Lao đao vì Covid-19
“Covid -19 lan rộng sang các nước Âu Mỹ dẫn tới việc đóng cửa toàn bộ chuỗi cửa hàng và dừng mọi hoạt động giao hàng của công ty, kể cả các lô hàng đã sản xuất và có kế hoạch giao hàng trước đây đã bị hủy, đơn hàng bị cắt giảm”, chị Nguyễn Thị Việt ngao ngán nói về những khó khăn mà công ty Woodsland phải đối mặt trong thời gian qua.
Công ty Woodsland là công ty lớn chuyên xuất khẩu các loại bàn ghế, tủ sang Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc, chị khẳng định thêm, doanh thu tháng 4, 5 và 6 chắc chắn là con số không, chưa kể doanh nghiệp vẫn phải chi trả các khoản tiền khác như mua nguyên liệu, lương lao động, các khoản vay ngân hàng.
Đó không phải là trường hợp đơn lẻ, mà là phổ biến trong ngành gỗ suốt thời gian qua, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, cùng lúc Mỹ và EU bị ảnh hưởng, các đối tác của các công ty xuất khẩu sang thị trường Mỹ và EU đều phải đóng cửa hàng, do vậy các đối tác thông báo dừng nhận hàng, hoãn các đơn hàng đã đặt và cũng chưa biết tới thời kỳ nào họ mới tiếp tục nhận hàng.
Nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp sản xuất
Đứng trước tình hình đó nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn bắt buộc phải giảm lao động, như Công ty cổ phần Lâm Việt, đơn vị xuất khẩu lớn với hơn 1000 lao động thường trực, cuối tháng 3 vừa qua, đã phải giảm 300 lao động, đầu tháng tư giảm 300 lao động nữa, đồng thời phải chi thêm tiền hỗ trợ theo qui định của Luật lao động, với số tiền tối thiểu từ 500.000 VNĐ/người. Hiện nay, công ty chỉ duy trì được công việc cho 400 lao động.
Ông Nguyễn Liêm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Việt chỉ hi vọng, gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh chóng được triển khai để giúp doanh nghiệp đứng vững trong thời gian này, duy trì hoạt động cho số lao động còn lại.
Đó là tình hình của các doanh nghiệp lớn, còn với những doanh nghiệp nhỏ thì mọi thứ khó khăn hơn nhiều. Ông Nguyễn Văn Khiêm – phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát cho biết, hiện nay, công ty đã phải giảm công suất hoạt động xuống còn 30%, nhưng vấn đề lớn nhất chính là việc khôi phục sản xuất thì phải mất đến hàng năm thì công ty mới có thể hoạt động bình thường như trước kia, và đó là vấn đề cực kì nan giải.
Đây là những doanh nghiệp vẫn còn sức lực cầm cự, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đã phải đóng cửa vì không vượt qua được, trong báo cáo khảo sát 124 DN mới nhất của các chuyên gia từ VIFOREST, HAWA, BIFA, FPA Bình Định và Forest Trends, trên một nửa (51%) số doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã thu hẹp quy mô sản xuất; 35% doanh nghiệp cho biết mặc dù vẫn đang hoạt động bình thường nhưng sẽ phải tạm ngừng sản xuất trong thời gian tới. Chỉ có 7% số doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, tuy nhiên điều này có thể thay đổi bất cứ lúc nào, phụ thuộc vào biến động của dịch. Và 11% số doanh nghiệp trong nhóm đã dừng hoạt động cho biết họ phải dừng hoạt động trong 3 tháng trở lại đây, trong khi 89% còn lại cho biết chưa xác định được thời gian sẽ tái sản xuất.
Báo cáo cũng cho thấy tính đến cuối tháng 3/2020, đã có khoảng 45% lao động trong các DN này bị mất việc. Cụ thể, trước dịch Covid -19, tổng số lao động làm việc tại 105 DN là 47.506 lao động. Khi đại dịch diễn ra có 21.410 lao động tạm nghỉ việc, tương đương 45% trong tổng số lao động.
Rõ ràng, dịch Covid-19 đã tạo ra tác động tiêu cực tới ngành gỗ Việt Nam, vốn được dự đoán tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2020. Theo ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng lớn chỉ sau chiến tranh thế giới thứ hai, đối với ngành gỗ hàng ngàn doanh nghiệp gỗ sẽ phải đóng cửa, hàng trăm ngàn lao động đang có nguy cơ mất và không có việc làm. Đây là thực tế mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt và cố gắng gồng mình để duy trì sản xuất.
Lúc này, sự hỗ trợ từ Chính phủ về thuế, giãn nợ vay ngân hàng, hạ lãi suất vay, tín dụng cho DN trong dịch là rất kịp thời, và đặc biệt sau đại dịch để các doanh nghiệp hồi phục sản xuất nhanh nhất.
Ngoài sự hỗ trợ của Chính phủ thì các doanh nghiệp cần cố gắng hết mình, để duy trì tồn tại cho dù có thể phải đóng cửa nhà máy, để tạo ra công tác chuẩn bị tốt nhất để khi đại dịch lắng dịu, sẽ tiếp tục tổ chức sản xuất được ngay để giữ vừng thị trường. Nếu không đủ sức mạnh nội lực, sau đại dịch khi nhu cầu về tiêu dùng hàng hóa tăng rất cao, thì các thị trường sẽ bị các đối thủ chiếm lĩnh hết, đặc biệt là các doanh nghiệp Trung Quốc, những người đã có sự chuẩn bị và chuyển dịch mạnh mẽ.
Mạnh Hùng - Gỗ Việt số 121,tháng 4/2020
- Ngành gỗ đối mặt khó khăn kép: Giữ nội lực trước bão Covid-19
- Hội thảo trực tuyến ngành Gỗ : Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phát: Phát triển bền vững giai đoạn hậu dịch?
- Gỗ dán trước nguy cơ bị kiện: Cuộc đua chứng minh sự minh bạch
- Ứng phó với Covid 19: Tăng cường liên kết, vượt qua thách thức
- Covid -19: Ngành gỗ Việt Nam đối diện với mức tăng trưởng 0% trong năm 2020
- Gỗ dán cứng Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện gian lận xuất xứ
- Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị: Cất cánh tới năm 2025
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm thắng lợi của ngành gỗ
- Xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025: Ngành gỗ cần thực hiện chương trình hành động đồng bộ
- Xuất khẩu gỗ 2019: Đặt bản lề cho mục tiêu xa hơn
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu