Nâng bước ngành gỗ nhờ Xúc tiến thương mại
Doanh nghiệp ngành gỗ phần lớn mới quan tâm đến khâu sản xuất mà chưa để ý đến phần xúc tiến thương mại. Đi song song “hai chân” sẽ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nâng vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong bức tranh chung của ngành gỗ.
Giữ hình ảnh ngành gỗ
Tham gia Hội chợ Máy và Nguyên gỗ quốc tế Bình Dương - BIFA WOOD VIETNAM - thường niên vào tháng 8, ông Phạm Ánh Dương - Giám đốc Công ty TNHH Xây Dựng và sản xuất MDF Hải Dương (Vinamdf) - cho hay, chi phí bỏ ra hàng năm cho công tác trang trí gian hàng không nhỏ, bởi quan điểm đây là hình ảnh của doanh nghiệp và chúng tôi luôn chủ động để đón khách hàng quốc tế ở mọi thời điểm.
Những năm trước, Vinamdf đã kết nối được với rất nhiều khách hàng. Các đối tác chủ yếu là nội địa, phần khách hàng quốc tế chưa nhiều. Dù vậy, theo ông Phạm Ánh Dương, đến với các Hội chợ đây là cách để doanh nghiệp tham gia vào sân chơi ngành gỗ, qua đó khách hàng thấy được sự hiện diện của doanh nghiệp mình.
Cũng theo ông Phạm Ánh Dương, các sản phẩm gỗ của Việt Nam khá đa dạng. Đến với BIFA WOOD VIETNAM 2024, Vinamdf giới thiệu đến các đối tác khách hàng các sản phẩm có nguồn gốc gỗ hợp pháp, có chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững). Đây là yếu tố mà các khách hàng EU, Mỹ, Nhật Bản đều yêu cầu. “BIFA WOOD VIETNAM 2024 các gian hàng bài trí khoa học hơn, khâu tổ chức chuyên nghiệp hơn. Tham gia Hội chợ cũng là cách để doanh nghiệp chung tay đồng hành cùng xây dựng ngành gỗ Việt Nam lớn mạnh. Bởi khi ngành gỗ lớn mạnh rồi mới tham gia thì sẽ là câu chuyện khác”, ông Phạm Ánh Dương chia sẻ.
Không có gian hàng tham gia Hội chợ, tuy nhiên, việc tham quan gian hàng tại Hội chợ là không thể thiểu bởi theo ông Trịnh Xuân Dương - Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, Hội chợ là "ngày hội" của ngành gỗ, việc tham gia theo hình thức nào cũng là cách để các doanh nghiệp có thể chia sẻ thông tin và kết nối với nhau.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024 có 3.324 doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào xuất khẩu gỗ và sản phẩm đạt 7,36 tỉ USD, trong đó các doanh nghiệp FDI đạt 3,48 tỉ USD, chiếm 47,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng về số lượng doanh nghiệp FDI tham gia xuất khẩu chỉ có 669 doanh nghiệp, chiếm 20,1% tổng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Có thể thấy, trong khâu xuất khẩu, các doanh nghiệp FDI vẫn thể hiện sự vượt trội so với các doanh nghiệp nội về kim ngạch. Doanh nghiệp trong khối FDI cũng thường tập trung vào các mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao và ít tham gia vào sản xuất và thương mại các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như viên nén, dăm gỗ.
Cạnh tranh với doanh nghiêp FDI
Ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - thông tin, doanh nghiệp FDI số lượng ít nhưng tỉ trọng xuất khẩu lớn, vì đây là các doanh nghiệp lớn, họ vừa giỏi về sản xuất, vừa làm tốt công tác thị trường, do đó, nhà máy của các doanh nghiệp này lúc nào cũng "sáng đèn". Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đi chưa đều, mới chỉ đi một chân, tức là mới làm tốt khâu sản xuất mà còn yếu khâu thị trường, khâu xúc tiến thương mại.
“Các doanh nghiệp FDI mở công ty, kho, văn phòng, cửa hàng tại thị trường lớn. Công tác thị trường của họ rất hoàn chỉnh. Ngành gỗ Việt Nam đang hướng đến việc này. Đẩy mạnh khâu thị trường, xúc tiến thương mại sẽ giúp nâng vai trò của doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI”, ông Đỗ Xuân Lập nói.
