Ký kết MoU lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

10/06/2024 13:24
Ký kết MoU lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Việt Nam - Nhật Bản vừa ký kết hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp, sự kiện đặt viên gạch đầu tiên cho phát triển thương mại lâm sản hai nước.

Nhật Bản là một trong năm quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trên thế giới với khoảng từ 1,5 - 2,0 tỉ USD hàng năm. Việc hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác hơn nữa sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai quốc gia trong lĩnh vực lâm nghiệp, làm cho hợp tác hai bên đi vào chiều sâu, góp phần cho sự phát triển của ngành Lâm nghiệp hai nước

Ông Nguyễn Ba Duy - Phó Chủ tịch Chi hội Viên nén gỗ Việt Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Smart Wood đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Gỗ Việt về ý nghĩa của việc hợp tác và sự chuẩn bị của Việt Nam để tận dụng được cơ hội từ sự kiện này.

? Nhật Bản là một trong số các thị trường xuất khẩu viên nén gỗ quan trọng của Việt Nam, tình hình xuất khẩu viên nén gỗ sang thị trường này thời điểm hiện nay ra sao, thưa ông?

Từ thời điểm ra Tết đến nay, hàng xuất khẩu đi Nhật Bản nhiều hơn đi Hàn Quốc, tuy nhiên không ít lượng hàng này quay đầu bán sang thị trường Hàn Quốc do nhà máy nhiệt điện tại Nhật gặp sự cố, không nhận hàng được. 

Tại Việt Nam, hiện có đơn hàng xuất đi Nhật Bản ký ở mức giá 120 USD/tấn, giá này doanh nghiệp thua lỗ. Nhưng nếu không đẩy hàng đi thì doanh nghiệp “bí” dòng tiền do hàng tồn kho, nhiên liệu, nhân công. Thị trường vẫn còn xấu. Do đó, rất khó để có các khách hàng mới. Hiện, các khách hàng họ chỉ sang làm việc và dự kiến trong tương lai. Dĩ nhiên, không phải toàn bộ thị trường đều xấu. Nhưng về cơ bản, sức mua khá yếu và việc đàm phán cho hợp đồng năm tới giá sẽ không được cao.

Cách đây khoảng gần 1 năm, giá xuất khẩu viên nén gỗ đi thị trường Nhật Bản ở hợp đồng dài hạn vẫn khoảng từ 140 - 160 USD/tấn; giá hợp đồng ngắn hạn từ 130 - 135 USD/tấn, tuy nhiên, như tôi chia sẻ, thời điểm này đã xuất hiện đơn hàng ký với mức giá xuất khẩu 120 USD/tấn. Việc này dẫn đến đàm phán giá hợp đồng sẽ rất bất lợi. Thông thường, việc đàm phán ở thời điểm này thì phải đến tháng 9, tháng 10 mới khởi động và hợp đồng thường kéo dài đến tháng 11 sang năm. Trong bối cảnh doanh nghiệp sản xuất nào cũng muốn bán để thu tiền về, nên đây là thời điểm vàng để khách hàng ép giá thấp đi.

Giá ở những hợp đồng dài hạn cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng sẽ giảm ít hơn so với hợp đồng ngắn hạn.

? Mới đây, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) vừa ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực Lâm nghiệp, ông kỳ vọng gì về việc này?

Chúng tôi vừa có buổi làm việc với các nhà mua hàng Nhật Bản. Vấn đề họ quan tâm đó là nguồn gốc xuất xứ, quy trình quản lý kiểm tra và các cam kết. Các nhà cung cấp lớn sẽ tác động rất lớn vào đội ngũ thương mại cũng như các vấn đề về chính sách với ngành viên nén gỗ.

Trở lại với biên bản ghi nhớ, chúng ta mới dừng ở ký kết song phương. Kỳ vọng của chúng ta là rất nhiều và về phía Nhật Bản, họ cũng sẽ xem xét những thể hiện của Việt Nam cũng như những tác động từ các doanh nghiệp năng lượng lớn của Nhật Bản.

Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng, việc Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản) ký kết Bản ghi nhớ hợp tác song phương về lĩnh vực lâm nghiệp đây là viên gạch nền móng cho sự hợp tác song phương của 2 bên.

Nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam phải làm sao chứng minh cho các cơ quan quản lý của Nhật Bản và các doanh nghiệp Nhật Bản chấp nhận nguồn gốc xuất xứ và truy xuất nguồn gốc. Việc này không chỉ của riêng ngành viên nén mà của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam cũng như Cục Lâm nghiệp Việt Nam. Theo đó, cần mời các đối tác sang Việt Nam thăm quan thực tế việc tuân thủ của các nhà máy, để họ hiểu chúng ta.

Câu chuyện sẽ còn rất dài, trước khi thành hình thì các doanh nghiệp phải tự làm tự vận động để chuẩn bị cho thời cơ mới.

? Theo ông, khó khăn lớn nhất trong việc thuyết phục các đối tác Nhật Bản là gì?

Khách hàng Nhật Bản rất khó tính. Họ sang Việt Nam và tìm hiểu rất kỹ về doanh nghiệp, mỗi lần họ chỉ hỏi một chút. 

Đến nay, như với Công ty CP Smart Wood, chúng tôi đã chuẩn bị hội tụ khá đầy đủ các yếu tố đáp ứng yêu cầu của Nhật Bản thì lại gặp vướng mắc từ nhu cầu thị trường do kinh tế kém, sức mua yếu, hàng hóa dư thừa. Do đó, khách hàng cũng không mặn mà.

Hiện các doanh nghiệp đang có hợp đồng xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản vẫn có cơ hội, tuy nhiên, cơ hội nếu trước đây dành cho 10 người thì nay chỉ dành cho 2 người. Nên tôi cho rằng cơ hội vẫn chỉ là ở phía trước.

Xin cám ơn ông!

CAO CẨM ( GỖ VIỆT - SỐ 166)