Gỗ dán trước nguy cơ bị kiện: Cuộc đua chứng minh sự minh bạch
Việc DOC nhận đơn yêu cầu điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, đặt ngành gỗ dán cứng Việt Nam trước nguy cơ rất lớn.
Vài ngày sau khi nhận được thông báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) về việc Liên minh thương mại công bằng gỗ dán cứng Mỹ (nguyên đơn) đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) điều tra áp dụng chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng xuất khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ dán Việt Nam như ngồi trên lửa.
Sản phẩm bên nguyên đơn yêu cầu điều tra lần này là mặt hàng gỗ dán cứng (hardwood plywood) có mã HS theo phân loại của hải quan Mỹ. Theo cáo buộc của nguyên đơn, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm nhanh, từ khoảng 800 triệu USD năm 2018 xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019, sau khi DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc hồi tháng 1/2018, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98% - 194,9%.
Bên nguyên đơn cũng cáo buộc các nhà sản xuất của Trung Quốc đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ. Các nhà máy lắp ráp sản phẩm gỗ dán cứng tại Việt Nam và nhà máy sản xuất tại Trung Quốc là các công ty liên kết thực hiện hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm của Trung Quốc. Sản phẩm gỗ dán xuất khẩu từ Việt Nam tăng lên nhanh chóng từ 63 triệu USD năm 2017, tăng lên 187 triệu USD năm 2018 và 309 triệu USD năm 2019.
“Đơn yêu cầu điều tra đang nhận định sai lầm khi cho rằng sản phẩm gỗ dán cứng Việt Nam là nhập từ Trung Quốc, qua sơ chế xử lý rồi xuất sang Mỹ”, ông Hoàng Tài cho biết và cảm thấy lo lắng, “Nếu Việt Nam không có phản ứng phù hợp, chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”.
Ông cũng khẳng định, Junma công ty đang duy trì ổn định số lượng đơn hàng gỗ dán cứng từ các khách hàng Mỹ như HARDWOOD, FAR EAST AMERICAN, RICHMOND… Với tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm gỗ dán cứng sản xuất tại tập đoàn trên 90%, sản phẩm của Junma hoàn toàn phù hợp” với các tiêu chuẩn Việt Nam, cũng như các tiêu chuẩn của Mỹ (CARB PII) để gắn nhãn mác MADE IN VIETNAM xuất sang thị trường Mỹ.
Junma chỉ là một trong số 160 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ, và phần lớn trong số này là doanh nghiệp FDI, và việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ chưa chặt chẽ là nguyên nhân chính dẫn đến các hành vi gian lận thương mại sản phẩm gỗ dán vào Mỹ. “Xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ chủ yếu là các công ty lớn FDI từ Trung Quốc và một số công ty tư nhân Việt Nam có vốn đầu tư từ Trung Quốc”, ông Trịnh Xuân Dương, Giám đốc Công ty Kẻ Gỗ cho biết.
Nhận xét của ông Dương là có cơ sở, vì thương chiến Mỹ-Trung kéo theo nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu vào các thị trường lớn, khi các công ty gỗ dán của Trung Quốc gần như mất khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại thị trường này vì họ phải chịu mức thuế xuất khẩu vào Mỹ tăng lên đến 25%. Một làn sóng dịch chuyển sản xuất đã tràn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, kể từ năm 2018.
Ông Zhongan Hou, Giám đốc một công ty lớn ở Sơn Đông - Trung Quốc chuyên xuất khẩu gỗ dán vào Mỹ, đã đổ vốn vào Công ty Tre gỗ Hải Hiền ở tỉnh Hòa Bình và thành lập mới một công ty sản xuất gỗ dán ở Hải Dương. Khối lượng xuất khẩu gỗ dán sang Mỹ của Hải Hiền tăng rất nhanh, từ 971 m3 hồi tháng 1/2019 đã tăng lên 1.999 m3 vào tháng 6/2019. Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan, tại tọa đàm ngày 10/9/2019, đã thừa nhận tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định tiêu chí CTSH để thực hiện gian lận trong khai báo mã số HS nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra. Thậm chí có tình trạng doanh nghiệp nộp chứng từ không hợp lệ, sử dụng các chứng từ giả hoặc quay vòng chứng từ…
Theo ông Lê Sỹ Giảng, Giám đốc Công ty tư vấn GHConsults, cáo buộc ban đầu của nguyên đơn phía Hoa Kỳ là các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp hiện đang được Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc. Tức là Mỹ có thể mở rộng phạm vi áp dụng với cả Việt Nam, ban đầu chỉ áp dụng đối với Trung Quốc.
