Chế biến tủ bếp: Tấn công thị trường 7 tỉ USD
Trong 7 tháng đầu năm, mặt hàng tủ bếp có sức tăng trưởng mạnh và gần như là tuyệt đối lên tới trên 100%, xu hướng này có thể dự báo và nắm bắt được khi thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ, có sức mua lớn cho mặt hàng này vì tác động của dịch Covid-19.
Rất nhiều báo cáo về thị trường Mỹ cho thấy, nhóm mặt hàng đồ gỗ nhà bếp và ngoài trời tăng mạnh suốt từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này, khiến người dân Mỹ phải ở nhà nhiều hơn, xu hướng sinh hoạt gia đình lớn hơn đã đẩy các sản phẩm liên quan đến nhà bếp, trong đó có tủ bếp tăng trưởng mạnh.
Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc diễn ra đã đẩy thị trường tủ bếp và nhà tắm sang các thị trường khác, thúc ép các nhà sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu có cơ hội để phát triển. Giá trị xuất khẩu mặt hàng tủ bếp/nhà tắm ở Bình Định trong 7 tháng vừa qua đạt trên 100 triệu USD, trong khi đó sản xuất mặt hàng đồ gỗ ngoài trời của Bình Định chỉ đạt trên 230 triệu USD, trong 7 tháng.
Giá trị xuất khẩu từ tủ bếp, vì thế đang là bệ đỡ để ngành gỗ phát triển trong thời gian tới, các cơ hội đã xuất hiện rõ ràng nhưng để nắm bắt, phát triển và xuất khẩu được, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam phải nhận định rõ khó khăn, cũng như các nhà cung cấp phải có sự liên kết chặt chẽ để cùng làm, cùng phát triển.
Quan trọng không kém là các doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được rõ hơn phương pháp tiêu dùng và sản xuất của ngành công nghiệp gỗ tại Mỹ trong thời gian hiện tại, theo đó, thị trường Mỹ đang đẩy nhanh tốc độ thiết kế, sản xuất và giao hàng, trong đó, thời gian tối ưu là hai tuần.
Trong hai tuần này, các đơn đặt hàng này gồm những công đoạn như ý tưởng của khách hàng đưa đến việc chế tạo sản phẩm, nó bao gồm các bước như phát triển ý tưởng, thiết kế tiếp thị và kĩ thuật, điều hành và kiểm soát sản xuất, lắp ráp, chà nhám và hoàn thiện, đóng gói và giao hàng.
Điều này sẽ được thực hiện bằng cách các sản phẩm nhanh chóng đi qua nhà máy và bằng thông tin. Quy trình thiết kế sẽ được liên kết với quy trình sản xuất, và được tạo điều kiện bằng cách sử dụng thiết bị tiền chế cho phép xử lý nhanh thông qua thiết kế và kỹ thuật. Ngoài ra, các tấm pano và gỗ dán sẽ loại bỏ sự chậm trễ liên quan đến xử lý đơn đặt hàng mua và giao nguyên liệu, và những vật liệu này sẽ yêu cầu xử lý tối thiểu. Đơn đặt hàng sẽ được lên lịch để xử lý và giao hàng trong hai tuần nhận hàng. Nhà sản xuất sẽ tổ chức để các sản phẩm có thể được sản xuất với tốc độ tương tự như đơn đặt hàng đến.
Tốc độ phát triển và cung cấp ra thị trường Mỹ được tối ưu hóa về thời gian nên tạo ra sức cạnh tranh rất lớn, cũng như mở ra các thị trường ngách cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn. Và xu thế này được dự báo cũng là xu thế phát triển trên thế giới trong thời gian tới, khi dịch bệnh chi phối khá mạnh đến các ngành chế biến gỗ.
Ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, với xu hướng kinh doanh và tiêu thụ ở thị trường Mỹ như hiện tại, cùng với cuộc thương chiến Mỹ-Trung tạo ra nguồn cung lớn cho thị trường thế giới với dư địa lên tới 7 tỉ USD một năm. Việt Nam đang có cơ hội để phát triển mặt hàng này nhưng chưa thật sự nắm bắt được và nếu không nhanh chóng tiếp cận, dư địa xuất khẩu sẽ biến mất.
Các chuyên gia có chung nhận định, với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, khi cơ hội để xuất khẩu gỗ duy trì được giá trị tăng trưởng thông qua xuất khẩu tủ bếp và nhà tắm thì cần tận dụng tối đa thị trường này. Và để khai thác và thích ứng với những xu hướng kinh doanh mới tại thị trường Mỹ, cần có sự chia sẻ cơ hội để rút ngắn thời gian tìm hiểu/chuyển đổi, tránh đầu tư lãng phí, và các doanh nghiệp khẩn trương nắm bắt cơ hội, chiếm lĩnh một thị phần lớn trên thế giới.
Theo đó, nên hình thành một khu tập trung sản xuất mặt hàng này, địa điểm là Bình Định, nơi có nhiều doanh nghiệp lớn đang sản xuất tủ bếp, tủ nhà tắm, để thu hút các nhà mua hàng, kéo họ lại một điểm tạo ra sức hút lớn hơn.
Hiện tại, các doanh nghiệp lớn tại Bình Định đang xuất khẩu tủ bếp đạt giá trị từ 1-2 triệu USD vì vậy, có kinh nghiệm và ưu thế so với các vùng khác trong cả nước, nếu tập trung được một mô hình lớn chắc chắn sẽ tận dụng được nguồn cung và dư địa xuất khẩu sản phẩm này.
Đức Thành (Gỗ Việt số 126, tháng 9/2020)
- Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp
- Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản
- Cần làm rõ việc áp thuế với gỗ ghép thanh
- Hệ lụy từ sự “bất thường” của gỗ dán
- Đồ gỗ ngoài trời: Bắt tín hiệu từ thị trường Mỹ
- Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá 10,54% đối với sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam
- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường: Tập trung nguồn lực, bùng nổ cuối năm
- Lao đao vì Covid-19
- Ngành gỗ đối mặt khó khăn kép: Giữ nội lực trước bão Covid-19
- Hội thảo trực tuyến ngành Gỗ : Phục hồi – Tăng tốc – Bứt phát: Phát triển bền vững giai đoạn hậu dịch?
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh