Chống gian lận xuất xứ : Không để các nước lợi dụng xuất xứ Việt Nam

03/09/2019 04:37
  Chống gian lận xuất xứ : Không để các nước lợi dụng xuất xứ Việt Nam

Chưa lúc nào mà việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ C/O lại được coi trọng như hiện nay, khi các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Mỹ của Việt Nam có nguy cơ bị đội lốt rất nhiều, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn như thép, thủy sản, dệt may và sản phẩm gỗ.

Trong cuộc họp mới nhất với các ngành chế biến xuất khẩu vào cuối tháng 7 vừa rồi, ông Trần Thanh Hải – Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương nhấn mạnh, các hành vi gian lận tẩy xóa C/O, làm giả C/O đang diễn biến hết sức phức tạp, với riêng ngành gỗ, sản phẩm gỗ dán đang được đặc biệt lưu ý. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, tổng sản lượng xuất khẩu gỗ dán của thế giới là trên 30 triệu m3 , trong đó, Trung Quốc xuất khẩu hơn 11 triệu m3 , và Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Khi cuộc chiến thuế quan nổ ra, gỗ dán Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá trên 180% đối với gỗ dán làm từ gỗ cứng, điều đó khiến các công ty của Trung Quốc tìm hướng xuất khẩu khác bằng cách đầu tư sang Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm, nhu cầu gỗ dán xuất khẩu vào Mỹ là rất lớn, nên các cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định cụ thể đối với tỷ lệ tăng trưởng % để tránh áp thuế chống bán phá giá. Mặt khác, cũng không nên phát triển ồ ạt và tự phát các công ty gỗ dán để tránh gây thiệt hại về lâu dài cho ngành.

Sản xuất gỗ dán tại Công ty cổ phần Tre Gỗ Hải Hiền

Như Công ty CP tre gỗ Hải Hiền, một trong những doanh nghiệp nhận vốn đầu tư từ công ty sản xuất gỗ dán lớn ở Sơn Đông, Trung Quốc, đã tăng khối lượng xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ đột biến trong vài tháng qua. Đầu tháng 1 năm nay, công ty mới chỉ xuất khẩu 971 m3 gỗ dán tới thị trường Mỹ, nhưng đến hết tháng 6, con số này đã là 1.999 m3 . Theo ông Zhongan Hou, đại diện đầu tư từ phía Trung Quốc của Hải Hiền, trước đây thuế xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ là 0% hiện tại đã tăng cao 25%, nên công ty tại Trung Quốc của ông cũng như nhiều doanh nghiệp khác, chuyển hướng đầu tư sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó, phần lớn là Việt Nam, vì không chịu được mức thuế cao như vậy, trong khi khách hàng tại Mỹ là các khách hàng làm ăn lâu năm trên 30 năm, với thuế tăng cao, sản phẩm gỗ dán của công ty xuất khẩu vào Mỹ bị đẩy giá lên quá cao. Không chỉ đầu từ vào Hải Hiền, doanh nghiệp của Zhongan Hou tiếp tục đầu tư vào các nơi khác, như thành lập một công ty sản xuất gỗ dán mới ở Hải Dương. Điều quang huy Chống gian lận xuất xứ: đó cho thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc đang tận dụng thị trường và tiềm năng của ngành gỗ Việt Nam lớn như thế nào. Nhưng có một vấn đề ở hiện tại là Việt Nam chưa có đánh giá và thống kê chính thức về sản lượng gỗ dán của công ty sản xuất và các công ty thương mại chiếm tỷ lệ như thế nào, bao nhiêu % sản phẩm xuất đi là từ các công ty sản xuất trực tiếp và % từ các công ty thương mại. Đó là một khó khăn lớn trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Đặc biệt là rất khó kiểm soát các công ty thương mại, chẳng hạn như thời gian vừa qua, cửa khẩu Hữu Nghị đã phát hiện một số công ty gian lận trong việc khai mã hải quan, nhập khẩu sản phẩm gỗ dán nhưng lại khai là ván sợi, hiện đã có giám định cụ thể và xác định sai phạm. Trong khi đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại càng khó khăn hơn. Vào thời điểm này, ngành gỗ có trên 800 doanh nghiệp FDI, trong đó các doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông chiếm tới gần 70%, còn lại các nước khác. Như vậy khi các doanh nghiệp này có giấy phép đầu tư họ sẽ có quyền nhập khẩu sản phẩm, rất khó để kiểm tra các doanh nghiệp này nhập gỗ dán về dùng làm chế biến gỗ (đồ nội thất) hay là xuất khẩu đi Mỹ. Đối với các doanh nghiệp FDI rất khó để kiểm tra đối với các công ty này. Vì vậy làm thế nào để có chính sách về thu hút vốn FDI và tránh được gian lận thương mại là một yêu cầu cấp thiết. Trong khi đó, ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương – BIFA thông tin chi tiết đáng chú ý rằng, có nhiều doanh nghiệp Forwarder nhận được nhiều yêu cầu giúp đỡ về xuất xứ từ các doanh nghiệp Trung Quốc. Các công ty này chỉ cần thực hiện thao tác rất đơn giản, do vậy cần phải lưu ý đến các công ty Forwarder, khi ít doanh nghiệp từ chối được khoản lợi nhuận từ Trung Quốc với giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này sang Mỹ có thể lên tới hàng trăm triệu USD. Ông Hiệp cũng nhận định thêm, nếu không có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung xảy ra thì sự tăng trưởng của ngành gỗ là rất đáng mừng và không có rủi ro. Nhưng đối với hiện tại nếu tăng trưởng càng nhanh thì nguy cơ lẩn tránh thương mại càng lớn, và khi có sự chênh lệch từ giá thì sẽ không thể ngăn được việc gian lận thương mại. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm việc quyết liệt hơn trong thời gian tới. 

QUANG HUY - GV114