Ghế Sofa: Đối diện rủi ro gian lận xuất xứ

31/10/2020 05:29
Ghế Sofa: Đối diện rủi ro gian lận xuất xứ

Dù chưa nằm trong danh sách các mặt hàng bị phía Mỹ điều tra nhưng ghế sofa cũng đang đối diện với rất nhiều rủi ro gian lận thương mại. Đưa ra những cảnh báo sớm, đề ra những giải pháp thực thi hiệu quả để nhóm mặt hàng này của ngành gỗ không phải đối diện với các vụ kiện từ phía thị trường nhập khẩu.

Sau gỗ dán liệu có là ghế sofa?

Ghế sofa (940161) và bộ phận ghế sofa (940190/99) thuộc nhóm các mặt hàng ghế ngồi (9401). Báo cáo “Rủi ro trong gian lận thương mại các mặt hàng đồ gỗ” do các Hiệp hội, Hội ngành gỗ gồm: Viforest; FPA Bình Định; BIFA, Hawa và Tổ chức Forest Trends công bố tháng 10/2020, thông tin, các mặt hàng ghế ngồi là nhóm có giá trị xuất khẩu cao nhất vào thị trường Mỹ. Năm 2017, Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ đạt hơn 356 triệu USD, năm 2019, con số này tăng lên hơn 975 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu mặt hàng này đạt hơn 611 triệu USD. Mặt hàng ghế sofa của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ bị áp thuế chống bán phá giá với 2 mức từ 4,27% đến 70,71% kể từ 20/12/2004. Tụt giảm về kim ngạch các mặt hàng gỗ của Trung Quốc từ thị trường Mỹ được thay thế một phần từ luồng cung mới từ Việt Nam. 

Mỗi năm có khoảng 380 doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ. Số doanh nghiệp xuất khẩu ghế sofa vào Mỹ tiếp tục tăng: năm 2019 là 378 doanh nghiệp, trong 7 tháng năm 2020 là 388 doanh nghiệp. Có một thông tin rất đáng chú ý đó là mức gia tăng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm bộ phận ghế ngồi tăng đột biến kể từ 2019. Năm 2017, kim ngạch nhập khẩu ghế sofa và bộ phận ghế sofa từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt hơn 20,3 triệu USD, thì đến năm 2019 đạt gần 100 triệu USD, 7 tháng năm 2020 đạt hơn 61 triệu USD. Trước đây Việt Nam ghi nhận luồng nhập khẩu gỗ dán làm ghế sofa ở dạng nguyên tấm (kích thước 1,22 x 2,44 m) từ Trung Quốc vào Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ tháng 3 trở đi, mặt hàng gỗ dán đã cắt thành hình phần đáycủa sofa, thường khai báo ở mã hải quan HS 441233, 441294, 442199, 940390, 940190 bắt đầu được nhập khẩu vào Việt Nam. Trung Quốc là nguồn cung duy nhất các bộ phận của ghế sofa cho Việt Nam. Giá trị và lượng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất cao kể từ tháng 6/2020 đến nay.

Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia tư vấn Tổ chức Forest Trends - nhận định, có một số tín hiệu gian lận thương mại ở mặt hàng ghế sofa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Mức thuế cao áp dụng cho các sản phẩm gỗ của Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ, trong đó có ghế sofa hoặc các bộ phận chi tiết của các mặt hàng này, làm phát sinh gian lận thương mại khi các công ty này dịch chuyển đầu tư của họ sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam làm quốc gia xuất khẩu nhằm tránh thuế, trong khi không đáp ứng được các yêu cầu về xuất xứ. Cũng theo vị chuyên gia này thì việc xác định và kiểm soát gian lận thương mại là một trong những vấn đề sống còn của ngành gỗ vì đây là ngành có kim ngạch xuất khẩu rất nhiều. Đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

Khó kiểm soát bằng CO

Là doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mặt hàng sang thị trường Mỹ, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Việt - cho hay, hiện nay các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước đang bị tác động bởi phía Mỹ cho rằng phía Việt Nam có gian lận thương mại. Nếu việc này xảy ra thì doanh nghiệp sẽ bị 2 vấn đề: Do gian lận thương mại mà việc cạnh tranh không lành mạnh; rủi ro về thuế quan của nước nhập khẩu. Đây là rủi ro cực lớn đối với doanh nghiệp. “Từ đầu năm đến nay, dù dịch bệnh Covid-19, sản xuất đình trệ 2- 3 tháng nhưng xuất khẩu mặt hàng tủ bếp vào Mỹ tăng 156% so với cùng kỳ, một tỉ lệ tăng khá lớn, việc Mỹ đặt vấn đề là đúng. Cũng có thể có gian lận có thể là không”, ông Nguyễn Liêm nói.

