thép khi bị Mỹ áp thuế lên tới 400% có thể là bài học lớn cho ngành gỗ trong thời gian tới. Đồng thời, bộ Công thương cũng đã cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp về việc các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn trong các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp nghiên cứu, đề ra chiến lược kinh doanh phù hợp, đặc biệt là chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc các nguồn khác. quang huy Tác động của cuộc thương chiến Mỹ - Trung: Nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung cần phải giảm bớt các hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Việc xác định để giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh là vấn đề cấp bách của ngành gỗ, và các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu. Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại - VCCI cho rằng, việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần nắm vững những quy định cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa để tránh những rắc rối. Nếu Mỹ phát hiện doanh nghiệp nào gian lận về xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa đó sẽ bị chặn lại và những doanh nghiệp khác có thể sẽ bị ảnh hưởng theo, cũng như ảnh hưởng tới toàn bộ ngành gỗ nói chung. Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm Nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, chủ động hơn trong những diễn biến, biến động mới từ nền kinh tế thế giới tác động tới nền kinh tế Việt Nam để từ đó có những giải pháp, cơ chế mới giảm thiểu rủi ro từ những biến đổi cũng như tận dụng cơ hội thị trường từ những thay đổi đem lại cho ngành sản xuất gỗ. Trong khi ông Phạm Tuấn Long, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cũng đánh giá, các cơ quan quản lý đều tạo mọi điều kiện thông thoáng, hỗ trợ tích cực doanh nghiệp trong đầu tư. Tuy nhiên, các doanh nghiệp, hiệp hội cần nâng cao ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật và phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát. Đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý của cơ quan quản lý đầu tư và sau khi cấp phép phải quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư. Vì hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh là vấn đề cấp bách của ngành gỗ, và các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu. Để thực hiện có hiệu quả vấn đề này, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương rà soát tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cũng như từ Trung Quốc vào Việt Nam nhằm xác định các rủi ro về gian lận thương mại. Quy trình cấp phép C/O cần phải được kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận chỉ cấp cho các doanh nghiệp và sản phẩm có đủ điều kiện. Các hiệp hội chú trọng việc cập nhật thông tin từ đối tác và các cơ quan chức năng để thông báo cho các hội viên, tránh các rủi ro không đáng có trong thương mại.

Quang Huy - GV113