Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm thắng lợi của ngành gỗ

21/01/2020 09:58
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm thắng lợi của ngành gỗ

Không chỉ tăng giá trị xuất khẩu lên 11,31 tỉ USD trong năm 2019, ngành gỗ đã trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua và là một trong những ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao trong hội nghị với ngành nông nghiệp năm vừa qua.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Năm 2019 chúng ta đã thắng lợi toàn diện, đất nước đạt quy mô nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới trên 7%, kinh tế vĩ mô ổn định. Lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu trên 500 tỉ USD và đạt xuất siêu gần 10 tỉ USD, xóa đói, giảm nghèo thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  phát biểu tại Hội nghị trực tuyến ngành Nông nghiệp

Với ngành nông nghiệp, nơi mà Đảng và nhà nước luôn đặc biệt quan tâm, ngành đã đạt nhiều thành quả toàn diện về nhiều mặt, đặc biệt, xuất khẩu gỗ đã đạt mức hai con số, tỉ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận đạt 91%, tăng 2% so với 2018. Diện tích rừng trồng chuyển từ gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đạt trên 500.000 ha vào năm 2019. Diện tích rừng có chứng chỉ FSC tăng từ 134.980 ha năm 2015 lên 250.061 ha năm 2019.

Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung tăn lên đạt 16 triệu m3 (chưa bao gồm gỗ cao su), tăng 4,8% đáp ứng trên 80% nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, trước 2010 chỉ đáp ứng được 20%. Xây dựng được nhiều mô hìnnh về kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi sản phẩm, quản lý rừng bền vững trong lâm nghiệp, lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tăng thêm 25%-30%.

Đó không chỉ là những con số đơn thuần, mà nó cho thấy sự chuyển biến thật sự tích cực của ngành gỗ Việt Nam trong năm qua, khi chúng ta đã hướng đến việc phát triển bền vững, cũng như thực hiện các cam kết quốc tế song phương, đa phương, các hiệp định về bảo đảm nguồn gốc xuất xứ gỗ và sản phẩm gỗ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những nỗ lực của toàn ngành gỗ, các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước đã cùng nhau tạo ra sự liên kết chặt chẽ, thông tin kịp thời các chính sách quản lý, thông tin các thị trường mới, sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong việc bảo đảm nguồn gốc sản phẩm hợp pháp và có chứng chỉ quốc tế, tránh các vụ kiện chống bán phá giá, luôn thận trọng trước các vụ gian lận xuất xứ… Tất cả đó đều là những điều mà ngành gỗ thực hiện để hướng tới ngành gỗ xanh, có giá trị và tạo ra niềm tin trên thị trường quốc tế.

Không dừng lại và không thỏa mãn với thành công của năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ngành công nghiệp gỗ cần phải bám vào những chữ mà Thủ tướng dành tặng cho ngành nông nghiệp như chủ động, sáng tạo, tích cực để tiếp tục vượt lên trên con số xuất khẩu 11,31 tỉ USD hiện tại, cũng như hướng đến những mục tiêu cao hơn.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến tỉ lệ che phủ rừng đạt 42%, đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, để có nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ và hướng tới con số xuất khẩu năm 2025 đạt trên 20 tỉ USD. Đồng thời, ngành gỗ phải phấn đấu mạnh mẽ trong năm 2020 để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành lâm nghiệp phát triển nhất, đóng vai trò chủ lực về xuất khẩu lâm sản hàng đầu thế giới.

Đồng thời, tiếp tục hướng tới những mục tiêu bản lề như đưa ngành gỗ Việt Nam vào vị trí trung tâm của thế giới, tạo ra một thương hiệu ngành gỗ mạnh và có sức lan tỏa, hướng tới những giá trị cao về xu hướng, về ý tưởng và về phong cách, tạo ra một giá trị riêng biệt và độc đáo cho ngành gỗ ngay trong năm 2020.

Gỗ Việt số 119- Tháng 1+2/2020