Có mấy biện pháp để giảm thiểu gian lận thương mại, nhưng với vấn đề kiểm tra giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu (CO) là rất khó. Về CO, phía Mỹ để doanh nghiệp tự chứng nhận. Một số nhà mua hàng Mỹ họ tự làm CO và tự chịu trách nhiệm. Do đó, giải trình rủi ro gian lận thương mại bằng CO là không thể. Ví dụ từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là 7,8 tỉ USD, nhưng VCCI cấp CO có giá trị chỉ 1,1 tỉ USD, như vậy chênh lệch 7,7 lần, vậy CO sẽ không thể là công cụ để can thiệp. Gian lận thương mại doanh nghiệp có thấy, có biết nhưng không có chứng cứ dẫn đến không thể tố giác. Do đó, các doanh nghiệp mong các ban ngành phối hợp xử lý kịp thời, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030; Nghị Quyết số 119/NQCP ngày 31/12/2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp.

Ông Chu Thắng Chung- Phó cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương) - nêu quan điểm, chưa bình luận việc có gian lận hay không trong nhóm mặt hàng ghế sofa, nhưng kể cả việc chúng ta có làm rất đúng, thì dưới góc độ phía Mỹ, họ nhìn thấy mục đích chính sách của mình chưa đạt được hiệu quả. Nguyên nhân do khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ giảm thì xuất khẩu của Việt Nam tăng. Trong khi sự tăng trưởng này có nhiều mối liên hệ của doanh nghiệp Trung Quốc. Vì vậy vẫn còn những nguy cơ đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này. 

Ghế Đồ Nội Thất Ngoài Trời - Ảnh miễn phí trên Pixabay

Đồng quan điểm với ông Nguyễn Liêm, ông Chu Thắng Chung cho hay, đối với ngành gỗ, khi Mỹ nhập khẩu vào, họ không quan trọng giấy chứng nhận xuất xứ do Việt Nam cấp mà đây là nghĩa vụ của nhà nhập khẩu. Với quy định của Mỹ như vậy, chúng ta nghiên cứu cần chỉ ra những tồn tại và có các giải pháp cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp giảm thiểu nguy cơ này. Liên quan tới kiến nghị của doanh nghiệp, ông Chung cho hay, về phía Cục, Đối với từng vụ việc cụ thể, Cục đều có sự phối hợp giải trình đối với các cơ quan ở nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp trong vấn đề giải trình. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan thực thi như: Tổng cục Hải quan, Cục xuất nhập khẩu, cơ quan cấp CO, thông tin cụ thể về mặt hàng, các doanh nghiệp có nguy cơ gian lận xuất xứ để tăng cường kiểm tra kiểm soát.

Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam - nhận định: Xác định các mặt hàng rủi ro và các công ty có hành vi gian lận là việc cần làm lúc này. Cần xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận từ đó xác định các biện pháp can thiệp kịp thời. Chính phủ thành lập nhóm hành động, với sự tham gia của bên liên quan, bao gồm các cơ quan quản lý và đại diện của hiệp hội gỗ, các chuyên gia công nghệ thông tin, chuyên gia thuế, công nghệ chế biến, nhằm phát hiện và từ đó đưa ra các biện pháp xử lý nhanh, hiệu quả đối với các hành vi gian lận. Cùng với sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, các hiệp hội ngành hàng thì phía doanh nghiệp Việt cần tích cực phối hợp khi nhận được các yêu cầu từ các bên. Các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn chân chính cũng cần chủ động phối hợp với các Hiệp hội, ngành hàng gỗ tại Việt Nam trong việc chia sẻ thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn không chân chính và chia sẻ với các cơ quan quản lý.

Nguyễn Hạnh  (Gỗ Việt số 127, tháng 10/2020)