Điểm mặt rủi ro, loại bỏ gian lận
Trung Quốc là nước cung cấp sản phẩm gỗ lớn nhất trên thế giới và là nhà xuất khẩu số một vào Mỹ, trong khi Mỹ là một trong những quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ đồ gỗ nhiều nhất trên thế giới.
Thương chiến leo thang giữa hai quốc gia này dẫn đến nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh và nó được thay từ nguồn cung Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 5,13 tỉ USD, tăng 1,4 lần so với kim ngạch năm 2018. Kim ngạch từ thị trường này chiếm khoảng 54% trong tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào tất cả các thị trường.
Đây chính là điều các chuyên gia lo ngại, sự tăng trưởng đột biến đó, có thể là một gánh nặng với ngành gỗ khi chúng ta phải đối mặt với gian lận thương mại và các cuộc điều tra từ phía Mỹ, thực tế là vài cuộc điều tra chống bán phá giá đã được khởi xướng đang tác động lớn tới sự chuẩn bị của ngành gỗ, vì cùng lúc, ngành đang phải từng bước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra, xây dựng sản phẩm mới và tìm hướng đi phù hợp với tình hình hiện tại.
Các mặt hàng gỗ của Việt Nam có cơ hội gia tăng vị thế tại thị trường Mỹ thông qua việc lấp các khoảng trống thị trường tạo ra do sự tụt giảm trong xuất khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, mở rộng xuất khẩu tại thị trường Mỹ cũng ẩn chứa một số rủi ro trong gian lận thương mại. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng rất nhanh trong vài năm vừa qua. Điều này đem lại sự thăng hoa trong xuất khẩu và các tác động tích cực tới tất cả các khâu trong chuỗi cung và ngành, đặc biệt trong bối cảnh của đại dịch do Covid-19 gây ra.
Tuy nhiên, con số kim ngạch xuất khẩu mở rộng cũng chứa đựng một phần con số gian lận thương mại tạo ra bởi các công ty của Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam nhằm tránh các mức thuế mới từ thị trường Mỹ. Các công ty này nhập khẩu các chi tiết đã cắt thành hình hoặc đã qua sơ chế để sản xuất các mặt hàng đang bị áp thuế chống bán phá giá của Mỹ (đây là những sản phẩm dễ lẩn tránh để trốn xuất xứ, gian lận thương mại) sang Việt Nam, sử dụng Việt Nam là địa chỉ để xuất khẩu các mặt hàng của mình sang Mỹ. Ngành gỗ dán của Việt Nam đang bị Chính phủ Mỹ điều tra là một trong những kết quả tiêu cực trực tiếp của tình trạng gian lận thương mại của các công ty Trung Quốc.
Trong báo cáo về “Rủi ro gian lận thương mại quốc tế các mặt hàng đồ gỗ” được các Hiệp hội Gỗ công bố mới đây, các chuyên gia nhận định, gỗ và sản phẩm gỗ là một trong những nhóm mặt hàng có độ rủi ro rất lớn về gian lận thương mại. Trong đó, tủ bếp, ghế sofa và các bộ phận của các mặt hàng này đang ẩn chứa các tín hiệu về rủi ro thương mại, đặc biệt trong khâu xuất xứ, khi giá trị xuất khẩu các sản phẩm này vào Mỹ tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây. Trước tình hình đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang thúc đẩy thành lập Chi hội mặt hàng này nhằm kiểm soát rủi ro và để khai thác tối đa thị trường tiềm năng, tạo động lực cho ngành gỗ duy trì phát triển trong thời gian tới.
Là một trong những người tích cực vận động thành lập Chi hội chuyên về tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí để khai thác hiệu quả hơn thị trường này, dựa trên chuỗi liên kết và phát triển giá trị của các doanh nghiệp, ông Đỗ Xuân Lập, chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho biết, nhận diện những rủi ro này không khó.
Đầu tiên là giá trị xuất khẩu của các mặt hàng này từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu. Lý do chủ yếu là bởi các mức thuế mới được Chính phủ Mỹ áp cho các mặt hàng này từ Trung Quốc.Sau đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này từ Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh trong thời gian vừa qua có thể một phần là do các công ty của Trung Quốc có các hành vi gian lận thương mại. Tiếp theo là giá trị kim ngạch nhập khẩu mặt hàng, hoặc các bộ phận hình thành mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh. Thống kê nhập khẩu 2 nhóm mặt hàng này và/hoặc các bộ phận của 2 mặt hàng này từ Trung Quốc vào Việt Nam cho thấy mức gia tăng rất nhanh.
Mặt khác, các công ty tham gia vào sản xuất và xuất nhập khẩu các mặt hàng này chỉ tập trung vào 1 mặt hàng duy nhất hoặc các bộ phận của mặt hàng mà không đa dạng hóa đầu ra của sản phẩm. Một yếu tố khác nhìn thấy rõ là một số công ty mới được thành lập gần đây, một số công ty được tách ra từ công ty trước đó đã thành lập tại Việt Nam. Có nhiều dấu hiệu cho thấy rằng toàn bộ các công ty mới được thành lập có liên quan trực tiếp tới công ty mẹ tại Trung Quốc.Biểu hiện quan trọng không kém là toàn bộ các công ty hoặc nhà cung cấp chính tại Trung Quốc cung cấp mặt hàng cho công ty ở Việt Nam nằm trong danh sách bị thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp ở mức thuế cao. Công ty mới được thành lập tại Việt Nam nhập khẩu mặt hàng/bộ phận các mặt hàng này từ Trung Quốc để xuất khẩu vào Mỹ nhằm tránh các mức thuế mới của Mỹ.
Cuối cùng, hệ thống tiêu thụ sản phẩm tại thị trường Mỹ được kế thừa từ hệ thống mà công ty từ Trung Quốc xuất khẩu mặt hàng/bộ phận của mặt hàng cho Việt Nam đã thiết lập trước đó. Việc nhận diện rủi ro này sẽ giúp kiểm soát hiệu quả gian lận thương mại và loại trừ nó ra khỏi ngành gỗ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Theo các chuyên gia, giải pháp quan trọng nhất là từ nguồn dữ liệu thống kê xuất, nhập khẩu, cơ quan Hải quan phối hợp thông tin từ doanh nghiệp và các hội xác định các sản phẩm có dấu hiệu rủi ro. Tuy nhiên, do số mặt hàng xuất nhập khẩu vô cùng lớn, cơ quan Hải quan cần dựa vào nguồn thông tin từ các hiệp hội gỗ và các doanh nghiệp trong ngành nhằm khoanh vùng được nhóm các mặt hàng có tín hiệu gian lận.
Đức Thành (Gỗ Việt số 127, tháng 10/2020)
- Ghế Sofa: Đối diện rủi ro gian lận xuất xứ
- Hội thảo: Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam
- Đối thủ tại phân khúc tủ bếp: Nhìn rõ đối thủ, đưa tủ bếp lên ngôi
- Chế biến tủ bếp: Tấn công thị trường 7 tỉ USD
- Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp
- Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản
- Cần làm rõ việc áp thuế với gỗ ghép thanh
- Hệ lụy từ sự “bất thường” của gỗ dán
- Đồ gỗ ngoài trời: Bắt tín hiệu từ thị trường Mỹ
- Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá 10,54% đối với sản phẩm gỗ dán từ Việt Nam
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu