Ngành gỗ đối diện với bài toán thiếu hụt lao động hậu dịch Covid-19

02/11/2021 10:07
Ngành gỗ đối diện với bài toán thiếu hụt lao động hậu dịch Covid-19

Sau cơn “sóng cả” của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đi qua, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ lại đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động ở TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong khi các đơn hàng đến hạn đang cận kề.

DN giữ chân lao động bằng lương “khủng”

Tại Hội thảo "Tháo gỡ cho DN trong trạng thái bình thường mới sống chung với Covid-19" do Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương tổ chức mới đây, bà Đỗ Thị Kim Loan- Giám đốc Công ty TNHH TM & SX Sao Nam (Bình Dương)- cho biết, hiện đã có nhiều DN đưa ra những ưu đãi rất lớn để thu hút nguồn nhân lực đang có nguy cơ thiếu hụt sau dịch để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu gỗ đã đến thời điểm giao hàng."Theo thông tin tôi nắm được, có những DN cạnh tranh nguồn nhân lực bằng cách đưa ra mức thu nhập rất hấp dẫn, ngoài việc làm 8 tiếng một ngày, nếu làm thêm giờ người lao động thêm thu nhập rất cao. Tính ra với mức ưu đãi này, công nhân có thể có thu nhập 20 - 25 triệu đồng/tháng nếu chịu khó" - bà Loan nói.

Là DN chuyên xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đến các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu…, ông Nguyễn Liêm- Tổng giám đốc Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương) - cho biết, đã có khoảng 20% lao động rời Bình Dương trở về quê nên sắp tới nhu cầu nhân lực cho sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ là rất lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Liêm, để giữ chân cũng như thu hút được lực lượng lao động, hiện một số DN tăng lương, đây chỉ là giải pháp tình thế, để cạnh tranh lao động. Việc này, có muốn hay không thì DN vẫn phải làm, bởi nếu không đơn hàng xuất khẩu sẽ bị trễ và DN sẽ bị phạt đơn hàng. Tuy nhiên, với mức chi phí nguyên liệu tăng mấy chục phần trăm, chi phí nhân công cũng tăng đang là áp lực đè nặng lên DN. Và với việc tăng lương 5-10% là quá ngưỡng chịu đựng của DN ngành gỗ. “Với mức lương đang trả hiện nay, ở một số dòng sản phẩm đồ gỗ, DN sản xuất hiện nay đang lỗ, làm đúng năng suất cũng lỗ, nguyên nhân do nguồn nguyên liệu đầu vào tăng, trong khi giá đầu ra không tăng giá . Đối với khách hàng châu Âu, Mỹ, nhanh nhất phải đầu năm 2022 họ mới điều chỉnh giá, bởi thực tế khách hàng cũng đang chịu sức ép do chi phí thuê mặt bằng tăng, chi phí logistics tăng”,ông Nguyễn Liêm nói.

Theo ông Nguyễn Liêm, bài toán lao động đã tác động đến cả các DN lớn và nhỏ. Hiện, hoạt động sản xuất của các DN vẫn diễn ra cầm chừng và chia ra nhiều giai đoạn phục hồi. Ví dụ, giữa tháng 10/2021 thì DN dọn dẹp xưởng; cuối tháng 10/2021 DN tái khởi động và năng suất đạt khoảng 50-55%, cuối tháng 11/2021 lên khoảng 60-65%; cuối  tháng 12/2021 đạt khoảng 70-75% và duy trì đà này đến cuối tháng 1/2022. Dự kiến, đến cuối tháng 2/2022 mới lên trên 80%.

Trong khi việc tuyển dụng thêm lao động gặp khó thì nhiều ngành nghề đang cố gắng tận dụng lao động hiện có trong DN bằng cách tăng ca. Tuy nhiên, theo ông Nguyên Liêm, đặc thù ngành gỗ không phải cứ tăng ca thì năng suất sẽ tăng. Tăng ca nhiều hay ít ngoài việc phụ thuộc vào đơn hàng, thì còn phụ thuộc vào các điều kiện cơ bản như nguyên phụ liệu đầu vào có về kịp thời hay không. Ngay cả khi có đủ đơn hàng và nguyên phụ liệu về đầy đủ, nhưng nếu tăng ca 20%, thì hiệu quả sản xuất chỉ tăng lên 10 - 15%, tăng ca chỉ là giải pháp tình thế.

Sản xuất đồ gỗ tại Công ty CP Lâm Việt (Bình Dương). Ảnh: Gỗ Việt

Cần có những giải pháp dài hơi

Về nguyên tắc, giá nhân công sẽ tính vào chi phí đầu vào của DN. Giá nhân công quá cao cũng sẽ tác động đến sức cạnh tranh của DN.  Để tăng năng suất của nhà máy, nhiều ý kiến cho rằng, DN cần đầu tư vào công nghệ. Tuy nhiên, theo các DN trong ngành, thời điểm này, không phù hợp để DN tái cơ cấu lại thiết bị bởi nguồn lực của DN hiện hạn hẹp, việc tìm kiếm thiết bị phù hợp, đặt hàng, vận chuyển về,… cũng mất rất nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, số lượng lớn công nhân lao động di chuyển về quê cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch. Thị trường lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phố phía Nam được dự báo sẽ đối diện nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, nhất là khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, các DN phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm. 

Khảo sát từ nhiều DN các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Vũ Trọng Bình- Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội- cũng khẳng định hiện nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhất là các DN ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Để đảm bảo nguồn cung lao động, ông Vũ Trọng Bình khuyến nghị các DN cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch.

Đợt dịch lần thứ 4 đã tạo ra một cuộc dịch chuyển lớn trên thị trường lao động. Vắc- xin và mở cửa đi lại vẫn là điều kiện quan trọng nhất để đảm bảo ổn định nhân lực. Từ thực tế nhu cầu nguồn lao động của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang rất cao, nhất là sau khi một lượng lớn lao động đã rời TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương về quê những ngày qua, cùng với nỗ lực từ chính các DN, bà Loan kiến nghị địa phương, các ngành chức năng cần có chính sách tạo động lực lôi kéo lao động về tỉnh càng nhiều càng tốt.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mới đây, ông Phạm Tấn Công- Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam- kiến  nghị, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động. Nhìn dòng người ồ ạt rút khỏi TP. Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế phía Nam, có thể thấy cấu trúc lao động cũ đã bị phá vỡ, các DN sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn 6 tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ DN thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp.

Hà Anh (Gỗ Việt, số 138, tháng 10 năm 2021)