Bởi theo ông Đỗ Xuân Lập, thị trường quyết định sự tồn tại của các nhà máy, chứ không phải doanh nghiệp quyết định thị trường. Tuy nhiên, theo chủ tịch Viforest, doanh nghiệp Việt Nam nghĩ được nhưng vẫn chưa đủ tầm để làm. Do đó, sự chung tay của các doanh nghiệp, Hiệp hội trong công tác xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng, trong đó, việc tổ chức các hội chợ, triển lãm ngành gỗ là một trong những cách để doanh nghiệp làm quen với công tác thị trường.
“3 hội chợ chính của ngành gỗ gồm Hội chợ Nội thất tại TP. Hồ Chí Minh -HAWA EXPO và Hội chợ hàng ngoài trời Q.FAIR tại Quy Nhơn vào tháng 3 hằng năm và Hội chợ Máy và Nguyên phụ liệu BIFA WOOD VIETNAM tại Bình Dương thường niên vào tháng 8 được nhận định tạo sân chơi xúc tiến thương mại chung cho các doanh nghiệp ngành gỗ. Trong tương lai xa, sẽ có nhiều kế hoạch cho các hội chợ chuyên ngành khác tại các thành phố lớn - địa điểm trọng yếu của ngành gỗ nhằm xúc tiến thương mại, thúc đẩy sự phát triển cho ngành”, ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ.
Trong hai thập kỉ qua, ngành gỗ đã trở thành ngành công nghiệp chủ lực, đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân đạt trên 4% hằng năm. Đáng chú ý, trong những năm trở lại đây, ngành công nghiệp gỗ Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình quan trọng, không chỉ mở rộng vị thế thương mại, mà còn từng bước khẳng định ở các phương diện công nghệ và phát triển bền vững.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - nhận định, việc tổ chức thường niên các kỳ hội chợ có thể coi là động lực để các doanh nghiệp trong ngành tiếp tục khắc phục, vượt qua những khó khăn, thách thức trước mắt, đồng thời, có chiến lược phát triển bền vững trong dài hạn, tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, phát huy các phân khúc sản phẩm thế mạnh tại các thị trường truyền thống.
Đi hội chợ không chỉ để bán sản phẩm, quảng bá sản phẩm mà còn là cách để các doanh nghiệp chia sẻ, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong việc mở cánh cửa đưa sản phẩm Việt có chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong và ngoài nước. Đây cũng là cách để doanh nghiệp Việt nâng cao nội lực, thu hẹp thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp FDI, gia tăng thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt trong toàn bộ bức tranh chung của ngành gỗ Việt Nam.
Vũ Huy (Gỗ Việt - Số 169)
- Bộ Công Thương: Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Ả Rập
- B2B Matching giữa Đoàn Doanh nghiệp Ả Rập và Việt Nam
- Ngành nội thất Hoa Kỳ tăng trưởng khi nền kinh tế gặp khó khăn
- Ký kết MoU lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
- Doanh nghiệp xuất khẩu viên nén thích ứng với quy định của Nhật Bản
- EU là thị trường nhập khẩu gỗ tần bì của Việt Nam
- Ngành nội thất Malaysia nỗ lực tiến xa hơn trong chuỗi giá trị
- Bắt tín hiệu phục hồi từ thị trường nhà bếp Hoa Kỳ
- Đối tác Ấn Độ tìm nhà sản xuất Bát, Đũa, Khay bằng gỗ
- 5 thị trường chính nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ trên thế giới và thị phần của Việt Nam
-
CIFF Quảng Châu – Diện mạo mới cho Gian hàng quốc tế - "IF" biến sự không chắc chắn thành chắc chắn
-
Xúc tiến thương mại và các kiến nghị từ VIFOREST
-
Liên kết quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng: Nhóm các chủ rừng quy mô nhỏ sẽ tăng mạnh
-
Phantom Hands và Adam Markowitz ra mắt bộ sưu tập 'REFRACTIONS' như một phần của BLR Hubba
-
VTV1 - Ngành gỗ thay đổi đáp ứng thị trường xuất khẩu