Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp

29/08/2020 10:25
Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp

Những thay đổi phức tạp trên thị trường dăm gỗ xuất khẩu suốt thời gian qua một lần nữa đặt ra những câu hỏi cần được giải đáp cho ngành công nghiệp gỗ, rộng hơn là cho cả ngành lâm nghiệp Việt Nam.

Tất cả biết rằng, giá dăm gỗ giảm mạnh đã tác động lớn tới các doanh nghiệp, hộ trồng rừng và giá trị xuất khẩu của ngành gỗ trong năm 2020, các lý do đã được chỉ rõ, một phần là do thị trường giấy giảm, phần khác do ảnh hưởng của Covid-19, và yếu tố thứ ba là do - hiện dăm gỗ ở tất cả thị trường như các nước Nam Mỹ, giá đang giảm từ 26-28 USD/FOB/tấn dăm so với trước, trong khi đó giá dầu đang thấp, vì vậy tàu các nhà mua dăm sẽ tới các nước Nam Mỹ như Brazil, Chile để thu mua. 

Trước đó, trong năm 2019, đề xuất tăng thuế xuất khẩu gỗ dăm với hi vọng làm chậm việc khai thác những khu rừng vừa đến tuổi, dưỡng rừng gỗ lớn, nhờ đó đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển trong khâu sản xuất nguyên liệu, từ gỗ nhỏ cung cho ngành dăm sang gỗ lớn cung cho ngành chế biến gỗ, dịch chuyển trong sản xuất từ dăm sang đồ gỗ và dịch chuyển trong cơ cấu xuất khẩu thông qua việc giảm tỉ trọng xuất khẩu gỗ nguyên liệu, bao gồm dăm, sang các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, đã từng là chủ đề nóng của ngành gỗ suốt khoảng thời gian này.

Nếu vì xuất khẩu dăm mà thiếu nguyên liệu cho chế biến gỗ thì không phải là nhận định chính xác, vì nguyên liệu dùng cho chế biến gỗ bán với giá rẻ và có thể tính toán được, để ra 1m3 gỗ xẻ đạt tiêu chuẩn dùng cho chế biến gỗ hiện mua với mức giá là 3,7 triệu VNĐ/m3 trong khi đó để có 1m3 gỗ xẻ này thì ít nhất phải mất gần 3m3 gỗ tròn, trong khi giá mua gỗ tròn để làm gỗ xẻ mua ở mức từ 1,2 - 1,3 triệu VNĐ/m3, như vậy người dân xẻ gỗ bán cho các nhà máy chế biến gỗ liệu có lãi không? 

Trong khi đó họ còn bị trừ từ 10-15% về quy cách nếu sai phẩm cấp, và bị hạ mức giá bán nếu hạ phẩm cấp này chỉ còn dưới 3,4 triệu VNĐ/m3. Như vậy người dân làm gỗ xẻ họ chỉ lời được phế phẩm, trong khi đó chưa tính chi phí vận chuyển về nhà máy. Điều này có nghĩa là các nhà máy chế biến gỗ chỉ tính tới lợi nhuận của mình mà không tính tới lợi nhuận của người dân, trong đó có người dân trồng rừng. 

Và những diễn biến mới trên thị trường xuất khẩu dăm gỗ lại mang tới những câu hỏi khác nhau, chẳng hạn như quan điểm bỏ thuế xuất khẩu, vì thực tế đã cho thấy, việc tăng hoặc giảm thuế xuất khẩu dăm gỗ luôn phải tạo cơ chế không tác động tiêu cực tới nguồn thu của các hộ trồng rừng. 

Nguồn thu của hộ trên một đơn vị sản phẩm sau khi áp thuế ít nhất phải bằng với nguồn thu của hộ trên cùng đơn vị sản phẩm trước áp thuế. Nếu các chính sách thuế không đạt được mục tiêu cốt lõi này sẽ làm giảm giá trị của chính sách thuế, hoặc thậm chí phản tác dụng đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Mặt khác, thực tế hiện nay người dân hạn chế khai thác rừng để chờ cơ hội thu mua tối ưu với hi vọng có được lợi nhuận cao nhất, và với tình hình thị trường như hiện này thì hầu hết người dân để vượt qua thời điểm tối ưu, điều đó sẽ tác động tới nguồn thu, điều kiện kinh tế và cả sinh kế của họ. Và một câu hỏi nữa là nếu trồng rừng không mang lại hiệu quả cho người dân thì liệu họ có trồng rừng cho chu kỳ sau không? 

Vũ Huy  (Gỗ Việt số 125, tháng 8/2020)