Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản

29/08/2020 09:58
Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản

“ Nếu không xuất khẩu được dăm gỗ thì không có cách nào để đẩy giá gỗ tăng trở lại vì khối lượng tồn đọng quá lớn”, anh Lương Văn Định – một chủ xưởng dăm gỗ tại Đồng Hỷ, Thái Nguyên chia sẻ. Anh Định cũng như nhiều xưởng dăm khác khu vực này và các tỉnh thành khác đang đau đầu tìm cách cứu vãn tình thế hiện tại của đơn vị mình. 

Nhưng có lẽ, anh cũng giống như các đồng nghiệp khác không thể tìm ra giải pháp nào khác ngoài việc chờ đợi vào đơn hàng từ nước ngoài. Các đơn hàng xuất khẩu là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi bài toán về vốn và chắc chắn là sự tồn tại của mỗi đơn vị sản xuất. “Tôi hi vọng trong quý III sẽ có đơn hàng xuất khẩu, nếu không chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, trong khi nhiều đơn vị khác nhiều khả năng bị phá sản vì vốn đọng lớn, nợ ngân hàng nhiều”.

Khó khăn của các cơ sở sản xuất dăm này cũng là khó khăn chung của cả ngành gỗ và nó đang trở thành vấn đề lớn đối với ngành gỗ trong năm 2020. Nó không chỉ tác động tới ngành, tới các doanh nghiệp mà nó còn chạm tới cả người trồng rừng, những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong chuỗi kinh doanh này, khi các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đang bị ép giá từ các đối tác nhập mua hàng, và họ không còn cách nào khác, là giảm giá thu mua nguyên liệu từ người trồng rừng.

Giá dăm gỗ giảm đột ngột do ảnh hưởng của dịch, đồng thời do sự chuyển dịch của nhà nhập khẩu dăm gỗ lớn là Trung Quốc sang các thị trường khác, khiến cho mức giá xuất khẩu dăm trong 6 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước giảm từ 15-18 USD/tấn tùy từng thị trường nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp như của anh Định gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì sản xuất và bức thiết hơn cả là tồn tại trong thời gian tới. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, năm 2019 Việt Nam có 192 doanh nghiệp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh dăm gỗ với tổng công suất đạt gần14,9 triệu tấn. Số liệu này chưa bao gồm con số thống kê của các hộ gia đình tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh dăm gỗ.  

Nhưng đến lúc này, có nhiều xưởng dăm như xưởng anh Định hiện đã đóng cửa, hoặc có xưởng còn hoạt động cũng giảm 60-70% công suất và nhiều khả năng trong số này đứng trước nguy cơ phá sản nếu như dăm gỗ không tìm được đầu ra và giá dăm gỗ vẫn chìm sâu như hiện tại. Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì đã diễn ra trước đó.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, xuất khẩu dăm gỗ đã mang lại cho Việt Nam trên 1,67 tỉ USD, chiếm tới 18% tổng giá trị xuất khẩu của cả ngành. Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu gần 7,0 triệu tấn dăm đạt 923,01 triệu USD, giảm 1% về lượng và 6,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Giá giảm nhưng khó khăn ở chỗ, những giải pháp để giúp dăm gỗ thoát khỏi tình trạng này không có nhiều và không thật sự rõ ràng, vì trước hết, nó hầu như phụ thuộc vào sức mua từ thị trường thế giới và sau đó, như ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, mặc dù đánh giá cao đóng góp của xuất khẩu dăm gỗ trong việc duy trì tăng trưởng xuất khẩu ngành hàng nông lâm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là ngành công nghiệp chế biến gỗ, chế biến xuất khẩu các sản phẩm sâu, có tính thương hiệu và giá trị cao quan trọng hơn. 

Các chuyên gia khuyến khích, trong tình thế thị trường thế giới đang chững lại và gặp nhiều đối thủ cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ cần chuyển hướng để thích nghi với thị trường hiện tại, cũng giống như các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu xác định lại mặt hàng và định hướng sản phẩm vì tác động của dịch Covid-19. Các doanh nghiệp chế biến doanh gỗ có thể tận dụng tối đa nguyên liệu hiện có để hướng tới việc sản xuất gỗ MDF hoặc viên nén năng lượng tái tạo (viên nén gỗ). Đây là hai nhóm ngành được đánh giá có thị trường tương đối mở trong thời gian tới, vì viên nén năng lượng tái tạo đang được ưa chuộng sử dụng tại thị trường Nhật Bản hay EU. 

Đức Thành  (Gỗ Việt số 125, tháng 8/2020)