Kỳ vọng Chờ kịch bản trị giá 15 tỉ USD
Ngành gỗ năm 2021 được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tốt nếu tiếp tục phát huy sự sáng tạo, đổi mới như trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thực thi nghiêm các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, chống gian dối về xuất xứ hàng hóa, giảm các rủi ro về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ về đích
Năm 2020, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,37 tỉ USD, tăng 16,2 % so với năm 2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 9,53 tỉ USD, tăng 22,5% so với năm 2019. Hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có trị giá tăng trong năm 2020, dẫn đầu về trị giá xuất khẩu là mặt hàng ghế ngồi (HS 9401) đạt 2,67 tỉ USD tăng 32%; đứng thứ hai là mặt hàng nội thất bằng gỗ khác (HS 940360) đạt 2,31 tỉ USD, tăng 19,3%; thứ ba là mặt hàng nội thất phòng ngủ (Hs 940350) đạt 1,37 tỉ USD tăng 5%,mặt hàng bộ phận đồ gỗ (HS 940390) đạt 1,07 tỉ USD tăng 38% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là mặt hàng đồ nội thất nhà bếp (Hs 940340) đạt 0, 67 tỉ USD có tốc độ tăng trưởng cao nhất tới 83% so với năm 2019, tuy nhiên trị giá chỉ chiếm 10% tỷ trọng trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Về nhóm mặt hàng gỗ, dăm gỗ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 1,48 tỉ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Các loại ván sợi, ván dăm, gỗ dán đạt 0,76 tỉ USD giảm nhẹ (0,5 %) so với 2019. Đáng chú ý trong nhóm mặt hàng gỗ, giá trị xuất khẩu mặt hàng ván bóc (HS 4408) lại tăng mạnh trên 50%. Về thị trường, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc là các thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam năm 2020 (chiếm 78,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ). Năm 2020 giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh tại các thị trường: Hoa Kỳ (tăng 1,8 tỉ USD tương đương tăng 34%), Canada (tăng 28,8 triệu USD tương đương tăng 14.4%), Australia (tăng 20,1 triệu USD tương đương tăng 13,6%), Thái Lan (tăng 9,3 triệu USD tương đương tăng 20,4%) và Bỉ (tăng 5,4 triệu USD tương đương tăng 13,7%).
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam- nhận định, mặc dù đối mặt nhiều khó khăn như tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, thiên tai bão lũ trong nước, các cáo buộc về nguồn gốc nguyên liệu gỗ nhưng kết thúc năm 2020 ngành gỗ vẫn đạt được những kết quả khả quan, về kim ngạch xuất khẩu đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. “Vượt qua sự rung lắc của thị trường, tác động của dịch COVID-19 khiến năm 2020 trở thành năm đặc biệt khó khăn đối với ngành gỗ. Tuy nhiên, “vượt bão” thành công, xuất khẩu của ngành gỗ năm 2020 ước đạt gần 12,37 tỉ USD, dẫn đầu trong việc kéo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản trong cả nước”, ông Đỗ Xuân Lập nói. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2020, xuất khẩu gỗ và lâm sản không những duy trì mà vượt kế hoạch đặt ra, đóng góp lớn cho tăng trưởng của toàn ngành Nông nghiệp. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo của người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị quản lý nhà nước trong việc tận dụng các lợi thế do các hiệp định thương mại tự do mới mang lại; đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, tiếp thị, đa dạng mẫu mã, tiến hành tiếp thị online qua các triển lãm trực tuyến, tìm kiếm phát triển thị trường mới… và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong nước, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vẫn còn nhiều “nút thắt” mà ngành chế biến và xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ cần tháo gỡ. Bởi lẽ, mặc dù công nghiệp chế biến gỗ và phát triển đồ gỗ có bước tiến nhưng sản phẩm vẫn chủ yếu là thô, doanh nghiệp chế tác đồ gỗ nội thất sâu, các sản thủ công mỹ nghệ có giá trị cao vẫn chưa phổ quát. Đặc biệt doanh nghiệp chế biến gỗ có sự mất cân đối vùng, tập trung chủ yếu ở miền Nam và tỉnh miền Đông, trong khi các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Bộ còn thiếu các nhà máy, khu công nghiệp ngành gỗ. Việc này dẫn đến tình trạng logistics cao, giá thu mua nguyên liệu của người dân thấp, không kích thích được tái tạo, phát triển rừng. Bên cạnh đó, cạnh tranh thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt. Hàn Quốc và Mỹ là hai thị trường mà ngành gỗ xuất khẩu nhiều nhất giờ đều "giơ thẻ" (điều tra chống lẩn tránh thuế). Đây là điều hết sức nguy hiểm cần phải lưu ý. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng cục Lâm nghiệp cần phải tiếp tục đẩy nhanh việc trồng rừng để phát tiển có ngành xuất khẩu gỗ bền vững.
Theo ông Phạm Văn Điển - phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP... không tránh khỏi hàng nước ngoài trà trộn, giả mạo xuất xứ hàng Việt để xuất khẩu, hưởng thuế suất 0%, đây là nguy cơ cực kỳ lớn. Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam tuyệt đối không "tiếp tay" cho hành động này, phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn tận gốc vấn đề này.
Vẫn còn những yếu tố tác động đến sự phát triển của ngành gỗ, bởi lẽ chuỗi cung đã chuyển dịch về Việt Nam rất lớn. Đây là nền tảng để các nhà máy có nhiều việc làm, thúc đẩy sản xuất. Về thị trường, trọng tâm năm 2021 vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ. Riêng với thị trường EU, thuận lợi về chính sách do được hỗ trợ thuế từ Hiệp định EVFTA, đáng chú ý, trong năm 2020, các DN trong ngành đã tích cực chuyển hướng sang thị trường EU để đa dạng hóa thị trường. Giữ vững và mở rộng thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu ngành gỗ nhận định, năm 2021, thị trường này sẽ tăng trưởng. Cùng với đó, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đang ổn định và phát triển.
Với dự báo về kinh tế chung của thế giới và Việt Nam năm 2021 sẽ hồi phục và đạt được mức tăng trưởng tốt, đặc biệt khi vắc xin Covid-19 được đưa vào sử dụng trên diện rộng. Ngành gỗ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng tốt nếu tiếp tục phát huy sự sáng tạo, đổi mới như trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đồng thời thực thi nghiêm các quy định về nguồn gốc gỗ nguyên liệu, tránh các gian dối về xuất xứ hàng hóa, giảm các rủi ro về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu; Đồng thời, bảo vệ, phát triển các vùng nguyên liệu trong nước, quy hoạch và phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Để hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2021, về phía Bộ Công thương sẽ tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Nắm bắt thông tin thị trường và cảnh báo sớm các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, rủi ro trong thanh toán, các hoạt động tuyên truyền thiếu thiện chí đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam; khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; kịp thời thông tin để Chính phủ, các bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp có phản ứng kịp thời. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các Bộ ngành và các đơn vị liên quan triển khai đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại tiếp cận mở rộng thị trường xuất khẩu. Theo dõi sát tình hình nhập khẩu, đề xuất triển khai các biện pháp quản lý nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế nếu cần thiết, kể cả các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nguyễn Hạnh (Gỗ Việt số 130, tháng 1/2021)
- Điều tra thao túng tiền tệ theo mục 301 đối với Việt Nam: Không áp thuế lên hàng hóa Việt
- Mục tiêu ngành gỗ năm 2021: Phát triển nhờ "vaccine" năm 2020
- Nhận diện thách thức năm 2021: Gạt bỏ lực cản, tiến tới mục tiêu
- Ngành gỗ năm 2021: Giữ vững thành công trước thách thức
- Xuất khẩu gỗ năm 2020 cán mốc gần 12,5 tỷ USD
- Chi Hội Dăm gỗ Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ nhất
- Doanh nghiệp gỗ chung tay, chính thức ra mắt Quỹ Việt Nam xanh
- Hiệp định RCEP với ngành gỗ: Mở ra thị trường 2,2 tỉ người
- Ngành gỗ đối diện phòng vệ thương mại: Đừng ngại từ chối nguồn FDI không minh bạch
- Giải pháp giảm thiểu lẩn tránh xuất xứ: Lập rào cản thương mại
-
Nhân rộng mô hình nhóm liên kết thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng
-
TavicoHome và điểm nhấn Lễ hội mua sắm “New Year New Home”
-
Tập huấn phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ
-
Tháo gỡ vướng mắc trong quản lý gỗ xuất khẩu
-
Chứng chỉ FSC – 30 năm với hành trình bảo vệ rừng và đảm bảo giá trị xanh