Ông Giảng cho biết, chưa biết liệu các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp FDI, có lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ hay không, vì còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của từng doanh nghiệp. Thế nhưng, vụ kiện (nếu xảy ra) sẽ có hệ lụy rất lớn đối với ngành gỗ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không tham gia vụ kiện, hoặc tham gia nhưng không chứng minh được mình không liên quan đến việc lẩn tránh, thì thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp hiện nay đang áp dụng cho Trung Quốc, thuế chống bán phá giá là 183%, thuế chống trợ cấp là từ 22,98 – 194,9%, sẽ được áp tương ứng cho doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nếu bị áp ở mức thuế đó chắc chắn sẽ không còn bất kỳ cơ hội nào để xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Kinh nghiệm ở ngành thép cho thấy. việc tham gia đầy đủ vào vụ kiện sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Ông Giảng khuyến cáo, trước mắt, nếu doanh nghiệp làm tốt, có thể tránh được việc áp thuế. Kế đến, nếu chỉ có một số lượng nhất định doanh nghiệp tham gia vào vụ kiện và tránh được việc áp thuế, doanh nghiệp sẽ có lợi thế rất lớn so với các doanh nghiệp khác trên thị trường.
Để ứng phó với tình hình này, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Viforest nhận định có ba việc cần làm ngay. Thứ nhất, các doanh nghiệp gỗ dán cần tận dụng thời gian để xem xét lại hồ sơ, chứng từ liên quan đến sản phẩm gỗ dán xuất khẩu vào Mỹ. Thứ hai, các bộ ngành liên quan và các địa phương rà soát và kiểm tra để loại bỏ những dự án núp bóng đầu tư để giả mạo xuất xứ, đồng thời khởi động một chương trình tăng cường kiến thức phòng vệ thương mại, hướng dẫn xây dựng mẫu báo cáo đạt chuẩn theo yêu cầu của Mỹ. Thứ ba, Bộ Công thương và VCCI, hai đơn vị chịu trách nhiệm cấp C/O cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần siết chặt hoạt động xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ, đặc biệt cấp C/O cho các doanh nghiệp FDI có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Một số nhận định của Mỹ về cách thức sản xuất gỗ ván ép tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp nhập gỗ ván ép thành phẩm từ Trung Quốc, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (Vi phạm)
2. Doanh nghiệp nhập cốt, giấy dán mặt từ Trung Quốc, thực hiện dán mặt, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (Vi phạm)
3. Doanh nghiệp mua ván cốt từ các xưởng sản xuất nhỏ tại Việt Nam, nhập giấy dán mặt từ Trung Quốc, thực hiện dán mặt, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (Không phù hợp tiêu chuẩn CARB-II)
4. Doanh nghiệp nhập ván bạch dương 1.7mm-2.0mm đã dán sẵn mặt Birch từ Trung Quốc, mua ván cốt từ các xưởng sản xuất nhỏ tại Việt Nam, thực hiện tăng lớp, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (Không phù hợp tiêu chuẩn CARB-II)
5. Doanh nghiệp mua toàn bộ nguyên vật liệu (ván bóc, giấy dán mặt,…) từ Trung Quốc, sản xuất tại Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ (Không phù hợp tiêu chuẩn sản phẩm Made in Vietnam)
6. Doanh nghiệp mua nguyên vật liệu (ván bóc, gỗ tròn,…) tại Việt Nam, nhập giấy dán mặt từ Trung Quốc (chiếm từ 5-10% giá thành), thực hiện sản xuất tất cả các khâu tại Việt Nam, đóng bao bì nhãn mác Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ. (Phù hợp với tiêu chuẩn Carb-II, phù hợp tiêu chuẩn hàng xuất Made in Vietnam)
HẢI VÂN - GV 120
- Ứng phó với Covid 19: Tăng cường liên kết, vượt qua thách thức
- Covid -19: Ngành gỗ Việt Nam đối diện với mức tăng trưởng 0% trong năm 2020
- Gỗ dán cứng Việt Nam đứng trước nguy cơ bị kiện gian lận xuất xứ
- Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị: Cất cánh tới năm 2025
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Năm thắng lợi của ngành gỗ
- Xuất khẩu 20 tỷ USD năm 2025: Ngành gỗ cần thực hiện chương trình hành động đồng bộ
- Xuất khẩu gỗ 2019: Đặt bản lề cho mục tiêu xa hơn
- Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,5 tỷ USD năm 2019
- Ông Nguyễn Tôn Quyền : Ngành gỗ đã đạt sự phát triển mang tính đột phá
- ĐẠI HỘI HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN VIỆT NAM NHIỆM KỲ IV (2019-2024)
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu