Ngành gỗ đối diện phòng vệ thương mại: Đừng ngại từ chối nguồn FDI không minh bạch
Rủi ro ở thị trường xuất khẩu gỗ sẽ lớn hơn trong xu hướng bảo hộ ở và căng thẳng thương mại ở nhiều điểm nóng trên thế giới gây sức ép lớn lên dòng chảy thương mại toàn cầu. Rõ ràng nhất là các sản phẩm tủ bếp và ghế sofa xuất vào thị trường Mỹ đang gặp nhiều rắc rối.
Trong tình trạng dư cung kéo dài trên thị trường, sự cạnh tranh giữa các nước sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ ngày càng gay gắt hơn, về giá thành, hiệu quả đầu tư kinh doanh, chất lượng sản phẩm và uy tín thương mại. Nhiều doanh nghiệp gỗ lo rằng nếu số lượng các vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm gỗ tăng lên, sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu trong bối cảnh thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu chưa được cải cách rốt ráo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí và đảm bảo thời gian giao hàng.
Sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ Việt Nam vào Mỹ trong bối cảnh xuất khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc vào Mỹ giảm mạnh trở thành nỗi lo thường trực của ngành gỗ. Thêm nữa, việc cơ quan quản lý nhà nước và địa phương “ngại từ chối” các dự án FDI, đặc biệt là các dự án từ Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong, đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro của ngành gỗ, không chỉ tạo thêm áp lực cạnh tranh về nhân lực và nguyên liệu trên thị trường nội địa, mà còn gia tăng rủi ro cho các nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ. Các báo cáo gần đây cho thấy bức tranh toàn cảnh thị trường là không sáng, dù lệnh giãn cách nhằm chặn dịch Covid-19 đã được Chính phủ nhiều nước gỡ bỏ. Không dừng lại ở đó, thị trường ghi nhận những dấu hiệu mới cho thấy gian lận thương mại, xuất xứ, lẩn tránh thuế có thể tiếp tục lan rộng sang thị trường EU, nếu ngành gỗ không sớm có những biện pháp xử lý một cách rốt ráo. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực ngày 1/8, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU (không bao gồm Anh) đã tăng 5% so với tháng trước đó, trong khi giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 0,1%.
Ông Vũ Hải Bằng, Tổng giám đốc Công ty Woodland, cho biết, việc Mỹ công bố điều tra nguồn gỗ Việt Nam xuất vào Mỹ đã làm giảm 25% số đơn hàng của Woodland xuất khẩu vào Mỹ, do các đối tác lo ngại Việt Nam sẽ bị đánh thuế giống Trung Quốc. Ông Bằng nói công ty của ông sẽ chịu “thiệt hại nặng nề” nếu phía Mỹ điều tra sản phẩm gỗ của Việt Nam nhập khẩu vào nước này. Điều này đặt ra yêu cầu các cơ quan quản lý của Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp gỗ phải hành động nhanh chóng để loại trừ các hành vi gian lận, giữ hình ảnh của ngành gỗ Việt và giảm thiểu các rủi ro có thể sớm phát sinh từ các thị trường xuất khẩu chính. Các vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại từ các thị trường nhập khẩu chính không phải hiện tượng bất thường, bởi các biện pháp phòng vệ thương mại là các công cụ chính sách phù hợp được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận và cho phép các thành viên sử dụng trong thương mại quốc tế.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công thương, cho biết, có hai nguyên nhân chính đẫn đến số lượng các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng gia tăng gần đây. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu, năng lực sản xuất trong nước ngày càng gia tăng nên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng về chủng loại và có sự tăng trưởng nhanh về kim ngạch. Thứ hai, cùng với chủ trương tích cực hội nhập kinh tế, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do. Vì vậy, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được dỡ bỏ ngày càng nhiều. Điều này, một mặt khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có tính cạnh tranh cao hơn tại các thị trường nhập khẩu. Mặt khác, nó cũng tạo áp lực đối với các doanh nghiệp sản xuất nội địa tại thị trường nhập khẩu, buộc họ phải tìm đến các công cụ chính sách thương mại hợp pháp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có các công cụ chính sách phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, không phải tất cả các cuộc điều tra phòng vệ thương mại đều dẫn đến kết quả bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. WTO cho phép các thành viên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, nhưng việc áp dụng cũng phải thông qua một quy trình điều tra với các điều kiện và thủ tục chặt chẽ được quy định trong các hiệp định của WTO. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm và hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra, việc điều tra có thể dẫn đến kết luận là không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Hơn nữa, ngay cả khi biện pháp phòng vệ thương mại được áp dụng, nếu hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp bị áp một mức thuế phòng vệ thương mại thấp thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động xuất khẩu, thậm chí doanh nghiệp còn có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nếu các đối thủ cạnh tranh khác bị áp một mức thuế phòng vệ thương mại cao hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói rằng:”Thể chế hiện hành về thương mại của Việt Nam chưa hỗ trợ doanh nghiệp”. Trong khi đó ở Mỹ, tư vấn luật đã gần như “một ngành kinh tế” của nước Mỹ và kiện phòng vệ thương mại có những ưu tiên nhất định. Nhưng trong quy trình và vận hành của cơ quan điều tra về thương mại của chính phủ Mỹ luôn bao gồm một bộ phận hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong nước có được “những đơn kiện tốt nhất”.
Trong hệ thống luật pháp về thương mại của Mỹ, theo Tiến sĩ Trang, các nhà làm luật của Mỹ đã “tính trước cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp” bên cạnh việc đưa ra những quy định hỗ trợ cho cơ quan điều tra. Bà hi vọng các nhà làm chính sách Việt Nam sớm áp dụng cơ chế vận hành phòng vệ thương mại, cách thức hỗ trợ doanh nghiệp của các nước Việt Nam xuất nhập khẩu hàng hóa. Quan trọng không kém, là sự minh bạch hóa thông tin của các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các cơ quan quản lý nhà nước. Bà Trang nói rằng cách thức thông tin như hiện nay là “chưa đủ” để cảnh báo kịp thời cho doanh nghiệp về các nguy cơ rơi vào các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Hoàng (Gỗ Việt số 128, tháng 11/2020)
- Giải pháp giảm thiểu lẩn tránh xuất xứ: Lập rào cản thương mại
- Ứng xử với thiên nhiên: Trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ
- Giữa đại dịch Trung Quốc vẫn tăng đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam
- Điểm mặt rủi ro, loại bỏ gian lận
- Ghế Sofa: Đối diện rủi ro gian lận xuất xứ
- Hội thảo: Xác định và kiểm soát rủi ro trong xuất nhập khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam
- Đối thủ tại phân khúc tủ bếp: Nhìn rõ đối thủ, đưa tủ bếp lên ngôi
- Chế biến tủ bếp: Tấn công thị trường 7 tỉ USD
- Thuế xuất khẩu dăm gỗ và những câu hỏi cần giải đáp
- Doanh nghiệp dăm gỗ: Đối mặt nguy cơ phá sản
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu